Thực trạng giới trẻ đam mê chơi trò chơi trực tuyến game online, đặc biệt những dòng game bạo lực là nguyên nhân của không ít những vụ án cướp của giết người, giải quyết mâu thuẫn bằng dao, súng... Báo Sức khỏe&Đời sống đã có nhiều bài viết phản ánh, cảnh báo tính bạo lực trong dòng game nhập vai này. Mới đây, vụ một game thủ đã lên kế hoạch sát hại 10 người với lý do “đó là điều kiện để tham gia nhập nhóm“ trong một game nhập vai thực sự đã gióng lên hồi chuông cần phải có sự quản lý chặt dòng game bạo lực này.
Nhận lệnh “ảo”, giết người thật
Cơ quan công an vừa thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với đối tượng Phạm Văn Trọng (SN 1993, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) với hành vi giết người. Qua khai thác nhanh cho thấy, đối tượng Trọng đã lên kế hoạch giết người hàng loạt một cách bài bản. Điều nghiêm trọng theo lời khai của hung thủ, hắn thực hiện nhiệm vụ theo một mệnh lệnh “ảo” của chủ nhóm game: phải giết được 10 người nếu muốn tham gia nhóm. Ngay lập tức, Trọng về nhà trọ và lên kế hoạch tỉ mỉ cho việc mỗi ngày giết 1 người (5 nam, 5 nữ). Y cũng ra chợ mua hung khí gây án gồm 2 con dao, khẩu trang, găng tay và một chiếc ba lô màu đen. Tối cùng ngày, Trọng gấp một bộ quần áo và nhét 2 con dao vào ba lô rồi đi ra đường 3/2. Đến cầu Rạch Ngỗng là đoạn nối giữa quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, Trọng thấy một người xe ôm tên Nguyễn Thanh Tâm (SN 1974, ngụ ấp Thạnh Lợi A1, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nên quyết định ra tay với anh này. Trọng thuê anh Tâm chở về huyện Phong Điền, thỏa thuận giá là 50.000 đồng. Đến địa điểm cầu Kinh Tắc (thuộc xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) thì Trọng đề nghị được xuống xe vì sắp đến nhà. Vờ lục ba lô để lấy 50.000 đồng trả tiền xe ôm như đã thỏa thuận, bất ngờ Trọng cầm rút dao đâm liên tiếp vào anh xe ôm. Dù bị bất ngờ, người lái xe ôm nhanh chóng tóm được tay kẻ sát nhân, hai bên vật lộn cùng ngã xuống vệ đường. Tranh thủ lúc ấy, anh xe ôm vùng dậy trước, vừa tháo chạy vừa hô cứu. Quyết giết người đến cùng, Trọng cố gắng đuổi theo. Được một đoạn, do xuất hiện người trên đường nên Trọng thôi đuổi nạn nhân. Trọng bị bắt khi hắn đang chạy bộ theo hướng xuống TP. Vị Thanh cách hiện trường chỉ khoảng 1km.
Đối tượng Trọng tại cơ quan điều tra. |
Đại tá Nguyễn Văn Mun - Trưởng công an huyện Phong Điền, cho biết: tại cơ quan điều tra, sau khi bị bắt vì hành vi giết người, đối tượng vẫn u mê, khai rằng kế hoạch giết người đã được suy nghĩ kỹ càng, vạch sẵn từ trước đó nên “cảm thấy tiếc vì việc giết người không thành công”. Trọng thừa nhận, việc giết người của mình là xuất phát từ việc nguyện vọng muốn được tham gia vào một nhóm game online. Rất may hành động điên rồ này được kịp thời ngăn chặn.
Phải chặn từ gốc
Phóng viên báo SK&ĐS đã trao đổi tính bạo lực đối với những đối tượng nghiện game nhập vai bạo lực, BSCKII Lê Thị Tố Uyên - Trưởng khoa K5, BV Tâm thần T.Ư cho biết: Với việc lạm dụng quá mức internet cũng như game sex, game bạo lực sẽ dẫn đến một sự rối loạn cơ bản là sự chuyển hóa cơ thể do tác nhân ánh sáng gây nên. Khi tốc độ ánh sáng quá lớn thì sẽ tác động đến hoàng điểm. Hoàng điểm sẽ kích thích các võng mạch bắt buộc phải hoạt động vượt công suất. Khi việc lạm dụng internet cứ kéo dài và cơ thể đã quen với việc kích thích ánh sáng đó sẽ gây một trạng thái lệ thuộc vào sự kích thích ánh sáng liên tục. Lúc này, các ham muốn sẽ kích thích người bệnh muốn tiếp tục chơi và bản thân những người đang rơi vào hội chứng đó không hề biết trong cơ thể sẽ sinh ra một số rối loạn, không chỉ về trao đổi chất mà cả tâm thần. Cũng theo BS. Uyên: khoa K5 từng nhận và điều trị cho không ít trường hợp người bệnh nghiện game bị ảo thanh, ảo giác. Đây là chứng bệnh khó điều trị nhất trong chuyên khoa tâm thần. Theo BS. Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân tâm thần nam và điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia: Có bốn cấp độ rối loạn chủ yếu: Cấp độ rối loạn thứ nhất dừng ở mức người dùng internet, chơi game đơn giản, chỉ chơi... cho vui. Đây là mức nhẹ nhất và không ảnh hưởng nhiều. Thứ hai là người chơi ham mê theo từng đợt. Ví dụ chơi liên tục vài tuần, xong bỏ hàng tuần thì cũng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống. Thứ ba nữa là lạm dụng dẫn đến chơi liên miên nhưng vẫn có thể dứt ra được. Cuối cùng là chơi liên tục không ngừng nghỉ. Mức này là mức rất nguy hiểm.
Đối với những trường hợp nặng là hiện tượng “nghiện” sẽ gây biến đổi về nhân cách. Đối với những trường hợp nghiện bạo lực thì bệnh nhân sẽ tấn công người khác.
Như vậy, có thể thấy tác động tiêu cực từ việc nghiện game nhập vai. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, cơ quan chức năng cần có những cớ chế siết chặt dòng game này.
Hỏa Long - Đào Tấn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NÐ) 72/2013/NÐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 1/9/2013. Tại Ðiểm b, Mục 3 Ðiều 32 quy định doanh nghiệp chỉ được cấp phép kinh doanh khi nội dung game “không có hình ảnh, âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn; kích động bạo lực, thú tính; dung tục, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc vô luân, trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc; xuyên tạc, phá hoại truyền thống lịch sử”. Căn cứ theo quy định này, các game có nội dung kích động bao lực (trong đó có game bắn súng) sẽ không được cấp phép mới và cả những game đã được cấp phép có thời hạn trước đó cũng có thể không được cấp phép lại. |