Parkinson là bệnh biến tính thần kinh hay rối loạn thoái hóa hệ thần kinh trung ương, gây suy yếu khả năng vận động, ngôn ngữ và các chức năng khác của cơ thể, thường gặp ở nhóm người trung, cao tuổi. Sau nhiều nghiên cứu, gần đây khoa học phát hiện thuốc trị Parkinson phát sinh nhiều phản ứng phụ, trong đó có bệnh nghiện sex và cờ bạc.
Mặt trái ít biết của thuốc trị Parkinson
Tạp chí JAMA Internal Medicine số ra ngày 20/10/2014 vừa qua đăng tải nghiên cứu của nhóm chuyên gia ở Bệnh viện Sinai Baltimore và ĐH John Hopkins, Mỹ, cho thấy, thuốc Parkinson để lại nhiều hệ lụy, nhất là di chứng nghiện cờ bạc, nghiện sex, thậm chí có cả trường hợp cuồng dâm (hypersexuality) và nghiện mua sắm. Đây là những hành vi không bình thường chỉ thấy ở nhóm người dùng thuốc trị Parkinson. Theo TS. Howard D. Weiss và Gregory M. Pontone, đồng chủ trì nghiên cứu, kết luận trên dựa vào 1.580 nghiên cứu và điều trị Parkinson tại Mỹ và 21 quốc gia trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2012. Cụ thể, trong số này có 710 trường hợp dùng nhóm thuốc dopamine receptor agonist (chất đồng vận dopamine), gọi tắt là DRA, 870 người bị nghiện do dùng kết hợp nhiều loại thuốc, trong đó có cả requip. Nghiên cứu kỹ, nhóm đề tài xác định được tỷ lệ những người dùng các chất đồng vận dopamine có tỷ lệ mắc bệnh nghiện cao gấp 277,6 lần so với những người sử dụng các loại thuốc khác. Dopamine là chất truyền dẫn thần kinh trong não, có nhiệm vụ điều chỉnh các hoạt động cảm xúc và niềm vui của con người. Ở những người mắc bệnh Parkinson, do các tế bào não làm nhiệm vụ sản xuất dopamine bị thiếu hụt theo năm tháng nên đã được bổ sung hỗ trợ chức năng truyền dẫn thần kinh của cơ thể. Những người mắc bệnh Parkinson thường được kê đơn dùng thuốc DRA như pramipexole và ropinirole, tất cả đều gây ảnh hưởng đến thụ thể DRA. Ngoài việc gây thay đổi tâm tính, nhóm thuốc nói trên còn gây hội chứng bất động chân cẳng, căn bệnh không liên quan đến Parkinson.
Nghiện sex và cờ bạc vì... thuốc trị Parkinson
Nghiên cứu trên giúp khoa học hiểu sâu hơn về những hành vi bất thường của con người liên quan đến thụ thể D3. Đây cũng là thụ thể từ lâu được y học quan tâm để tìm ra giải pháp điều trị cho nhóm người mắc bệnh nghiện. Đồng thời giúp bác sĩ điều trị cũng như bệnh nhân hiểu được mặt trái của thuốc, điều chỉnh liều dùng cho phù hợp, đặc biệt là trường hợp lạm dụng dài kỳ có thể gây ra những hành vi nghiêm trọng mang tính cưỡng bức.
