Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế công cộng: Cần làm gì để phát triển và hội nhập quốc tế?

04-04-2016 11:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ tạo ra nghiều cơ hội cho phát triển khoa học và công nghệ nói chung và đối với chuyên ngành Y tế công cộng (YTCC) ở Việt nam nói riêng.

Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ nói chung và hội nhập quốc tế về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế công cộng nói riêng không chỉ giúp chúng ta tiếp thu các tri thức mới, áp dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ từ các nước trên thế giới mà còn tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế và từng bước nâng cao vị thế về khoa học và công nghệ của Việt Nam trên thế giới. Hội nhập quốc tế đòi hỏi các các công trình nghiên cứu, đặc là các nghiên cứu trong lĩnh vực YTCC, cần được phát triển lên một tầm cao mới.

Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ tạo ra nghiều cơ hội cho phát triển khoa học và công nghệ nói chung và đối với chuyên ngành Y tế công cộng (YTCC) ở Việt nam nói riêng. YTCC là khoa học và nghệ thuật phòng bệnh, kéo dài tuổi thọ và tăng cường sức khỏe thông qua những nỗ lực có tổ chức của toàn xã hội và có phạm vi ảnh hưởng rộng. Các giải pháp YTCC có thể được áp dụng ở mức độ vùng, khu vực hay phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe hay phòng chống bệnh không còn là vấn đề riêng của từng quốc gia mà ngày càng được coi là mối quan tâm của toàn cầu thì các giải pháp YTCC chính là chìa khóa để giúp chúng ta thành công. Nghiên cứu YTCC có nhiệm vụ tạo ra bằng chứng khoa học về các vấn đề sức khỏe, các yếu tố ảnh hưởng sức khỏe và các giải phát can thiệp có hiệu quả và hiệu suất đối với với các vấn đề sức khỏe ở phạm vi toàn cầu. Tất cả các quốc gia có thể vừa học tập các quốc gia khác, đồng thời chia sẻ các thông tin kinh nghiệm của họ về các vấn đề sức khỏe toàn cầu.

Nghien-cuu-khoa-hoc-trong-linh-vuc-y-te-cong-cong1

Hội thảo quốc tế về nghiên cứu trong lĩnh vực Y tế công cộng

Hội nhập quốc tế đòi hỏi các các công trình nghiên cứu, đặc là các nghiên cứu trong lĩnh vực YTCC, cần được phát triển lên một tầm cao mới. Các nghiên cứu YTCC cần đặt trọng tâm vào việc xác định và giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn cầu (các vấn đề sức khỏe được quan tâm bởi nhiều quốc gia trên thế giới như các bệnh mạnh tính không lây nhiễm (ung thư, tiều đường, các huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽ mạn tính..) các bệnh lây mới nổi (như các hội chứng gây ra bởi virus H5N1, H1N1, Zika) hoặc tái xuất hiện (sốt xuất huyết, tả…). Bên cạnh đó các vấn đề của hệ thống y tế như mô hình tổ chức hệ thống y tế, mô hình tài chính y tế, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, mục tiêu phát triển bệnh vững (SDG), các yếu ảnh hưởng đến sức khỏe… cũng là các vấn đề được cần được quan tâm nghiên cứu.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các nghiên cứu về YTCC sẽ không còn chỉ là các nghiên cứu cắt ngang dựa trên các cuộc điều tra cộng đồng truyền thống với công cụ nghiên cứu là các bảng hỏi “nhàm chán”. Chúng ta cần hướng tới các nghiên cứu có sử dụng các thiết kế nâng cao như các nghiên cứu theo dõi dọc, các nghiên cứu can thiệp, các nghiên cứu triển khai, các nghiên cứu kinh tế y tế và thậm chí là cần có các nghiên cứu có sự tham gia đồng thời của các chuyên ngành nghiên cứu như nghiên cứu cộng đồng, nghiên cứu lâm sàng và các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Thụy điển, Thụy Sỹ… các nhà khoa học thường triển khai các nghiên cứu có sự kết hợp nhiều chuyên ngành nghiên cứu (đặc biệt là phối hợp giữa nghiên cứu cộng đồng và nghiên cứu trong phòng thì nghiệm) để có thể vừa tìm ra các nguyên nhân về mặt sinh học của các vấn đề sức khỏe và vừa xác định được các yếu tố kinh tế xã hội có ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Bên cạnh đó, việc tận dụng triệt để các bằng chứng khoa học và các số liệu sẵn có thông qua các nghiên cứu tổng quan, đặc biệt là tổng quan hệ thống (systematic review) và các phân tích gộp (meta analysis), để tạo ra các bằng chứng khoa học có giá trị cao, có thể làm căn cứ tin cậy cho các can thiệp cũng đang là xu hướng nghiên cứu hiện đại và cần được phát triển tại Việt Nam.

