Ngộ độc ấu tàu- Biết để phòng tránh

29-02-2016 14:04 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ô đầu (Aconitum fortunei Hemsl.) thuộc họ Mao hương (Ranunculaceae), tên khác là ấu tàu, thảo ô, xuyên ô, co u tàu (Thái), ú tàu (Tày), cố y (H’Mông). Cây mọc hoang và được trồng nhiều ở các tỉnh biên giới nước ta.

Ô đầu là một vị thuốc rất độc, thuộc bảng A trong quy chế thuốc độc. Để giảm bớt độc tính, người ta đã chế biến ô đầu (dạng sống) thành phụ tử (thuốc chin). Phụ tử được xếp vào bảng B với liều gây độc là 25-100g. Phụ tử lại được chế giảm độc thêm nữa dưới dạng diêm phụ tử, hắc phụ tử và bạch phụ tử.

Trong Y học cổ truyền, ô đầu được coi là một trong số 4 vị thuốc quý: Sâm, nhung, quế, phụ (tức phụ tử là dạng chế biến của ô đầu). Dạng sống ô đầu và dạng chín phụ tử đều được sử dụng phổ biến. Về dược tính, ô đầu có vị nhạt, the, về sau gây cảm giác kiến bò, được dùng chữa bán thân bất toại, chân tay tê mỏi, gân cơ đau nhức, co quắp. Chỉ dùng rượu ngâm ô đầu với tỷ lệ 10% để xoa bóp ngoài. Dùng riêng hoặc phối hợp ô đầu với nhiều vị thuốc khác như nghệ trắng, mật gấu, nhân hạt gấc, mật trăn, huyết lình.

Phụ tử có vị cay, hơi ngọt, tính nóng, có thể dùng uống để “hồi dương” trong những trường hợp cấp cứu như mạch gần như không có, mồ hôi ra nhiều, chân tay quờ quạng, phong hàn thấp tý, thận dương hư bất túc, cước khí, thủy thũng. Tuy độ độc có giảm, nhưng nhiều người giàu kinh nghiệm chữa bệnh vẫn phải phối hợp với các vị thuốc khác, đặc biệt là cam thảo và gừng sống, sắc kỹ, gạn lấy nước rồi uống. Có người còn nấu lại phụ tử nhiều lần với đậu đen hoặc ngâm nước vôi hoặc nước gạo đặc thật lâu mới dám dùng.

Xưa nay, người dân ở vùng núi cao coi ô đầu là một vị thuốc quý. Họ cho rằng người già dùng ô đầu thì nâng cao được thể lực, bớt đau mỏi, ăn ngủ tốt; giới trung niên thì tăng cường khả năng sinh lý, gân xương chắc khỏe. Dạng dùng thông thường là rượu ngâm uống hằng ngày. Phụ nữ sau khi đẻ dùng ô đầu nấu cháo ăn cho chóng lại sức, lao động được ngay. Đôi khi, dạng cồn xoa bóp cũng được sử dụng.

Nhiều vụ ngộ độc vẫn xảy ra, thường là do uống rượu ngâm ô đầu. Người bị ngộ độc lúc đầu thấy cảm giác tê buồn ở lưỡi và niêm mạc miệng, rồi ngứa cổ và ho, sau đó nôn mửa, chân tay lạnh, toát mồ hôi, tim đập nhanh, nhỏ không đều, đái ỉa ra quần, loạn hô hấp, có khi bất tỉnh. Nếu nặng thì thân nhiệt hạ thấp, mạch đập chậm, người xỉu đi, cuối cùng chết vì ngạt thở.

Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tốt nhất là không nên tự ý dùng ô đầu, phụ tử dù là ngâm rượu để xoa bóp.


DS. Nguyễn Thị Hồng
Ý kiến của bạn