Phát hiện trên làm cho người ta nhớ đến một nghiên cứu tương tự đăng trên tạp chí Physiology & Behavior, số tháng 7/2011 phát hiện thấy hành vi bất thường như ham mê cờ bạc, cưỡng dâm ở nhóm người mắc bệnh Parkinson dùng 2 loại thuốc phổ biến nói trên là có thật. Thuốc trị Parkinson chính thức được đưa vào sử dụng từ thập niên 60 thế kỷ trước. Đầu tiên là dòng thuốc lerodopa, có tác dụng giúp bệnh nhân lấy lại các chức năng vốn có, lerodopa được chuyển đổi thành dopamine trong não nhưng sau khi dùng thuốc lại xuất hiện tình trạng co giật và hiếm hơn, mắc cả chứng cuồng dâm. Thế hệ thuốc thứ hai là DRA, cả lerodopa và DRA đều sao chép các hiệu ứng giống như các chất truyền dẫn thần kinh. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng DRA vẫn được sử dụng rất cẩu thả, thậm chí còn lạm dụng nên đã gây ra những hậu quả khó lường. Gần đây người ta phát hiện thấy mối liên quan giữa nhóm thuốc này với hiện tượng ngủ li bì vào ban ngày, ảo giác, rối loạn tâm thần, rối loạn kiểm soát xung động với sự hiện diện của các triệu chứng nghiện không kiểm soát được. Thậm chí có người mất hàng trăm ngàn USD vì cờ bạc hoặc suốt ngày vào mạng tìm xem ảnh khỏa thân. Tất cả những điều này chưa được thống kê đầy đủ nhưng phần lớn đều có nguồn gốc hoặc liên quan đến thuốc trị bệnh Parkinson.
Dở khóc dở cười vì thuốc trị Parkinson
Theo tờ DailyMail của Anh, một bệnh nhân Parkinson ở Nantes, Pháp tên là Didier Jambart, 52 tuổi mới đây đã dính vào vòng lao lý, đánh mất bản thân và suýt tử nạn vì cố tình quyên sinh. Tuy có vợ, hai con nhưng bỗng dưng Didier Jambart lại mắc chứng nghiện sex, quan hệ tình dục cả với người đồng giới sau khi dùng thuốc requip, do hãng GlaxoSmithKline (GSK) Anh bào chế. Ngay sau sự cố trên, Didier Jambart đã đâm đơn kiện hãng GlaxoSmithKline vì thuốc đã đẩy gia đình ông vào cảnh bần cùng, biến ông thành con nghiện không lối thoát, thậm chí dẫn đến làm tình với người đồng giới, hành vi mà khi khỏe mạnh Jambart rất ghê tởm. Jambart sử dụng requip từ năm 2003, sau đó xuất hiện các biểu hiện như chậm chạp, thường xuyên bị rùng mình, nói lắp và đã tìm cách tự tử tới 8 lần bởi xấu hổ với những việc làm do bản thân gây ra.
Tệ hơn, thuốc requip đã biến Didier Jambart từ một người đàn ông đáng kính, Ủy viên Hội đồng khu vực Nantes, miền Tây nước Pháp, một người cha, người chồng mẫu mực thành kẻ nghiện ngập bê tha. Chỉ trong vòng hai năm sau khi dùng requip, Jambart nghiện cả hai tệ nạn xã hội là cờ bạc và cá cược đua ngựa trên internet, mất trắng 82.000 euro và mắc chứng cuồng dâm nguy hiểm. Thậm chí, ông còn lấy cắp cả tiền của gia đình, đồng nghiệp, bán cả đồ chơi của cháu lấy tiền nướng vào cá cược. Tất cả những hành vi này diễn ra suốt hai năm liền nhưng vợ con ông không hề hay biết và chỉ dừng lại sau khi Jambart quyết định bỏ thuốc năm 2005. Sau đó Jambart đã cùng vợ phát đơn kiện hãng GSK. Sau nhiều năm theo kiện, cuối cùng Tòa Phúc thẩm thành phố Rennes ra phán quyết, GlaxoSmithKline phải bồi thường cho Jambart số tiền 197.000 euro (khoảng 313.658 USD) thay cho phán quyết trước đó chỉ có 117.000 euro. Đây là phán quyết hợp với dư luận và làm cho gia đình ông Didier hài lòng.
Nhân sự kiện trên, hãng GlaxoSmithKline đã khuyến cáo mọi người khi điều trị bằng nhóm chất chủ vận dopamine, hay chăm sóc người bệnh, nếu phát hiện thấy những hành vi bất thường như nghiện cờ bạc, hoặc gia tăng ham muốn tình dục mãnh liệt thì nên báo ngay cho bác sĩ biết. Cũng từ năm 2006, do dư luận phản đối về requip và nhóm thuốc trị Parkinson khác nên các hãng bào chế thuốc đã chính thức ghi cảnh báo lên nhãn bao bì của sản phẩm.
(Theo LS/DailyMail, 10/2014)
Khắc Nam