Sau ngày Độc lập 2/9/1945, Trường Đại học Y Dược khoa khai giảng vào 15/11. GS. Vũ Triệu An trở thành sinh viên Y khoa khóa đầu tiên dưới chính thể Cách mạng. Ngay năm đầu, chàng sinh viên Vũ Triệu An cùng các bạn năm thứ nhất đã học thực hành tất cả các buổi sáng ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phủ Doãn; buổi chiều học lý thuyết tại trường.
Để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, ngày 1/11/1946, Chính phủ cách mạng đã làm lễ thành lập hệ "Quân y đại học" đầu tiên. Sinh viên Vũ Triệu An cùng 39 bạn đồng khóa tự nguyện tham gia. Họ được cấp phát trang phục, có sinh hoạt phí, sinh hoạt tương tự bộ đội, chịu sự điều động của quân đội, nhưng vẫn dự các giờ giảng tại trường.
Nhờ thực tập ở bệnh viện trong năm đầu vào trường, sau một năm học, các sinh viên đã thành thạo các công việc cứu thương: băng bó, tiêm thuốc, săn sóc bệnh nhân.
Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến, các sinh viên được phân công về địa phương tham gia cấp cứu chiến thương cho bộ đội và đồng bào dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ.
Sinh viên Vũ Triệu An tham gia tại mặt trận Hải Dương trong một đơn vị quân y do bác sĩ Ngô Như Hiền và y sỹ Đông Dương Lê Văn Khải phụ trách.
Ngày 6/10/1947, Trường đại học Y Dược khoa kháng chiến đã tổ chức trọng thể lễ khai giảng niên khoá 1947-1948 tại Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang. Sinh viên Vũ Triệu An trở lại trường tiếp tục học năm thứ hai.
Chế độ đào tạo của nhà trường là cho sinh viên học các lớp "đoản kỳ" rồi tỏa đi các địa phương phục vụ kháng chiến, sau từng thời gian lại về học, rồi lại đi chiến dịch. Các sinh viên y khoa có thế mạnh về ngoại ngữ tiếng Pháp cho nên tự học khá tốt. Họ rất tích cực học và đọc vì họ biết rất rõ nhiệm vụ sắp tới đối với sức khỏe của bộ đội và nhân dân ngoài chiến trường.
Những năm kháng chiến, sinh viên quân y Vũ Triệu An được phân công đi phục vụ chiến trường tại Đoàn giải phẫu lưu động mặt trận phía Nam đường số 5, tại Hải Dương (1947), rồi về công tác tại Trung đoàn 42, đóng tại Thái Bình (1948); Quân y Viện Khu III đóng tại Thái Bình (1949); phân viện Quân y VII và phân viện Quân y V (1950-1954), đóng tại Thái Nguyên. Ông đảm đương được nhiều chức năng, trở thành người thầy thuốc đa năng nội, ngoại và sản.
Năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc. Năm 1955, ông nhận bằng bác sĩ tại Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội, được cử đi thực tập khoa học tại Tiệp Khắc một năm. Từ 1954-1959, ông là Trưởng khoa Khoa truyền máu, rồi Trưởng Khoa Nội A3 Tiêu hóa, Quân y viện Trung ương 108.
Trong những năm tháng trực tiếp phục vụ bệnh nhân, ông là người quản lý giỏi và tận tụy với người bệnh.
Các bác sĩ quân y viện 108 kể lại: "Những năm 1956-1959, các y bác sĩ khoa Nội tiêu hóa A3 Bệnh viện 108 thực hiện việc thăm khám Nội soi dạ dày bằng các ống sonde cứng bằng kim loại (ngày nay đã dùng các ống soi mềm, nhỏ ). Là Trưởng khoa, BS. Vũ Triệu An thấy các bệnh nhân kêu đau và có các biến chứng như xây xát niêm mạc, nhiễm trùng, chảy máu, thủng dạ dày. Vì vậy các bệnh nhân rất sợ, rất e ngại khi được chỉ định thực hiện thủ thuật này. Biết được khó khăn này, BS. An đã thực hiện việc nội soi lấy thân mình làm thực nghiệm. Ông yêu cầu các bác sĩ cùng khoa đặt ống sonde kim loại qua miệng và và đẩy vào thực quản từng centimet, qua đó ông nhận xét các cảm giác đau theo từng centimet, rồi chọn vị trí của ống sonde để có thể có nhận xét đúng khi chẩn đoán, rồi viết thành quy trình. Nhờ đó các lần làm nội soi sau đó hợp lý hơn, đã giảm đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, tránh được các tai biến. Từ đó các thủ thuật được áp dụng nhiều hơn, đã phát hiện nhiều bệnh nhân có bệnh".
