Nghiên cứu mới: Ngủ quá ít hay quá nhiều đều có nguy cơ đột quỵ

10-04-2023 06:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các vấn đề về giấc ngủ (từ ngáy đến ngủ quá nhiều hoặc quá ít) đều có thể liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ. Đây là kết quả của một nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Neurology.

Theo đó, khịt mũi khi ngủ, chất lượng giấc ngủ kém, ngủ quá ít hoặc ngủ quá nhiều và chứng ngừng thở khi ngủ cũng có thể liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Christine McCarthy tại Đại học Galway ở Ireland cho biết: "Kết quả của chúng tôi không chỉ cho thấy rằng các vấn đề về giấc ngủ của từng cá nhân có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ của một người, mà còn cho thấy nếu có hơn 5 triệu chứng nêu trên có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không có bất kỳ vấn đề nào về giấc ngủ".

"Do đó, các vấn đề về giấc ngủ nên là điều cần được chú trọng quan tâm trong việc phòng ngừa đột quỵ" - McCarthy nhấn mạnh.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét gần 4.500 người, trong đó có hơn 2.200 người sống sót sau đột quỵ, nhóm này được so sánh với hơn 2.200 người không bị đột quỵ. Những người tham gia có độ tuổi trung bình là 62, họ được hỏi về các hành vi khi ngủ, bao gồm cả việc chợp mắt và các vấn đề về hô hấp trong khi ngủ. 

Nhóm nghiên cứu cũng đã tính đến các yếu tố nhiễu liên quan đến nguy cơ đột quỵ, bao gồm: hút thuốc, hoạt động thể chất, trầm cảm và uống rượu.

Kết quả cho thấy, tổng cộng có 162 người bị đột quỵ ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm, so với 43 người không bị đột quỵ. Những người ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 3 lần so với những người ngủ trung bình 7 tiếng.

Ngoài ra, 151 người sống sót sau đột quỵ đã ngủ hơn 9 tiếng mỗi đêm, so với 84 người không bị đột quỵ. Những người ngủ nhiều có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp đôi so với những người ngủ đủ 7 tiếng.

Giấc ngủ có thể liên quan đến nguy cơ đột quỵ - Ảnh 2.

Cải thiện giấc ngủ cũng có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

Kết quả cũng cho thấy những người ngủ trưa hơn một giờ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không ngủ.

Nhóm nghiên cứu cho hay, những người ngáy trong khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 91% so với những người không ngáy. 

Những người khịt mũi trong khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp gần 3 lần so với những người không khịt mũi. 

Những người có cơn ngừng thở trong khi ngủ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp gần 3 lần so với những người không bị gián đoạn hô hấp trong khi ngủ.

Nhóm nghiên cứu lưu ý: "Bác sĩ nên quan tâm hơn nữa đối với những người đang gặp vấn đề về giấc ngủ. Các biện pháp can thiệp để cải thiện giấc ngủ cũng có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ và các nghiên cứu trong tương lai nên chú trọng vào chủ đề này".

5 nguyên tắc cơ bản để đạt được giấc ngủ ngon5 nguyên tắc cơ bản để đạt được giấc ngủ ngon

SKĐS - Mặc dù vẫn còn nhiều điều chưa biết về giấc ngủ, nhưng chúng ta đã hiểu rõ về cách để có được giấc ngủ ngon nhất có thể. Việc duy trì những thói quen tốt và tuân thủ nó, có thể giúp chúng ta có một đêm ngon giấc hơn.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Vụ Ô Tô Đâm Liên Hoàn 17 Xe Máy: Tranh Cãi Nguyên Nhân Đạp Nhầm Chân Ga Từ Đôi Dép Lê | SKĐS


Diệu Ngô
Ý kiến của bạn