Hà Nội

Nghiện game - “chữa trị” thế nào?

11-03-2009 16:45 | Thời sự
google news

Ở nhiều thành phố, thị xã ngày càng xuất hiện nhiều quán điện tử, số lượng trẻ em ngồi chơi trong quán rất đông. Thậm chí có những quán hoạt động suốt đêm, phục vụ các “game thủ” cả việc ăn uống, sinh hoạt.

Ở nhiều thành phố, thị xã ngày càng xuất hiện nhiều quán điện tử, số lượng trẻ em ngồi chơi trong quán rất đông. Thậm chí có những quán hoạt động suốt đêm, phục vụ các “game thủ” cả việc ăn uống, sinh hoạt.

Việc chơi game gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi đi học. Trẻ dành nhiều thời gian vào việc chơi, không chú ý đến học tập, dùng tiền để chi tiêu vào việc chơi game thay vì mua sách vở, đóng tiền học, thậm chí lấy cắp tiền của bố mẹ để đi chơi game. Có những trẻ ăn mặc để tóc giống các nhân vật trong trò chơi. Nhiều ông bố bà mẹ đã phải suốt đêm đi tìm con tại các quán điện tử, thấy con mình đang ngủ gục bên máy điện tử. Có trẻ còn bỏ học vì chơi game, tự tử vì chơi game. Những trò chơi điện tử đã tạo ra một sức hút ghê gớm làm cho người chơi trở nên nghiện nó, không thể từ bỏ được. Làm thế nào để trẻ không nghiện trò chơi điện tử, đây là một câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm.

Game kích thích phản ứng của não bộ giống như một chất gây nghiện. 
Nghiện trò chơi điện tử

Có những trò chơi điện tử gây nghiện bao gồm những trò liên quan đến đánh nhau, kích thích người chơi phải giành được chiến thắng. Những trò khác có sự cạnh tranh, tạo ra sự ganh đua giữa người chơi với người khác. Một số trò liên quan đến sự thông thái tạo cho người chơi cảm giác có nhiều quyền lực giống như vua trong một vương quốc ảo. Những trò chơi khám phá, người chơi mong muốn khám phá ra những nơi mới và những điều bí mật, những trò chơi cần đạt được điểm cao và đặc biệt là những trò mà người chơi phải tham gia vào những nhân vật cần phải chơi đến khi kết thúc để xem kết cục của câu chuyện như thế nào?

Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trò chơi điện tử có vai trò như là một loại thuốc kỹ thuật số, nó kích thích phản ứng về mặt sinh lý của não bộ giống như một chất gây nghiện.

Khi trẻ nghiện trò chơi điện tử thường có các biểu hiện như:

- Hầu hết thời gian không ở trường là chúng dành cho việc chơi điện tử.

- Chúng thường ngủ gật ở lớp.

- Không hoàn thành các công việc ở trường.

- Kết quả học tập ngày càng kém đi.

- Chọn lựa việc chơi trò chơi điện tử hơn là việc đi chơi với bạn bè.

- Không tham gia vào những hoạt động xã hội với nhóm bạn bè ví dụ như hoạt động thể thao, câu lạc bộ...

- Cảm thấy kích thích hay buồn chán khi không được chơi trò chơi điện tử.

- Trẻ có thể mắc một hội chứng ống cổ tay do chơi điện tử quá nhiều.

- Trẻ bị rối loạn về giấc ngủ.

- Đau lưng, đau cổ.

- Đau đầu, khô mắt.

- Trẻ không thể duy trì chế độ ăn đều đặn, không vệ sinh cá nhân.

Phải làm gì để con bạn khỏi nghiện trò chơi điện tử?

Bạn cần phải làm điều này ngay từ khi con bạn còn rất nhỏ.

- Trước tiên không bao giờ khen thưởng trẻ bằng các dụng cụ máy móc dùng để chơi điện tử vì đây không phải là một cách lành mạnh để động viên trẻ học bài hoặc làm một công việc gì khác.

- Không cho trẻ tiếp xúc với trò chơi điện tử sớm vì càng tiếp xúc sớm, trẻ càng dễ bị nghiện, và cũng không nên cho trẻ tiếp xúc một cách dễ dàng với trò chơi điện tử.

- Không bao giờ được khuyến khích trẻ chơi ở cấp độ cao hơn của trò chơi.

- Giới hạn thời gian chơi game, trẻ không nên chơi lâu hơn một giờ.

- Bạn cần có một nội quy rõ ràng về việc chơi game hay sử dụng internet trong nhà mình. Bạn yêu cầu trẻ hoàn thành xong bài tập và các công việc khác trước khi chơi game. Đưa ra quy định rõ ràng khi nào, ở đâu, trò nào, thời gian bao lâu đối với trẻ được phép chơi điện tử.

- Trẻ cũng có thể chơi game ở bên ngoài, ví dụ ở nhà bạn bè của chúng, vì vậy bạn phải trao đổi cả với cha mẹ của con bạn để kết hợp cho tốt.

- Không nên để máy tính hoặc máy chơi game trong phòng của trẻ. Bạn phải đặt nó ở vị trí nào mà dễ quan sát và kiểm soát nhất.

- Bạn có thể động viên con bạn tham gia vào những hoạt động lành mạnh hơn ví dụ như là đi chơi thể thao, học nhạc, học vẽ, vui chơi cùng gia đình, tham gia vào những hoạt động lành mạnh. Bạn nên trò chuyện với trẻ để tạo nên mối quan hệ thân thiết, gần gũi hơn.

Chơi điện tử là một trò chơi tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến học tập của trẻ. Chơi lâu có thể dẫn đến nghiện và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với gia đình, xã hội. Có những trẻ đã trộm cắp, bỏ học, tự sát vì nhiều lý do liên quan đến trò chơi điện tử. Vì vậy các bậc cha mẹ cần phải dành thời gian để kiểm soát con mình, ngăn cản chúng khỏi mắc nghiện, tránh gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

BS. Trịnh Thị Bích Huyền
(Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội)

Ý kiến của bạn