1. Thế nào là nghiện rượu?
Nghiện rượu là một bệnh mạn tính, do nhu cầu uống rượu không được thoả mãn một cách thường xuyên, gây thèm rượu bắt buộc làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, đến sức khoẻ tâm thần và thể chất, làm tổn thương đến các mối quan hệ gia đình và đời sống xã hội.
Ngày nay, hầu hết các tác giả đều sử dụng tiêu chuẩn sau để xác định nghiện rượu:
- Uống rượu hàng ngày trong thời gian từ 10 năm trở lên.
- Mỗi ngày uống tối thiểu 300ml rượu 40 độ cồn.
2. Các giai đoạn bệnh lý của nghiện rượu
Nghiện rượu gồm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1
Ở giai đoạn này giống suy nhược thần kinh, một trong những dấu hiệu sớm nhất của giai đoạn này là say rượu bệnh lý, sự ám ảnh thường xuyên về rượu và sau đó là mất sự kiểm soát về số lượng rượu uống.
- Triệu chứng đầu tiên của nghiện rượu là mất phản xạ, nôn khi uống quá mức, tăng khả năng dung nạp rượu đến mức tối đa cho phép, thay đổi tính nết rõ rệt, có biểu hiện rối loạn trí nhớ và chú ý. Người bệnh trở lên xấu tính, hay quấy nhiễu, dễ nổi khùng và đa nghi. Các triệu chứng này xuất hiện trên nền của trạng thái suy nhược thần kinh như: uể oải, đuối sức, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ,… làm giảm khả năng lao động và hiệu suất công tác.
- Bệnh nhân luôn luôn thèm rượu và tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Nhu cầu hàng ngày để thoả mãn trạng thái thèm rượu thường là 400-500ml rượu mạnh (35 – 40 độ cồn) và có thể còn hơn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các rối loạn cơ thể như: cao huyết áp, viêm gan, viêm tụy, viêm dạ dày, viêm thực quản, viêm đại tràng và giai đoạn này thường kéo dài 1-6 năm, tùy thuộc vào cường độ uống rượu của người bệnh.
Giai đoạn 2
Giai đoạn có hội chứng cai rượu. Tình trạng sảng rượu ngày càng gia tăng, bệnh nhân không còn đủ nghị lực để đấu tranh với cơn thèm rượu. Các triệu chứng ở giai đoạn một tiến triển trầm trọng thêm.
- Biểu hiện nổi bật của giai đoạn này là hội chứng cai xảy ra khi bệnh nhân ngừng uống rượu vài giờ hoặc vài ngày thì xuất hiện ngay các triệu chứng rối loạn tâm thần và thần kinh thực vật đa dạng (nếu bệnh nhân được uống một lượng rượu nhỏ thì các triệu chứng này giảm hoặc mất đi nhanh chóng).
- Rối loạn tâm thần trên nền khí sắc giảm xuất hiện các trạng thái buồn rầu, dễ bực tức, giận dữ, độc ác, đa nghi. Bệnh nhân cảm thấy sợ hãi vô duyên cớ và có các ý tưởng tự buộc tội mình, có thể có ảo thị và ảo thanh thật, giấc ngủ của bệnh nhân không sâu hoặc mất ngủ và có nhiều ác mộng. Bệnh nhân có biến đổi nhân cách trầm trọng, lối sống bê tha và thường có hành vi hung bạo.
- Rối loạn thần kinh thực vật: Biểu hiện bằng nhịp tim nhanh trên 100 lần/phút, tăng huyết áp, run đầu chi, khô miệng, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tăng tiết mồ hôi và có thể xuất hiện các cơn co giật kiểu động kinh.
- Mỗi ngày bệnh nhân có thể uống với số lượng từ 1500 -2000ml rượu mạnh (35 - 40 độ cồn) hoặc hơn, suốt ngày bệnh nhân trong trạng thái say và giai đoạn này kéo dài từ 3 - 5 năm.
