Điều này được cho là liên quan đến sự suy giảm phản ứng miễn dịch cũng như các hành vi nguy cơ liên quan đến một số rối loạn của cơ thể.
Các nghiên cứu trước đây đã chứng minh một số người mắc bệnh mạn tính dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, có nguy cơ mắc COVID cao hơn những người không mắc bệnh gì.
Các nhà nghiên cứu từ UCSF và Hệ thống chăm sóc sức khỏe Cựu chiến binh San Francisco đã phát hiện ra rằng, những bệnh nhân trên 65 tuổi lạm dụng chất kích thích, rối loạn tâm thần, rối loạn lưỡng cực, rối loạn điều chỉnh và lo lắng phải đối mặt với nguy cơ mắc COVID-19 sau khi đã tiêm vaccine lên đến 24%.
Với cả 2 nhóm tuổi (trên và dưới 65 tuổi), dữ liệu nghiên cứu tính tới cả các vấn đề lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, dân tộc và các loại vaccine, cũng như thói quen hút thuốc và các bệnh nền như béo phì, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, bệnh tim mạch, phổi, thận, gan, HIV và ung thư.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 14/4/2022 trên JAMA Network Open, các nhà nghiên cứu đã theo dõi số liệu từ hơn 250.000 bệnh nhân thuộc Bộ Cựu chiến binh Mỹ, những người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vaccine và có ít nhất một lần xét nghiệm SARS-CoV-2. Chỉ 51,4% bệnh nhân được chẩn đoán bị tâm thần ít nhất một lần trong vòng 5 năm và 14,8% trong số đó đã trải qua "COVID đột phá".
Nguyên nhân khiến người mắc bệnh tâm thần giảm khả năng bảo vệ đối với các biến thể mới?
Tiến sĩ Aoife O’Donovan, Viện khoa học Thần kinh của UCSF Weill và Hệ thống chăm sóc sức khỏe Cựu chiến binh San Francisco cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy sự gia tăng "nhiễm trùng đột phá" (tương tự như COVID đột phá) ở những người bị rối loạn tâm thần không thể được giải thích hoàn toàn bởi các yếu tố nhân khẩu học xã hội hay các tình trạng bệnh đã mắc từ trước. Có thể những người bị rối loạn tâm thần sau khi tiêm phòng khả năng miễn dịch suy yếu nhanh hơn đặc biệt đối với các biến thể mới."
Một nghiên cứu vào đầu năm nay do các nhà nghiên cứu của UCSF khởi xướng đã phát hiện ra rằng, những người mắc chứng rối loạn căng thẳng cao độ và rối loạn stress sau sang chấn, những người mắc các tình trạng bệnh lý liên quan đến sự bốc đồng có khả năng tham gia vào các hành vi khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.
Độ tuổi trung bình của 263.697 người tham gia là 66 và 90,8% là nam giới. Nhìn chung, những người tham gia bị rối loạn tâm thần có nguy cơ nhiễm "COVID đột phá" tăng 3% vào năm 2021 so với những người tham gia không có tiền sử mắc bệnh tâm thần. Nguy cơ này cao hơn 24% đối với những người trên 65 tuổi có lạm dụng chất kích thích, cao hơn 23% đối với những người bị rối loạn tâm thần, cao hơn 16% đối với những người mắc rối loạn lưỡng cực, 14% đối với chứng rối loạn điều chỉnh và 12% đối với chứng lo âu.
Đáng ngạc nhiên, là tỷ lệ mắc "nhiễm trùng đột phá" cao hơn ở người trẻ tuổi. Nguy cơ "nhiễm trùng đột phá" liên quan đến lạm dụng chất kích thích, rối loạn điều chỉnh, lo âu và rối loạn stress sau sang chấn đều cao ở nhóm người trẻ so với những người cùng tuổi không có chẩn đoán tâm thần (phần trăm tương ứng là 11%, 9%, 4% và 3%).
Kristen Nishimi - Tiến sĩ của Viện UCSF Weil về Khoa học Thần kinh và Hệ thống chăm sóc sức khỏe Cựu chiến binh San Francisco - tin rằng, tỷ lệ "nhiễm trùng đột phá" cao hơn ở những người tham gia lớn tuổi có thể là do "sự suy giảm đáp ứng miễn dịch với vaccine có liên quan đến một số rối loạn tâm thần, nghiêm trọng hơn ở người lớn tuổi".
Điều này cho thấy các bệnh nhân mắc tình trạng tâm thần nhất định, đặc biệt đối với nhóm trên 65 tuổi, phải đối mặt với những rủi ro tương tự như mắc các bệnh khác. TS O’Donovan nói: "Sức khỏe tâm thần là yếu tố quan trọng cần được xem xét để kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác và một số bệnh nhân nên được ưu tiên sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch và các nỗ lực phòng ngừa quan trọng khác."