Nghiện trò chơi điện tử và những hệ lụy

02-07-2020 09:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Nghiện trò chơi điện tử (game) là một vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nay. Hậu quả của việc nghiện game, tạo nên tâm lý không phân biệt được ranh giới thực giữa cuộc sống thực và ảo. Trong thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, để lại nhiều bài học đắt giá. Chủ yếu nhắm vào trẻ em- đối tượng vốn dĩ chưa có sự hoàn thiện về nhận thức và nhân cách.

Nghiện trò chơi điện tử đã được Tổ chức Y tế Thế giới  WHO xác định là một dạng bệnh về tâm thần. WHO coi chứng nghiện game là một bệnh lý chính thức được bổ sung vào danh mục 55.000 bệnh, các thương tích hoặc nguyên nhân gây tử vong (ICD). Nghiện trò chơi điện tử là một vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều người, đặc biệt là với trẻ tuổi học đường. Nó không chỉ gây ra hậu quả đáng kể về sức khỏe, cuộc sống, tác động trực tiếp tới não bộ và sức khỏe tâm thần, mà còn ảnh hưởng đến cả tương lai phía trước. Thực tế đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng do nghiện game cùng với những hệ lụy khôn lường.

Bi kịch từ trò chơi ảo

Mới đây, dư luận xôn xao về vụ  bé trai 5 tuổi ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An đã tử vong liên quan đến trò chơi game ảo. Thêm một hồi chuông cảnh báo về tình trạng nghiện game ảo, nhưng tác hại thật.

Theo lời khai của đối tượng Đ.N.H, do thường chơi game trên mạng, nên đã bắt chước, bắt nhốt bé ở bìa rừng để chơi trò thám tử đi tìm kiếm bé. Sau khi gia đình phát hiện bị mất tích, thấy chính quyền, cơ quan công an vào cuộc tìm kiếm nên H. sợ, không dám đến đưa bé về. Khi bị công an triệu tập, nghi phạm này mới khai nơi nhốt cháu bé.Khi cơ quan chức năng và gia đình tìm đến nơi thì cháu bé đã tử vong. Qua vụ việc này, nhiều người đặc biệt là bậc phụ huynh rất lo lắng về việc chơi game của con em mình. Đây là một trong những thực trạng đáng lo ngại về việc chơi game của giới trẻ, nhất là các trò chơi có xu hướng bạo lực.

Trước đó, vào năm 2018, cũng tại tỉnh Nghệ An, đã xảy ra một vụ án mạng nghiêm trọng liên quan đến trò chơi game. Hung thủ 11 tuổi đã dùng dao chém vào đầu bạn khiến bạn tử vong tại chỗ, chỉ vì hai người tranh cãi với nhau về một nhân vật trong game điện thoại. Cũng trong năm 2018, hai học sinh ở Thái Nguyên do nghiện chơi game nhưng không có tiền,  dù mới 13 tuổi, hai đứa trẻ này đã ra tay sát hại người bà con một cách dã man, với mục đích cướp tiền để đi chơi game.

Nghiện trò chơi điện tử và những hệ lụySự thiếu nhận thức giữa thực và ảo, giữa cuộc sống và game ở trẻ có thể gây nhiều hệ quả nguy hiểm

Còn nhiều sự việc khác khiến cho cha mẹ, người thân phải đau lòng, bởi trẻ vì nghiện game đã bỏ bê học hành, dối thầy lừa bạn, lừa gia đình; thậm chí trộm cắp, cướp giật chỉ để có tiền chơi game…

“Cai nghiện” game như thế nào?

Theo BS. Huỳnh Thanh Hiền, BV Tâm thần TP.HCM, chứng nghiện game gây ra những hệ luỵ về sức khoẻ như rối loạn giấc ngủ do thức khuya để chơi game, nặng hơn là rối loạn về tâm lý. Khi nghiện game, trong đầu trẻ chỉ nghĩ đến game,  không còn hứng thú học tập, nên kết quả học tập cũng theo đó mà sa sút. Trẻ có thể mắc các chứng dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi của mình.

Ngoài những ảnh hưởng nói trên, trẻ nghiện game sẽ thoát li khỏi các hoạt động xã hội, lười vận động, thậm chí không giao tiếp với mọi người.   Trẻ còn có thể mắc phải chứng khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do ngồi quá lâu ở một tư thế.

Chơi các game có tính bạo lực thì có thể khiến cho trẻ trở nên bướng bỉnh, hung hăng, dễ xảy ra các hành vi vượt quá các chuẩn mực đạo đức: “Một số bệnh nhân đến tại phòng khám của tôi, có rối loạn hành vi như: bướng bỉnh, cãi lại và hỗn hào với cha mẹ, đập phá đồ đạc trong phòng cá nhân. Có trường hợp thể hiện hành vi tự huỷ hoại cơ thể mình khi bị ngăn cấm chơi game”, BS Hiền nói.

Nói về bệnh lý nghiện, BS Hiền thông tin, nghiện nói chung bao gồm 2 loại là nghiện vật chất và nghiện phi vật chất. Nghiện vật chất như nghiện ma túy, nghiện rượu, thuốc lá…  nghiện phi vật chất như nghiện cờ bạc, nghiện game.

Nghiện trò chơi điện tử và những hệ lụyPhía trước của con là tương lai chứ không phải là điện thoại, cha mẹ hãy quản lý tốt việc sử dụng thiết bị điện tử của con trẻ

Cơ chế của nghiện phi vật chất là thông qua “con đường khen thưởng dopamine reward pathway”. Tức là khi thắng 1 game thì não sẽ tiết ra chất dopamine gây sảng khoái, hưng phấn và người nghiện game có xu hướng tìm lại cảm giác này.

Nếu như một người dành nhiều đêm thức chơi game, mặc kệ tất cả mọi việc xung quanh, bất chấp các việc cá nhân hay lao động. Các chuyên gia có thể xác định đó là người mắc hội chứng “rối loạn tâm lý vì game”. Nếu tình trạng này kéo dài 12 tháng, sẽ được xem là tình trạng “bệnh nghiện game”.

Để cai nghiện game cũng không phải là quá khó, đa số trẻ phục tùng khi bị cha mẹ tịch thu điện thoại, máy tính… hoặc quả lý chặt không cho ra các tiệm game. Chỉ những trường hợp có phản ứng thái quá mới cần can thiệp.

BS Hiền khuyến cáo, phụ huynh cần giám sát con em mình, quan tâm hơn đến trẻ, chia sẻ cùng trẻ. Cần quản lý giờ giấc vui chơi với thời gian dành cho việc học.

Các quy định về nghiện game đã được công nhận, nhưng phải tới ngày 1/1/2022 mới bắt đầu có hiệu lực để áp dụng vào nhiều quy chuẩn y tế; để kết hợp thống nhất thêm các lộ trình điều trị, phòng, chữa bệnh cho các bệnh nhân gặp tình trạng này.


THY ANH
Ý kiến của bạn