Hà Nội

Nghiên cứu mới: Tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm nguy cơ bệnh COVID-19 tăng nặng

16-05-2022 11:07 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngoài các yếu tố như không tiêm chủng, lớn tuổi, thừa cân hoặc suy giảm miễn dịch, hiện các nhà khoa học cho rằng còn có một yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng nhiễm coronavirus và bệnh tăng nặng, đó là tiếp xúc với ô nhiễm không khí.

Nghiên cứu mới: Tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm nguy cơ mắc COVID-19 tăng nặng - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa việc hít thở không khí ô nhiễm và khả năng bị nhiễm virus coronavirus, phát triển bệnh nặng hoặc tử vong vì COVID-19

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa việc hít thở không khí ô nhiễm và khả năng bị nhiễm virus coronavirus,  bệnh tăng nặng hoặc tử vong vì COVID-19. Qua nhiều nghiên cứu tập trung vào việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí, các chuyên gia cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng ngay cả việc tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng có thể có những tác động tiêu cực.

Một nghiên cứu gần đây trên 425 người trẻ tuổi ở Thụy Điển cho thấy phơi nhiễm trong thời gian ngắn "có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 mặc dù mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí tương đối thấp". 

Không giống như nhiều nghiên cứu khác phân tích các nhóm dân số dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người già hoặc trẻ nhỏ, và theo dõi tác động của việc phơi nhiễm lâu dài đối với việc nhập viện và tử vong, độ tuổi trung bình của những người tham gia, phần lớn báo cáo các triệu chứng nhẹ đến trung bình, là khoảng 25 tuổi.

"Phát hiện trên của chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức về việc "thực sự những loại phơi nhiễm này có thể gây hại cho tất cả mọi người" - Erik Melén, điều tra viên chính của nghiên cứu và là giáo sư tại khoa giáo dục và khoa học lâm sàng tại Viện Karolinska ở Thụy Điển cho biết.

Zhebin Yu, tác giả chính của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu của Học viện Karolinska (Thụy Điển) lưu ý rằng, nghiên cứu dựa trên những người chưa được tiêm phòng trong giai đoạn trước của đại dịch. Vì vậy, kết quả có thể không áp dụng cho các biến thể coronavirus gần đây hơn, chẳng hạn như Omicron, và những người đã được tiêm chủng.

"Tuy nhiên, những phát hiện này giúp hiểu thêm các ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm cả nguy cơ nhiễm trùng do ô nhiễm không khí" – Phó Giáo sư Olena Gruzieva tại Viện Karolinska nhận định về nghiên cứu trên.

Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng xác định xem việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ COVID-19 như thế nào. Nhưng có một số giả thuyết.

Meredith McCormack, phát ngôn viên y tế của Tổ chức American Lung cho biết: "Tiếp xúc với các chất ô nhiễm có liên quan đến chứng viêm và sự mất cân bằng trong cơ thể được gọi là stress oxy hóa - cả hai đều có thể làm tăng phản ứng của một người với bất kỳ loại virus nào, bao gồm cả coronavirus".

Một giả thuyết khác cho rằng hít thở không khí ô nhiễm có thể khiến virus xâm nhập sâu hơn vào cơ thể hoặc tế bào. Ô nhiễm cũng có thể làm giảm phản ứng miễn dịch.

McCormack và các chuyên gia khác nói rằng điều quan trọng là mọi người phải tự bảo vệ mình trong những ngày chất lượng không khí kém  và các cá nhân cũng như chính phủ phải nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Mối quan tâm về việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí và COVID-19 đã tồn tại từ những tháng đầu của đại dịch. Một nghiên cứu từ Đại học Harvard đã phân tích dữ liệu về coronavirus từ các hạt ở Mỹ cho đến tháng 6/2020 cho thấy rằng "sự gia tăng nhỏ trong việc tiếp xúc lâu dài" với vật chất dạng hạt mịn - một trong những loại ô nhiễm không khí ngấm ngầm nhất - "dẫn đến tỷ lệ tử vong COVID-19 tăng cao".

Một nghiên cứu khác cấp quận của Mỹ trong vài tháng đầu tiên của đại dịch đã báo cáo rằng việc tiếp xúc mãn tính với NO2, một chất gây ô nhiễm không khí từ giao thông và các nhà máy điện, có liên quan đến sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong và sảy thai do COVID-19.

Nhà khoa học Liang, đồng tác giả nghiên cứu trên cho biết: "Nếu chúng ta có thể giảm tiếp xúc lâu dài với NO2 xuống 10%, thì có thể sẽ tránh được hơn 14 nghìn ca tử vong trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus vào tháng 7/2020".

"Ô nhiễm không khí giống như một đại dịch thầm lặng. Mặc dù tác động của ô nhiễm đối với môi trường đã được nhiều người biết đến, nhưng ít người biết rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong sớm trên toàn thế giới mỗi năm, liên quan đến bệnh phổi và tim, và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác" – nhà khoa học Chen nhận định.

Tuy nhiên, đại dịch coronavirus "đã thực sự nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của không khí sạch" – nhà nghiên cứu McCormack đồng tình.

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng


Hà Anh (Theo Washington Post)
Ý kiến của bạn