Giai đoạn 3
Giai đoạn bệnh não thực tổn do rượu. Các triệu chứng ở giai đoạn 2 biến đổi từ từ nặng dần lên và xuất hiện thêm các triệu chứng mới như: Thèm rượu có khuynh hướng giảm, bệnh nhân bớt lè nhè và ít quấy nhiễu hơn trước. Khả năng dung nạp rượu rất kém, trạng thái say xảy ra với lượng rượu nhỏ hơn giai đoạn 1 và 2. Trong giai đoạn này bệnh nhân chỉ uống mỗi lần khoảng 150-200ml rượu mạnh (35-40 độ cồn) là say và thời gian say kéo dài, hội chứng cai cũng dài hơn trước, những rối loạn thần kinh vận mạch và rối loạn cơ thể cũng nặng nề hơn giai đoạn 1 và 2.
- Giai đoạn bệnh não thực tổn do rượu có đặc điểm uống một lượng rượu nhỏ nhưng uống nhiều lần trong ngày. Khi bệnh nhân tiếp tục uống rượu thì khả năng dung nạp rượu càng giảm do các rối loạn chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể ngày càng trầm trọng và nhân cách của bệnh nhân suy đồi, bất chấp sự lên án của gia đình và xã hội, mọi suy nghĩ chỉ tập trung vào rượu.
- Các rối loạn tâm thần cũng ngày càng sâu sắc như: Hoang tưởng, ghen tuông, chống đối xã hội, hành vi thô bạo và hay nổi khùng. Đôi khi bệnh nhân có rối loạn trầm cảm, trí nhớ và chú ý giảm sút đáng kể, mất dần khả năng học tập và lao động vốn có.
3. Cần làm gì để giúp người nghiện rượu cai nghiện?
Việc cai rượu sẽ gặp phải khó khăn, nhất là với người nghiện nặng. Ngoài cai nghiện rượu bằng phương pháp bắt buộc, nhập viện điều trị thì việc cai nghiện rượu cần có tự nguyện của người bệnh. Khi đó, họ sẽ giảm dần lượng rượu uống đến khi uống ít xuống tối thiểu. Nhưng, việc cai tự nguyện phải mất vài tháng, những người xung quanh phải giúp đỡ, nhắc nhở và động viên người nghiện rượu cho họ có thêm động lực.
Người nghiện rượu có thể bỏ được, phải có sự giúp đỡ của người thân, gia đình bằng các biện pháp theo dõi, quản lý chai rượu để người nghiện rượu không đụng đến hoặc uống giảm dần. Những người uống dưới 300ml/ngày có thể tự bỏ rượu được, nhưng từ 300ml/ngày trở lên phải có sự hỗ của bác sĩ, y tế. Nếu bỏ đột ngột có thể lên cơn sảng rượu không những nguy hiểm cho mình mà còn cho những người xung quanh, bởi nó gây ra ảo giác tâm thần dẫn đến những hành động kích thích quá mức.
Tóm lại: Nghiện rượu có nhiều hệ luỵ, để đẩy lùi những tiêu cực do sử dụng rượu gây nên còn là một vấn đề nan giải. Biện pháp tốt nhất là mỗi người nên tự tìm hiểu và ý thức được những tác hại của lạm dụng rượu. Để từ đó, có thể tránh được những hậu quả khôn lường do uống rượu và lệ thuộc rượu gây ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mỗi năm trên thế giới có khoảng 3 triệu người tử vong liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn, chủ yếu là do tai nạn giao thông và bạo lực.
Theo thống kê, trong số các trường hợp tử vong liên quan đến lạm dụng đồ uống có cồn có 28% là do bị thương trong các vụ tai nạn giao thông, tự gây thương tích hay bạo lực giữa các cá nhân với nhau.
Khoảng 21% trường hợp tử vong do rối loạn tiêu hóa và 19% do các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, ung thư và rối loạn tâm thần.
Mời xem video được quan tâm:
Học sinh Hà Nội khi nào đi học trở lại?