Nghiên cứu mới kết hợp y học cổ truyền, y học hiện đại trong điều trị bệnh tay chân miệng

04-09-2019 09:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đánh giá đây là hướng nghiên cứu mới được kỳ vọng sẽ có ý nghĩa cộng đồng lớn trong việc điều trị bệnh tay chân miệng.

Ngày 3/9, tại Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã diễn ra lễ công bố Quyết định công nhận kết quả nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học. Theo đó công nhận kết quả nghiệm thu đề tài nghiên cứu một số tác dụng dược lý của dung dịch Tanos nano trên động vật thực nghiệm do TS. Trần Văn Thanh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam làm chủ nhiệm đề tài.

TS. Trần Văn Thanh cho biết, đây là một loại dung dịch làm sạch, chống viêm, diệt khuẩn có tiền đề là các bài thuốc dân gian có chứa các loại thảo dược như canh châu, hạt dổi, hoàng bá… đã được kế thừa và phát triển.

Thực tế hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn đang là vấn đề nhức nhối, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông…

Lễ công bố Quyết định công nhận kết quả nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học.

Theo kết quả nghiệm thu đề tài, chế phẩm này có tác dụng chống loét niêm mạc miệng khi đánh giá trên mô hình gây loét niêm mạc miệng ở chuột cống trắng, và cũng có hoạt tính diệt virus; không gây kích ứng da trong thử nghiệm đánh giá trên thỏ theo quy định của Bộ Y tế...

Các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đánh giá đây là hướng nghiên cứu mới và sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm khoa học, được Hội đồng khoa học, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực tế.

Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Việt Nam có tiềm năng to lớn về y dược học cổ truyền với nguồn dược liệu vô cùng phong phú, quý giá. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến, y dược cổ truyền Việt Nam đã luôn luôn chú trọng đến công tác kế thừa, chọn lọc ứng dụng, bảo tồn nhằm phát huy giá trị của y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Được biết, hiện nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trên 1.000 huyện và trên 11.000  xã, phường, có hệ thống bệnh viện y dược cổ truyền công lập tuyến trung ương và tuyến tỉnh là 65 bệnh viện; Tỷ lệ bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa, tổ y dược cổ truyền đạt 92,7%; Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y dược cổ truyền đạt 84,8%; 89% trạm y tế xã có vườn thuốc nam.

Mỗi năm có khoảng 30% số người bệnh được khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại.

Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

P.H
Ý kiến của bạn