Nghiên cứu khoa học trong y tế giúp điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo

06-01-2017 11:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) diễn ra ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học...

Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) diễn ra ngày 4/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải tránh tình trạng hành chính hóa nghiên cứu khoa học, phải làm quen với tư duy quản lý khoa học chỉ dựa vào kết quả chứ không nên dựa vào quá trình. Đừng để các nhà khoa học phải lo mua hóa đơn vất vả...

Thủ tướng cho rằng, muốn phát triển KHCN thành công thì phải có 6 yếu tố là: thể chế, cơ chế, môi trường; con người; nguồn lực; cơ sở hạ tầng; năng lực hội nhập; năng lực kiến tạo quản trị của Nhà nước cho KHCN. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo thể chế thông thoáng trong phát huy nhân tài, sử dụng người tài, kể cả người chưa vào Đảng, kiều bào là những nhà khoa học ở nước ngoài nhưng có nguyện vọng cống hiến năng lực và kinh nghiệm cho quê hương.Nghiên cứu sản xuất vắc xin sởi.

Nghiên cứu sản xuất vắc xin sởi. Ảnh: Trần Minh

Đây là lần đầu tiên Bộ KHCN tổ chức Hội nghị trực tuyến cùng 63 tỉnh thành cả nước với sự chủ trì của Thủ tướng và tham gia của hàng loạt  Bộ trưởng: Y tế, Nông nghiệp, Công Thương... cùng đại diện lãnh đạo tất cả tỉnh, thành phố tại các đầu cầu cả nước.

Đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2016, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhìn nhận, với nỗ lực vượt bậc trong bối cảnh khó khăn, ngành KHCN Việt Nam đã tham gia tích cực vào giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, ngành sản xuất. Trong đó, khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 30-40% vào tăng trưởng nông nghiệp tùy theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong 5 năm qua, năng suất lúa liên tục tăng từ 55,4 tạ/ha (năm 2011) lên 57,7 tạ/ha, đưa Việt Nam thành nước có năng suất đứng đầu khu vực... KHCN cũng đã kịp thời tham gia ứng phó với các sự cố phát sinh như tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trong thời gian dài tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện tượng hải sản chết bất thường ở 4 tỉnh miền Trung.

Trong lĩnh vực y tế, các công trình nghiên cứu đã góp phần dự phòng, đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh đã được nghiên cứu ứng dụng thành công, nhiều loại bệnh đã được chẩn đoán và điều trị với tỷ lệ thành công cao, giá thành rẻ, tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm ngoại tệ hàng tỷ đô-la/năm do không phải ra nước ngoài điều trị.

Bổ sung thêm thông tin, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, khoa học đã giúp điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo. Trong đó có việc tự chủ sản xuất nhiều loại vắc-xin tại Việt Nam, như vắc-xin Rotavirus - chỉ  4 nước trên thế giới có thể sản xuất. Ngoài ra, các ứng dụng khoa học còn giúp chữa trị và tiến hành thành công việc ghép tạng, phát hiện và điều trị các bệnh hiểm nghèo khác. Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra tồn tại của khoa học như việc phân bổ ngân sách trong KHCN còn chưa phù hợp, dẫn đến việc có nơi chưa tiêu hết tiền. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Bộ KH&CN thực hiện cơ chế khoán, đặt hàng các nhà khoa học nhiều hơn nữa và đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm.


Hoàng Nam
Ý kiến của bạn