Cùng với sự phổ cập của internet, việc một người phải liên đới đến nó trung bình tám tiếng mỗi ngày trở thành đương nhiên. Theo đó, căn cứ để xác định bệnh là: những người sử dụng máy tính để vào mạng nhiều đến mức cản trở cuộc sống bình thường, cô lập mình với cộng đồng, sự tập trung dành cho internet mạnh hơn tất cả các sự kiện khác trong cuộc sống và ngày càng tăng thời gian dùng internet, lâu dài xuất hiện triệu chứng giống như trầm cảm hoặc nghiện ma túy.
Về mặt cơ học, một người sống trong thế giới ảo của internet liên tục 4h trở lên mỗi ngày (ngoài công việc) và kéo dài hơn một tháng được đánh giá là nghiện. Theo thời gian và mức độ phụ thuộc vào internet, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị tâm lý hoặc dùng thuốc.
Cụm từ “sự vận hành não giống như dùng ma túy” được giải thích như sau: Khi chơi game, chơi facebook… người ta nhận thấy não người chơi có sự tăng giải phóng dopamine, tăng sản xuất các morphin nội sinh. Các chất này tạo lên sự khoan khoái cho người chơi, dần dần họ trở thành nghiện. Ngoài ra, các triệu chứng của nghiện internet cũng tương tự những triệu chứng của nghiện ma túy: thèm chơi game, mạng xã hội; dùng internet liên tục không nghỉ và không kiểm soát được; bỏ bê công việc, cảm xúc không ổn định, nếu bị buộc cai thì sinh phản ứng tiêu cực, vật vã…
Nếu không được kiểm soát, những thông tin không lành mạnh sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm sinh lý, đạo đức, hành vi của trẻ.
Nghiện" là xu hướng tăng liều lượng, thời gian sử dụng, đến khi không thể bỏ được. Nếu dùng biện pháp ngăn điện thoại, internet thì khiến người "nghiện" có cảm giác khó chịu như không thể chịu đựng được. Khi bị ngăn cấm, người "nghiện" sẵn sàng bỏ học, trốn học, bỏ việc, chểnh mảng vị trí làm việc hay dối trá... để được sử dụng điện thoại di động hay vào máy tính có kết nối internet.
Người thân trong gia đình có thể nhận biết khi thấy con em mình sử dụng điện thoại di động liên tục, gần như 24/24. Thậm chí, khi bị ngăn cấm họ tìm mọi cách để được sử dụng như: ra quán nét; sang nhà hàng xóm, tìm đến bạn bè để mượn ĐTDĐ để sử dụng kết nối internet... Khi sử dụng quá nhiều mạng internet, mạng xã hội, game sẽ khiến họ kém ăn, gầy sút, không ngủ được. Thể lực giảm sút, thường thu rút bản thân, không muốn giao tiếp với ai, chỉ muốn sống trong phòng với thiết bị có kết nối ineternet. Tâm trạng rất hay căng thẳng, hằn học, bức xúc. Ngoài ra, bệnh nhân kèm theo tâm trạng lo âu, buồn chán, bi quan, thậm chí nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực có thể tự tử.
Các biểu hiện này khi chuyển sang trạng thái "nghiện" thì sẽ gây trầm cảm ở 3 mức: trung bình, nặng không loạn thần và nặng có loạn thần. Ở mức độ nặng nhất là trầm cảm có loạn thần, bệnh nhân thường bị hoang tưởng dẫn đến những hành vi bất thường, gây rối cho người khác; thậm chí có những hành động gây nguy hiểm cho chính bản thân và tự tử. Họ thường có ảo giác khi nghe những âm thanh và suy tưởng thành những chuyện tương tự từng chứng kiến trên mạng internet, game….
Nhiều người cho rằng chơi game hoặc vào mạng xã hội không tác hại bằng nghiện ma túy, nhưng chính game online và mạng xã hội là nguyên nhân gây đổ vỡ trong cuộc sống. Trẻ em chơi game nhiều giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các các việc khác như học tập, thể dục thể thao, chơi với bạn bè. Mặt khác, các triệu chứng của trầm cảm do nghiện game và mạng xã hội khiến sức khỏa về thể chất và tâm thần của người nghiện game bị suy giảm nghiêm trọng. Nặng nề nhất là ý định và hành vi tự sát vì chúng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này. Nhiều game thủ đã chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ.
Tiêu tốn về tiền bạc do chơi game và vào mạng xã hội khiến người nghiện phải tìm mọi cách để có tiền. Khi không có đủ tiền để thỏa mãn ham muốn chơi game của mình, họ có thể làm các việc phạm pháp như trộm cắp, cướp của, bán dâm, giết người để có tiền chơi game tiếp.
Cần chủ động phòng chống nghiện internet
Đối với chứng nghiện internet, nên phòng hơn chữa. Bởi một khi đã xác định nghiện, quá trình điều trị sẽ rất dai dẳng, mệt mỏi bởi cai nghiện internet cũng giống như cai nghiện ma túy. Chưa kể, bởi vì máy tính đã trở thành phổ biến nên việc cai nghiện có phần khó khăn hơn. Trong đó khó khăn nhất là giai đoạn đầu khi bệnh nhân buộc phải ngừng hoàn toàn việc vào mạng.
Không thể cai nghiện internet bằng cách giới hạn thời gian sử dụng, điều này giống như nghe người nghiện rượu hứa rằng họ sẽ bỏ rượu mà chuyển sang uống… bia. Thời gian cai nghiện internet phụ thuộc vào đáp ứng điều trị từng người bệnh nhưng trung bình không dưới 24 tháng.
Khi phát hiện người có dấu hiệu như nêu trên thì người nhà cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để các bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời. Đồng thời, khuyến khích người sử dụng internet, mạng xã hội cần tăng cường tập thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe, làm tất cả các công việc bình thường trong gia đình để không còn lệ thuộc vào điện thoại di động, máy tính truy cập internet, mạng xã hội, game…
Để tránh tình trạng trẻ em nghiện internet, các bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức, kỹ năng tiếp xúc, nuôi dạy con cái theo phương pháp đúng đắn; đồng thời tạo điều kiện để trẻ tham gia các hoạt động thể chất lành mạnh, giúp trẻ có được trải nghiệm tuổi thơ bổ ích...
Một nghiên cứu của Trung Quốc cho thấy có tới 0,7-1,2 quần thể dân cư sử dụng internet quá nhiều dẫn tới bị biến đổi về cảm xúc. Ở Nhật có tới 0,5-0,8%, ở Úc là 0,7% người có những biến đổi về tâm lý, cảm xúc sau khi sử dụng internet quá nhiều.