Bỏ qua giai đoạn xạ trị có thể không ảnh hưởng tới khả năng sống sót tổng thể đối với phụ nữ 65 tuổi trở lên với khối u ung thư vú nhỏ dương tính với hormone, miễn là họ điều trị bằng thuốc nội tiết đủ 5 năm.
Đây là kết quả nghiên cứu đăng tải trên tập san y khoa The New England Journal of Medicine. Tuy nhiên, bỏ qua giai đoạn xạ trị cũng có thể gắn với nguy cơ ung thư tái phát trở lại cao hơn ở cùng bên vú bị ung thư.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng, xạ trị vốn có một số tác dụng phụ như mệt mỏi, đau ngực cũng như nguy cơ gặp biến chứng tim mạch và phổi, có thể không cần thiết ở nhóm phụ nữ cao tuổi nhằm gia tăng thời gian sống miễn là họ được điều trị nội tiết.
Liệu pháp điều trị nội tiết, hay còn gọi là liệu pháp điều trị hormone, bao gồm việc thêm, ngăn chặn hoặc loại bỏ một số loại hormone trong liệu trình điều trị một số bệnh, nhằm làm chậm lại hoặc ngăn ngừa một số loại ung thư.
Theo các tác giả nghiên cứu TS. Alice Ho - Trường Đại học Y khoa Duke và TS. Jennifer Bellon - Trường Y khoa Harvard, ở một số bệnh nhân, có thể bỏ qua giai đoạn xạ trị hoặc lựa chọn phác đồ xạ trị rút gọn với liều lượng nhỏ hơn nhắm trúng mục tiêu. Việc bỏ qua xạ trị ở một số bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ có thể giúp tiết kiệm thời gian và tài chính.
Nghiên cứu trên bao gồm dữ liệu 1.326 phụ nữ mắc ung thư vú từ 65 tuổi trở lên. Từ ngày 16/4/2003 - 22/12/2009, có 658 người phụ nữ trong số này đã nhận liệu trình xạ trị tổng thể vú, và 668 người không được xạ trị. Cuộc thử nghiệm trên được tiến hành trên 76 trung tâm điều trị tại Anh quốc, Hy Lạp, Australia và Serbia.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, số trường hợp tái phát ung thư vú ở cùng bên ngực phổ biến hơn ở những người không được xạ trị, tỷ lệ tái phát ở vú là 9,5% đối với nhóm không xạ trị và 0,9% đối với nhóm đã được xạ trị.
Tỷ lệ tái phát ở vú trong vòng 10 năm đối với bệnh nhân đã xạ trị thấp, trong khi ở nhóm không xạ trị có tăng lên nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, sự khác biệt tuyệt đối giữa hai nhóm về tỷ lệ tái phát tại chỗ sau 10 năm là khá khiêm tốn, các tác giả nghiên cứu từ Đại học Edinburg và Bệnh viện Đa khoa Western, Scotland cho biết.
Tỷ lệ sống sót tổng thể sau 10 năm ở hai nhóm gần như hệt nhau: 80,8% ở nhóm không xạ trị và 80,7% ở nhóm xạ trị.
16 trường hợp tử vong do ung thư vú ở nhóm không xạ trị và 15 trường hợp tử vong ở nhóm xạ trị.
Nghiên cứu trước đó đã ủng hộ việc có thể bỏ qua xạ trị ở đối tượng phụ nữ cao tuổi trên 70 tuổi có khối u nhỏ hơn 2 cm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới này cho thấy bằng chứng ở lứa tuổi 65 trở lên và với khối u lên tới 3 cm - TS. Naamit Kurshan Gerber, chuyên gia về xạ trị ung thư tại Trung tâm Ung thư Langone Perlmutter, Đại học New York, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết.
Chuyên gia Gerber nói, vai trò của xạ trị là nhằm giảm nguy cơ ung thư vú tái phát tại chỗ, tuy nhiên, khả năng sống sót tổng thể của phụ nữ cao tuổi sau 10 năm ở người có xạ trị và không xạ trị là như nhau.
Ở Mỹ, 26% chẩn đoán ung thư vú ở phụ nữ độ tuổi 65-74. Tuy nhiên, theo chuyên gia Gerber, bệnh nhân ung thư vú không có ý định dùng thuốc nội tiết tố thì không nên bỏ qua xạ trị.
Một số bệnh nhân ung thư vú có thể bỏ qua xạ trị do một số nguyên nhân, bao gồm cả tác dụng phụ của xạ trị, tuy nhiên, nhiều người vẫn có thể lựa chọn xạ trị nhằm giảm nguy cơ tái phát tại chỗ.
Đối với bác sĩ và bệnh nhân, điều quan trọng là lựa chọn phác đồ điều trị dựa trên mục tiêu điều trị, đánh giá lợi ích và nguy cơ để đưa ra quyết định phù hợp với từng bệnh nhân, chuyên gia Gerber nói.
Mời độc giả xem thêm video:
Hướng dẫn tự khám tầm soát ung thư vú