Nghiên cứu mới về cây chùm ngây

SKĐS - Chùm ngây được xem là một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, do toàn bộ các phần trên cây này đều có thể được dùng làm thức ăn hoặc phục vụ cho các mục đích khác nhau.

Chùm ngây được xem là một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, do toàn bộ các phần trên cây này đều có thể được dùng làm thức ăn hoặc phục vụ cho các mục đích khác nhau. Do vậy,  chùm ngây đang được khuyến khích trồng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo.

Cây chùm ngây (Moringa oleifera Lam.) được biết đến và sử dụng từ hàng ngàn năm ở các nước có nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ý, Ấn Độ.

Cây chùm ngây là nguồn thức ăn tốt cho trẻ sơ sinh và bà mẹ vừa mới sinh con. Vì thành phần dinh dưỡng trong chùm ngây có chứa một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như: zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol. Một số nguồn nghiên cứu cho biết chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp bao gồm 7 loại vitamin, 6 loại khoáng chất, 18 loại axít amin, 46 chất chống oxy hóa, liều lượng lớn các chất chống viêm nhiễm, các chất kháng sinh, kháng độc tố, các chất giúp ngăn ngừa và điều trị ung thư, u xơ tiền liệt tuyến, giúp ổn định huyết áp, hạ cholesterol, bảo vệ gan.

Lá chùm ngây còn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa, tính theo trọng lượng, trong đó vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 2 lần, canxi gấp 14 lần sữa, sắt gấp 9 lần rau chân vịt, đạm nhiều gấp đôi sữa chua và kali gấp 4 lần trái chuối.

chum ngay

Sau đây là một số tác dụng của chùm ngây đã qua các nghiên cứu lâm sàng:

Tăng tiết sữa:

Một thử nghiệm ngẫu nhiên mù đôi, nhóm đối chứng giả dược, dùng chùm ngây để tăng lượng sữa trên phụ nữ sinh non không cho con bú. Thử nghiệm được tiến hành trong 7 ngày với 48 bà mẹ trong độ tuổi từ 18 - 44. Kết quả, sau khi cho uống chùm ngây (250mg dịch chiết lá x 2 lần/ngày) đến ngày thứ 3 có sự gia tăng đáng kể lượng sữa (265 % so với giả dược).

Cải thiện tình trạng hen suyễn:

Một nghiên cứu sơ bộ được tiến hành trên 20 bệnh nhân hen phế quản, trong độ tuổi từ 18 - 44, thuộc cả 2 giới, với liều mỗi ngày là 6 g dịch chiết hạt chùm ngây (3g x 2 lần/ngày) trong 3 tuần liên tục; cho thấy sự cải thiện đáng kể chức năng phổi và giảm hơn một nửa các triệu chứng hen suyễn. Không có nhóm dùng giả dược.

hen suyen

Hạ đường huyết:

Nghiên cứu được công bố vào năm 2011 trong tạp chí Quốc tế y tế và dinh dưỡng, trong đó nhóm nghiên cứu từ Ấn Độ đã cho 68 bệnh nhân đái tháo đường trong độ tuổi từ 30 - 64, thuộc cả 2 giới, uống viên nén làm từ dịch chiết lá chùm ngây trong 3 tháng. Kết quả cho thấy đường huyết sau ăn của nhóm thử nghiệm ban đầu là 210mg/dl giảm xuống còn 191, 174 và 150mg/dl tương ứng sau tháng đầu tiên, thứ hai và thứ ba. HbA1c trong nhóm thử nghiệm ban đầu 7,81% giảm xuống còn 7,4%.

Chùm ngây chứa hơn 90 chất dinh dưỡng tổng hợp

Trong một số nghiên cứu khác cho thấy cơ chế hạ đường huyết sau ăn của chùm ngây không liên quan đến việc tăng tiết insulin, có thể là do sự ức chế hấp thụ đường ở ruột và khả năng chống oxy hóa. Điều này có lợi cho các bệnh nhân đái tháo đường có đề kháng insulin, giúp bảo tồn tuyến tụy tốt hơn.

Làm ẩm da, giảm nếp nhăn:

Một thử nghiệm trên các tình nguyện viên khỏe mạnh không có bệnh lý về da, thoa kem chiết xuất từ lá chùm ngây 3% (thoa 2 lần mỗi ngày) trong 3 tháng mùa đông. Kết quả, làm gia tăng sự hydrat hóa giúp da không bị mất nước, căng và ít xuất hiện nếp nhăn.

Ngoài ra, còn có hàng loạt các nghiên cứu mới tuy chỉ ở mức trong ống nghiệm và trên mô hình động vật nhưng có kết quả vô cùng khả quan như:

- Chống mất trí nhớ trên mô hình chuột bị bệnh Alzheimer.

- Giảm lo âu, chống stress.

- Giảm kích thước vùng nhồi máu cơ tim trong vòng 7 ngày.

- Kháng virút viêm gan B, làm giảm tải lượng virút hơn 85% và gây độc tế bào ung thư gan Hep G2.

- Giảm bớt tỉ lệ suy thận trong bệnh đái tháo đường.

Ức chế sự phát triển và tiêu diệt các tế bào ung thư cổ tử cung, tuyến tụy, đại tràng…

Quan trọng nhất là cây chùm ngây có tính an toàn cao, rất dễ trồng, phát triển nhanh, cho sản lượng lớn, ngay cả ở những nơi khô hạn.


ThS.BS. NGUYỄN TRƯƠNG MINH THẾ
Ý kiến của bạn