Nguyên nhân gây nghiến răng
Nghiến răng có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn, ngày càng có xu hướng gia tăng trong cộng đồng và trẻ hóa. Nguyên nhân của nghiến răng chưa thực sự rõ ràng, thường được cho là liên quan tới các yếu tố sau:
Yếu tố thần kinh: Nghiến răng có thể liên quan đến các yếu tố tâm lý và thần kinh như căng thẳng, lo lắng hoặc ở những người có tính cách hiếu thắng, hoạt động quá mức.
Rối loạn giấc ngủ: Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người có rối loạn giấc ngủ như ngủ ngáy, ngủ chập chờn, mê sảng, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bóng đè hoặc ảo giác khi ngủ có liên quan mật thiết đối với tật nghiến răng.
Thuốc: Nghiến răng cũng có thể là tác dụng phụ của việc dùng một số thuốc an thần như phenothiazin, thuốc chống trầm cảm...
Bệnh lý: Có thể là hậu quả của các bệnh lý như trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh Parkinson... Thậm chí hàm răng lệch lạc, khớp cắn không phù hợp cũng có thể là nguyên nhân gây ra nghiến răng.
Nghiến răng hay gặp ở trẻ em
Tần suất của việc nghiến răng có xu hướng giảm dần theo tuổi, trẻ em nghiến răng nhiều hơn người lớn và thấp nhất sau độ tuổi 65, có thể liên quan tới sự chưa hoàn thiện của hệ thống thần kinh cơ và các rối loạn về giấc ngủ cũng như tâm lý chưa ổn định, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh ở trẻ em.
Nghiến răng ở trẻ thường xuất hiện sau khi mọc những răng phía trước vào khoảng 1 tuổi, trẻ có tật thở miệng hoặc các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp, amidan, hen suyễn, đặc biệt trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, những trẻ trong độ tuổi tới trường với áp lực học tập có tỷ lệ nghiến răng cao hơn.

Nghiến răng gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của con người.
Tác hại của nghiến răng
Nghiến răng tuy không quá nguy hiểm và cần điều trị ngay lập tức như một số bệnh răng miệng cấp tính khác, nhưng về lâu dài bệnh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây ra một số biến chứng như nứt vỡ răng, mòn răng gây ê buốt, gãy vỡ các phục hình răng (mối hàn, chụp răng), gây mất xương xung quanh implant, rối loạn chức năng khớp thái dương hàm (không há miệng được, há miệng lệch, đau khớp thái dương hàm khi ăn nhai), đau cơ vùng hàm mặt (mỏi hàm, đau đầu)…
Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể bị ù tai, chóng mặt cùng những biểu hiện về tâm lý như lo lắng, căng thẳng, mất ngủ. Tiếng nghiến răng khi ngủ có thể gây ra nhiều khó chịu cho mọi người xung quanh.
Do vậy việc xem xét, chẩn đoán nghiến răng là cần thiết trước khi thực hiện bất kỳ can thiệp nha khoa nào. Chẩn đoán nghiến răng thông qua bảng câu hỏi, thăm khám trực tiếp, đeo hàm Bruxchecker và ghi điện cơ dưới sự thực hiện của bác sĩ răng hàm mặt.
Điều trị nghiến răng như thế nào?
Điều trị nghiến răng với mục tiêu là giảm đau, giảm ảnh hưởng đến răng, phục hình, khớp thái dương hàm và hạn chế nghiến răng tiếp diễn. Điều trị cần có sự phối hợp của nhiều bác sĩ chuyên khoa trong ngành răng hàm mặt và các ngành có liên quan.
Điều trị kiểm soát yếu tố tâm lý, bệnh lý thần kinh
Nghiến răng do yếu tố tâm lý và bệnh lý thần kinh cần áp dụng các phương pháp giúp giảm căng thẳng như thay đổi môi trường (nghe nhạc thư giãn, tắm nước ấm trước khi đi ngủ), thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, thiền thư giãn, điều trị các rối loạn về giấc ngủ, massage cơ mặt, tránh sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc trong điều trị nghiến răng nhằm mục đích giảm sự co cơ nhai quá mức do nghiến răng (thuốc giãn cơ, giảm đau), kiểm soát stress hoặc các vấn đề tâm lý (thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm lo lắng).
Can thiệp nha khoa
Can thiệp điều trị nha khoa giúp bảo vệ răng tránh được tác hại của việc nghiến răng và điều trị các hậu quả do nghiến răng gây ra.
Các can thiệp nha khoa phổ biến trong điều trị nghiến răng là:
- Sử dụng máng chống nghiến giúp bảo vệ mặt răng khỏi sự mài mòn, thư giãn cơ nhai.
- Mài chỉnh khớp cắn để làm giảm các tác động quá mức đến cơ nhai cũng như răng.
- Phục hồi lại hình thể răng, tái lập khớp cắn nếu răng mòn răng nhiều, răng ê buốt, nhạy cảm.
Tóm lại: Nghiến răng tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng dai dẳng và có thể gây ra những tác hại nặng nề đối với răng miệng và tâm lý người bệnh. Điều trị nghiến răng đòi hỏi sự kiên trì và sự phối hợp của bệnh nhân với các bác sĩ chuyên khoa. Việc tự phát hiện các triệu chứng và được chẩn đoán đúng, điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa là một việc cần thiết để tránh các hậu quả đáng tiếc do nghiến răng gây ra.