Từ năm 1956, ông được biệt phái dành thời gian tham gia xây dựng Bộ môn Sinh lý bệnh, Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội. Từ 1958 đến 1966 ông được giao là Phụ trách bộ môn Sinh lý bệnh của Trường và năm 1966 trở thành Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Bộ môn.
Trong hai năm đầu tự tay đánh máy chữ, ông soạn các giáo trình Sinh lý bệnh cho sinh viên Y3, cho các lớp chuyên tu và hàm thụ với trình độ khác nhau và số giờ học khác nhau.
Các đồng nghiệp và học trò nhiều thế hệ rất mến phục ông: một người có tư duy khoa học khách quan và tính tình cương trực. Họ còn nhớ mãi, ngày đầu học môn Sinh lý bệnh và được dạy: "Đạo đức của người Thầy thuốc: một là phải sẵn sàng và tận tâm cứu chữa người bệnh, phải luôn cẩn trọng trước sinh mạng người bệnh và hai là không được phép biến sự đau khổ của người bệnh thành cơ hội tạo vinh hoa phú quý cho bản thân mình".
GS Vũ Triệu An quan niệm: Nghiên cứu y học bắt đầu từ những nhận xét trong cuộc sống của con người, nhưng nhận xét đó cần phải được thông qua thực nghiệm để rút ra những bằng chứng khoa học rồi mới được áp dụng rộng rãi cho người bệnh.
Tính cương trực và khách quan của ông thể hiện trong các ý kiến sắc sảo về công tác quản lý khoa học. Giáo sư phê phán một số công trình nghiên cứu khoa học ở nước ta rất tốn kém và ít hiệu quả, biểu hiện tính chuộng hình thức. Theo ông, phải có chủ đề khoa học thì mới tìm công nghệ, và từ công nghệ mới đi tìm loại máy móc để mua và trang bị thích hợp. tránh hiện tượng một số người mua sắm máy móc, nhưng không biết mua để làm vào việc gì và rồi thì "cất kỹ".
GS Vũ Triệu An rất say mê phục vụ thực tiễn. Vào thập niên 70 và 80 khi mà công nghệ sinh học mới chỉ phôi thai, ông đã dành nhiều công sức và tâm trí đầu tư cho việc sản xuất các chế phẩm sinh học về miễn dịch bằng các phương pháp thô sơ.
Để có thể làm được các nghiên cứu, vị Trưởng bộ môn phải lo toan tự kiếm, tự làm để có nguồn điện nước ổn định và huy động cán bộ nhân viên bộ môn tự nuôi lấy súc vật thí nghiệm. Nhờ vậy thầy và trò bộ môn Sinh Lý bệnh đã thực hiện hơn hai trăm công trình khoa học tại 13 Lê Thánh Tông.
Giáo sư và các cộng sự đã cho đã ra đời một số chế phẩm, cung cấp cho nhiều nơi, đã được ứng dụng trong đào tạo và chẩn đoán. Giáo sư đã chế tạo thành công kháng thể chống alpha-F-Protein áp dụng cho xét nghiệm chẩn đoán sớm ung thư gan, giúp GS Tôn Thất Tùng và các thầy thuốc ngoại khoa quyết đinh mổ sớm cứu sống nhiều bệnh nhân.
Giáo sư Vũ Triệu An là con người trong sáng, sống vô tư, không vụ lợi, không bon chen và và tính toán, sống liêm khiết, giản dị, chân tình được mọi người tín nhiệm và quý mến, nhờ đó cán bộ trong khoa đoàn kết và đồng lòng vì công việc.
Hơn 97 năm của cuộc đời trong đó có hơn 70 năm phục vụ trong ngành y tế nước nhà, GS. Vũ Triệu An dã có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự nghiệp đào tạo cán bộ y học và nghiên cứu khoa học. Giáo sư đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng nhì năm 1998, được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2000 và được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vì đã có công đào tạo nhiều cán bộ chuyên ngành đã và đang công tác trong các trường Đại học và các Viện nghiên cứu Y học khắp 3 miền đất nước.