Ngộ độc arsenic trong nước - vấn đề cần được quan tâm

14-11-2018 13:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngộ độc arsenic có thể cấp hay mạn nhưng thường chủ yếu là ngộ độc mạn qua các con đường khác nhau như nước, thực phẩm, thuốc... Vì vậy, để phòng tránh sự nhiễm độc này cần có các biện pháp chủ động và ngăn chặn thích hợp.

Nguồn gây nhiễm độc arsenic

Nguồn gây nhiễm độc cấp

Trước đây arsenic được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, chữa lỵ amip, giang mai (dung dịch fowler, natricacodylat, arsenobenzol, novasenobenzol). Nay đã có nhiều thuốc tốt hơn nên người ta không dùng tới arsenic nữa. Arsenic chỉ còn được dùng trong liệu pháp vi lượng đồng căn (liều tính bằng microgam) hay trong bệnh bạch cầu tiền tủy bào cấp tái phát (do chưa có thuốc thay thế). Tuy nhiên trong Đông dược hiện vẫn còn dùng các vị thuốc có hàm lượng arsenic cao như hùng hoàng, thư hoàng. Trong hai vị này, arsenic ở dưới dạng asensulfua với tỷ lệ rất cao (71,1%), cao gấp 1.500- 2.500 lần tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong 1 lít nước.

Arsenic còn có trong thạch cao, 1kg thạch cao có chứa tới 0,9mg arsenic (cao gấp 90 lần tiêu chuẩn WHO). Người dân lại thường dùng thạch cao để làm cứng miếng đậu phụ, do đó đậu phụ cũng bị nhiễm arsenic. Như vậy, arsenic có trong thuốc, thức ăn chủ yếu gây ngộ độc cấp nhưng hiếm gặp.

Khi bị ngộ độc cấp thường sau 1-12 giờ dùng, người bệnh có nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chảy máu ở dạ dày ruột, gây mất nước nặng, khát nước dữ dội, mạch yếu, loạn nhịp tim co giật, chuột rút, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu tiện, choáng. Nếu nặng dẫn tới tử vong rất nhanh (trong khoảng 12 giờ đến 48 giờ).

Nguồn gây nhiễm độc mạn

Arsenic vốn có sẵn trong thiên nhiên: Đất đá không khí, trầm tích lâu ngày và đi vào mạch nước ngầm (ở các giếng khoan sâu). Arsenic còn có trong các hợp kim chế tạo đài bán dẫn, máy laser, trong sản xuất kính, vải, hồ dán kim loại, chất bảo quản gỗ, vũ khí. Một số ít có trong thuốc trừ sâu, trong phụ gia chế biến thức ăn gia súc. Khi các vật này bị thải loại, môi trường bị ô nhiễm, arsenic có thể có ở những mạch nước nông hơn (nước giếng, ao, hồ). Arsenic trong mạch nước ngầm chủ yếu gây ngộ độc mạn do dùng lâu dài nước có arsenic vượt tiêu chuẩn.

Ngộ độc arsenic mạn diễn ra từ từ, ít nhất là sau 4 - 5 năm dùng nước có nồng độ arsenic vượt quy định. Trên da, có các đốm sẫm màu ở đầu chi, niêm mạc lưỡi, hay ở các vị trí khác, bị sừng hóa da (thường thấy ở bàn tay, bàn chân), có khối u da, có các mảng đen trên da, sạm da, viêm da kiểu eczema, một phần da bị đỏ ửng, sau đó chảy nước, lở  loét; tóc rụng; phù mi mắt, viêm kết mạc; đau cơ âm ỉ; đau tai; đau răng; hồng cầu và bạch cầu bị giảm, mạch máu bị thương tổn, rối loạn nhịp tim; trí nhớ giảm; buồn nôn, đôi khi rối loạn tiêu hóa nhẹ; sút cân, mệt mỏi, suy nhược toàn thân; đôi khi có khối u ở gan phổi, xơ gan; gây ung thư (cứ 10.000 người dùng nước có nồng độ arsenic cao hơn quy định của WHO thì có 6 người bị ung  thư). Arsenic cũng ảnh hưởng đến thai nhi. Biểu hiện ban đầu tập trung trên da, nên thường hay bị nhầm là bị bệnh da liễu thông thường.

Arsenic (dưới dạng oxit) tan chậm trong nước lạnh, tan nhanh trong nước nóng không màu, không mùi, không gây ra cảm giác khó chịu nào (ngay ở liều gây độc) nên còn được gọi là “sát thủ vô hình”.

Không khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm bừa bãi, phòng ngừa nhiễm arsenic từ nước.

Không khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm bừa bãi, phòng ngừa nhiễm arsenic từ nước.

Biện pháp phòng ngừa nhiễm arsenic từ nước

Lâu nay người ta thường chú ý nhiều đến chỉ tiêu nhiễm khuẩn (chỉ số E. coli), tiêu chuẩn nhiễm bẩn (chỉ số chất hữu cơ), chỉ tiêu nhiễm kim loại nặng (chỉ số kim loại toàn phần) trong nước mà chưa chú ý đến chỉ tiêu nhiễm arsenic. Theo quy định của WHO, nồng độ arsenic trong nước là 0,01mg/lit, trong nước sau xử lý của các nhà máy nước của Việt Nam là 0,01mg /lit. Để phòng ngừa nhiễm arsenic từ nước cần áp dụng các biện pháp sau:

Biện pháp chủ động

Chỉ khoan lấy nước ngầm ở những vùng thật sự cần thiết (khi không thể có nguồn nước từ khe suối dẫn về, không thể đào giếng như vùng trung du). Hiện nay nhiều gia đình ở trong vùng đồng bằng có thể đào được giếng nhưng vẫn thích khoan vì tưởng nước mạch ngầm sạch hơn và tiện hơn (do giá rẻ, ít chiếm diện tích, bơm thẳng nước lên cao).

Khi khoan lấy nước mạch ngầm cho một vùng cần phải thăm dò. Nếu khoan ở độ sâu 30 -150m thì hàm lượng asenic rất cao (3,2mg/lit), nếu khoan ở độ sâu từ 150 - 200m thì hàm lượng arsenic thấp (0,005mg/lit). Độ sâu an toàn này có thể thay đổi theo vùng.

Biện pháp ngăn chặn

Người dân cần nhận biết được các biểu hiện nhiễm độc thông thường do arsenic gây ra (như các biểu hiện trên da) để chính họ tự phát hiện ra khi mình đã bị nhiễm độc. Ở nơi có nước nhiễm arsenic (và sắt) cần xây bể lọc thủ công:  Bơm nước lên một máng, hay ống nhựa có khoan lỗ nhỏ (đường kính 1,5-2mm). Nước theo lỗ nhỏ rơi xuống như mưa, sẽ làm cho arsenic (và sắt) bị không khí, ánh sáng oxy hóa. Sau đó cho nước này đi qua một bể lọc có 2 ngăn. Ngăn lọc chứa than hoạt, sét, cát, sỏi, và một ngăn sạch chứa nước đã lọc. Hai ngăn được thông với nhau. Arsenic (và sắt) sẽ bám lại tại các lớp lọc, nước sạch sẽ đi vào ngăn sạch qua lỗ thông của hai ngăn này. Sáu tháng nên thay vật liệu lọc một lần. Nước qua bể lọc không còn hay chỉ còn arsenic (và sắt) ở mức thấp hơn quy định chuẩn.


Hà Thuỷ Phước
Ý kiến của bạn