Nghiện rượu và các bệnh lý liên quan cần biết

31-12-2022 14:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Nhiều người uống rượu thường xuyên, uống nhiều vào dịp lễ Tết nhưng không thừa nhận là nghiện rượu. Vậy khi nào được coi là nghiện rượu và nghiện rượu thường gây ra những bệnh lý phối hợp nào?

Dùng thuốc trong các bệnh do nghiện rượuDùng thuốc trong các bệnh do nghiện rượu

SKĐS - Người nghiện rượu thường chú ý đến thuốc giải rượu, thuốc cai... nhưng ít chú ý đến các thuốc chữa các bệnh tâm- thần kinh do nghiện rượu gây nên.

Ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy, vào dịp lễ Tết nhiều trường hợp uống rượu khi vào cấp cứu nếu nồng độ rượu trong máu trên 500mg/100ml thì sẽ gây tử vong cho hầu hết người bệnh.

Nghiện rượu và biểu hiện của ngộ độc rượu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn, đòi hỏi thường xuyên đồ uống có cồn, hình thành thói quen, gây rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe. Như vậy, nếu uống rượu với số lượng lớn trong một thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu.

Để xác định nghiện rượu, ngày nay hầu hết các tác giả đều sử dụng tiêu chuẩn như: Uống rượu hàng ngày trong thời gian từ 10 năm trở lên hoặc mỗi ngày uống tối thiểu 300ml rượu 40 độ cồn.

Vậy say rượu có phải là ngộ độc rượu không? Đây là câu hỏi của nhiều người và gây tranh cãi của các nam giới trên bàn nhậu. Tiêu chuẩn của ngộ độc rượu là một người vừa uống một lượng rượu lớn, gây rối loạn hành vi và khi đó xác định cần định lượng nồng độ rượu trong máu để xem mức độ ngộ độc rượu.

Cách xác định ngộ độc rượu là khi nồng độ rượu từ 80 - 100mg rượu trong 100ml máu được coi là ngộ độc rượu và không đủ năng lực để lái xe. Trên thực tế nồng độ cồn trong máu rất thấp, chỉ 10 - 20mg rượu trong100ml máu đã gây thay đổi hành vi rõ ràng, vận động chậm chạp, giảm khả năng suy nghĩ.

Nếu nồng độ cồn trong máu từ 100mg đến 200mg trong 100ml máu gây rối loạn phối hợp động tác, giảm khả năng quyết định. Ở một số người nặng hơn có thể gây thất điều, cảm xúc không ổn định và rối loạn định hướng trầm trọng.

Trong một số trường hợp ghi nhận, ở một số người không bị rối loạn vận động và tâm thần rõ ràng khi có nồng độ cồn trong máu là 150mg trong 100ml máu, vì họ là người có khả năng dung nạp với rượu rất cao. Nhưng ở những người khác, khi có nồng độ cồn trong máu ở mức độ này thì họ sẽ buồn nôn và nôn.

Nếu nồng độ cồn máu là 200 - 300mg/100ml máu, người uống rượu sẽ nói líu lưỡi, quên ngược chiều. Và nếu nồng độ rượu cao hơn sẽ khiến bệnh nhân bị mất trí nhớ và nồng độ cồn máu đạt đến 400mg/100ml người uống rượu sẽ bị ức chế hô hấp, hôn mê và có thể gây tử vong.

Nghiện rượu và các bệnh lý liên quan cần biết - Ảnh 2.

Nhiều người uống rượu thường xuyên nhưng không thừa nhận là nghiện rượu.

Nghiện rượu và các bệnh lý liên quan

Nghiện rượu và những hệ lụy thì ai cũng biết, nhưng để hiểu cụ thể nếu nghiện rượu sẽ gặp những bệnh lý liên quan nào thì hầu hết nhiều người thường nghĩ đến bệnh về gan. Tuy nhiên, điều này chưa đủ, các ghi nhận cho thấy bệnh loét dạ dày, hành tá tràng gặp ở 15% số người nghiện rượu. Không chỉ xơ gan mà viêm tụy cũng có tỷ lệ tương tự ở các người nghiện rượu.

Người nghiện rượu còn đối mặt với các bệnh lý khác, trong đó có tỷ lệ cao bị ung thư thực quản, dạ dày hoặc bộ phận khác của ống tiêu hóa. Bệnh lý phổ biến liên quan đến nghiện rượu là tăng huyết áp và đái tháo đường.

Bệnh lý tim mạch cũng tương tự, người ta thấy tình trạng thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim ít gặp hơn, nhưng cũng xảy ra ở bệnh nhân nghiện rượu. Người uống rượu nhiều còn sẽ làm tăng Triglycerit và Cholesterol nhẹ trong máu, do vậy tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.

Nghiện rượu còn gây tổn thương thần kinh ngoại vi, làm giảm cảm giác, yếu cơ hoặc liệt cơ. Thậm chí còn làm tổn thương thần kinh trung ương với biểu hiện teo não, giảm khả năng nhận thức, rối loạn trí nhớ.

Đối với tâm thần thì nghiện rượu, uống nhiều rượu gây tăng tỷ lệ tự sát ở bệnh nhân hoặc nhẹ hơn là trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Nhưng hệ lụy của các rối loạn này dẫn bệnh nhân đến các hành vi tự sát.

Lời khuyên của thầy thuốc

Uống nhiều rượu không tốt cho cơ thể. Vì vậy, theo khuyến cáo người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương với:

+ Nữ: 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%.

+ Nam: 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%.

+ Có nhiều loại cốc, chén với kích cỡ rất khác nhau.

Cần lưu ý rằng trong hầu hết các trường hợp, rượu, bia chỉ có hại cho sức khỏe, không có loại rượu bia nào an toàn. Bia cũng là rượu "loãng" (hàm lượng rượu Ethanol thấp hơn nhưng lại uống nhiều hơn nên tổng lượng Ethanol bạn uống cũng đáng kể).

Vì vậy, cần chọn mua loại rượu, bia có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cả về người bán và người sản xuất, để tránh trường hợp bạn uống phải rượu giả, rượu có chứa cồn công nghiệp.

Nghiện rượu dẫn đến các triệu chứng lâm sàng hoặc có ít nhất 2 triệu chứng trong số các triệu chứng sau, biểu hiện trong thời gian ít nhất 12 tháng:

  • Thường xuyên uống rượu số lượng lớn trong thời gian dài.
  • Thèm rượu bền vững và không bỏ được rượu.
  • Tiêu tốn rất nhiều thời gian cho việc uống rượu.
  • Thèm rượu mãnh liệt.
  • Bệnh nhân không hoàn thành được các công việc ở cơ quan, ở nhà.
  • Tiếp tục uống rượu mặc dù việc uống rượu đã gây ra các bệnh cho cơ thể, gây hậu quả xấu trong quan hệ xã hội, quan hệ với mọi người.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Nguyễn Văn Dũng
Ý kiến của bạn