Có kịch tính, bất ngờ, thậm chí đến mức động trời như việc ứng viên số 1, chủ nhà thua Đức đến 1-7, thế nhưng rõ ràng hai trận bán kết của giải đã gây thất vọng lớn. Cuộc đấu của 4 anh hào đã có diễn biến, chất lượng khác xa chờ đợi của giới chuyên môn và người hâm mộ.
Messi và đồng đội vui mừng sau chiến thắng trước Hà Lan.
Chẳng thể nói gì khác ngoài hai chữ “thảm họa” cho trận bán kết được đánh giá thượng đỉnh giữa Brazil và Đức kết thúc với tỉ số 7-1 ngoài sức tưởng tượng cho đại diện châu Âu. Một thảm họa không chỉ với nước chủ nhà từng 5 lần vô địch, mà cho cả bóng đá thế giới, mà cụ thể hơn chính là kỳ World Cup này cũng như những người hâm mộ. Không ai tin và muốn Brazil trải qua thất bại lịch sử đầy tủi hổ như thế với hàng loạt “kỷ lục” chắc còn ám ảnh xứ sở Sampa cả trăm năm: trận thua đậm nhất của chính họ kể từ 1920, trận thua cách biệt nhất mà một đội chủ nhà World Cup phải gánh chịu. Thực tế cuộc đấu cũng là một màn tra tấn thực sự đối với những người yêu bóng đá. Đội Đức chơi không quá hay, nói chính xác hơn là chưa kịp thể hiện gì, Brazil đã lập tức và liên tiếp mắc sai lầm chết người, từ cách tiếp cận cho đến sự yếu kém đồng loạt của hàng loạt vị trí. Thầy trò Scolari đã tự sát rồi sụp đổ toàn diện. Mới chỉ 30 phút, số phận cuộc đấu đã được định đoạt khi Đức vượt lên dẫn trước tới 5 - 0 với 5 pha ghi bàn chóng vánh chưa từng có chỉ trong đúng 19 phút, từ phút từ 10 tới phút thứ 29. Người ta đã, đang và sẽ còn mổ xẻ nhiều về thảm bại thế kỷ của cường quốc số 1 mà từ đó đã dẫn đến những cuộc bạo động trên đất Brazil. Tuy nhiên, rõ ràng mọi người đã quên rằng, với riêng giải này, đây chính là màn trình diễn tồi tệ nhất mà Brazil đóng vai tội đồ, không xứng tầm với một trận bán kết của hai tên tuổi lẫy lừng.
Không đến mức như cặp Brazil - Đức, song trận bán kết còn lại giữa Argentina - Hà Lan cũng chán nản và xét trên mặt nào đó cũng là một thảm họa. Cuộc chạm trán của hai ông lớn từng được coi như đại diện của bóng đá tấn công rực lửa, lối chơi đa dạng đã diễn ra quá nhàm chán, tẻ nhạt với chất lượng chuyên môn cực thấp, bất chấp cả hai bên đều có những siêu sao hàng đầu thế giới, đặc biệt là Messi. Họ đã chơi quá chặt chẽ, thực dụng với nỗi sợ thua cùng đè nặng. Cả trận chỉ có đúng 10 pha dứt điểm về phía khung thành với vỏn vẹn 4 pha trúng đích, thực sự không có tình huống nguy hiểm, cơ hội ghi bàn nào. Ngay cả Messi cũng chỉ có 2 lần xuất hiện với một pha sút phạt trúng người thủ môn cùng một pha đi bóng chuyền vào cho đồng đội, còn lại thì mất hút. Nhiều người ví nó giống như một trận đấu của hai đội bóng trung bình ở Italia - quá hiểu nhau và đấu cốt để không thua chứ không phải Argentina gặp Hà Lan ở bán kết World Cup. Cuộc tranh tài chỉ hấp dẫn, gay cấn lên trong vài phút nhưng là ở pha loạt đá luân lưu sau 120 phút không bên nào tạo được đột biến. Ở đó, Hà Lan đã không thể có lần may mắn thứ hai như trận tứ kết trước Costa Rica non kinh nghiệm, còn Argentina của Messi đã giành chiến thắng, đơn giản nhờ nhỉnh hơn về bản lĩnh trên chấm 11m của mình.
Hai trận bán kết đã gây thất vọng lớn, giờ đây, mọi người lại phải trông chờ sẽ được bù đắp tất cả ở chung kết - cuộc đại chiến kinh điển giữa hai đối thủ đầy duyên nợ Đức - Argentina. Hai đội đã từng gặp nhau ở hai trận chung kết liên tiếp 1986 và 1990 với phần thắng chia đều.
Với Đức, phải mất 12 năm, còn Argentina còn có thời gian đằng đẵng gấp đôi mới giành quyền vào chơi một trận chung kết World Cup.
Mueller sáng cửa thành “Vua phá lưới”
Hiện đang có 5 pha lập công, chỉ cần có thêm một bàn thắng nữa trong trận chung kết, tiền đạo chủ lực của Đức sẽ qua mặt James Rodriguez để đoạt danh hiệu “Vua phá lưới”. Khi ấy, hai người sẽ có cùng 6 bàn, song Mueller có pha kiến tạo thành bàn nhiều hơn hẳn - tiêu chí quyết định trong trường hợp nhiều người ghi bàn như nhau. Quan trọng hơn, nếu thành công, ngôi sao của CLB Bayern Munic này sẽ trở thành chân sút đầu tiên trong lịch sử hai kỳ World Cup giành danh hiệu “Vua phá lưới” ở hai kỳ. Cách đây 4 năm, Mueller cũng thắng kiểu như vậy khi có cùng 5 bàn thắng như Villa (Tây Ban Nha) và Sneider (Hà Lan), song hơn về chỉ số phụ.
Trước đó, ngay từ vòng bán kết, với thêm 1 bàn thắng, một tiền đạo khác của Đức - Klose cũng chính thức vượt lên huyền thoại Ronaldo (Brazil) để độc chiếm kỷ lục người ghi nhiều bàn nhất tại các kỳ World Cup với 16 pha phá lưới thủ môn các đội.
Tường Nhi