Để có thể có được các nghiên cứu với các thiết kế nâng cao kể trên, các nghiên cứu viên thuộc lĩnh vực YTCC tại Việt nam cần được đào tạo, cập nhật kiến thức và kỹ năng mới. Việc triển khai các nghiên cứu có thiết kế nghiên cứu nâng cáo cũng đồi hỏi có thêm các nguồn lực tài chính, trang thiết bị và công nghệ hiện đại…

Theo quy định quốc tế, các nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y sinh học cần Tuân thủ triệt để nguyên tác đạo đức nghiên cứu. Các nghiên cứu YTCC tại Việt Nam cần đảm bảo 3 nguyên tắc đạo đức cơ bản, gồm 1) Tôn trọng: tôn trọng quyền cá nhân, bao gồm quyền tự lựa chọn của đối tượng tham gia nghiên cứu và bảo vệ những đối tượng không có khả năng tự quyết; 2) Hướng thiện: thực hiện nghiên cứu là làm điều tốt, tránh điều có hại; lợi ích dự kiến phải vượt xa các nguy cơ tiềm ẩn; và 3) Công bằng: bảo đảm phân bố đều về trách nhiệm và lợi ích của đối tượng tham gia nghiên cứu, nghiên cứu viên, nhà sản xuất, của cá nhân cũng như của xã hội. Tất cả các nghiên cứu YTCC cần được hội đồng đạo đức y sinh học xem xét và thông qua trước khi thực hiện. Việc tập huấn về đạo đức nghiên cứu cho các nghiên cứu viên là hết sức cần thiết. Các hội đồng đạo đức thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu cũng cần được thành lập, kiện toàn và phát triển.

Nghien-cuu-khoa-hoc-trong-linh-vuc-y-te-cong-cong

Hội thảo quốc tế về nghiên cứu trong lĩnh vực Y tế công cộng

Để hội nhập quốc tế tốt hơn, các nghiên cứu YTCC ở nước ta cũng phải đảm bảo các Chuẩn mực quốc tế về cách thức triển khai và về hình thức báo cáo báo cáo. Chúng ta cần tham khảo và áp dụng các chuẩn mực quốc tế về báo cáo các công trình nghiên cứu khoa học. Có thể kể đến bảng kiểm STROBE (The Strengthening the Reporting of Observational Studies in Epidemiology) dùng để đánh giá các nghiên cứu quan sát, bảng kiểm CONSORT (Consolidated Standards of Reporting Trials) dùng để đánh giá các nghiên cứu can thiệp, bảng kiểm SAMPL (Statistical Analyses and Methods in the Published Literature) dùng đề đánh giá khía cạnh thống kê trong các công trình nghiên cứu…Các bảng kiểm chuẩn quốc tế này cần được nghiên cứu, điều chỉnh và đưa vào áp dụng tại Việt nam.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Xuất bản quốc tế (XBQT) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đây là cơ sở để chúng ta tăng cường việc trao đổi bằng chứng khoa học với các đối tác quốc tế và qua đó khẳng định vị thế khoa học của bản thân các nhà khoa học, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu và của nền khoa học Việt nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hiện số lượng các XBQT  tế tại Việt nam chưa tương xứng với tiềm năng của các nhà khoa học nước ta.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các nhà khoa học nói chung và các nghiên cứu viên thuộc lĩnh vực YTCC nói riêng cần nhận thức được tầm quan trọng của XBQT. Các nghiên cứu cần đáp ứng được các tiêu chí đã đề ở trên, bao gồm chủ đề xác đáng, thiết kế nâng cao, đảm bảo nguyên tắc đạo đức và có hình thức báo cáo phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành và các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu cần có các chiến lược hỗ trợ phát triển XBQT.

Tại Trường Đại học Y tế công cộng  đã và đang áp dụng nhiều hình thức phát triển XBQT thông qua việc phối hợp với một số tạp chí quốc tế để xuất bản các số chuyên đề (special issue) về các vấn đề nghiên cứu thế mạnh của Trường, mời chuyên gia quốc tế và trong nước đào tạo, huấn luyện trực tiếp nâng cao năng lực XBQT của các nghiên cứu viên, tổ chức các hội thảo chuyên đề về các vấn đề chuyên môn, cũng như hỗ trợ phí xuất bản cho các nghiên cứu viên của Trường….

Bên cạnh đó, để hội nhập quốc tế tốt hơn, các nhà khoa học cần tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo và diễn đàn khoa học quốc tế để chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm, kết nối, xây dựng và phát triển các hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trong khu vực và trên thế giới.

Hiện có nhiều hội nghị khoa học có uy tín trong khu vực như Hội nghị về YTCC các nước Châu Á, Thái Bình Dương (Asia Pacific Conference on Public Health), Hội nghị về YTCC tại các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong (Conference On Public Health Among Greater Mekong Sub- Regional Countries) và quốc tế như  Diễn đàn toàn cầu về nghiên cứu hệ thống y tế (Global Symposium On Health Systems Research)… Các nhà khoa học thuộc chuyên ngành YTCC cũng nên tìm hiểu và tham gia các mạng lưới có liên quan khác trong khu vực và trên thế giới như Diễn đàn sức khỏe Châu Á (Health Space Asia), Mạng lưới theo dõi nhân khẩu học và sức khỏe quốc tế (INDEPTH)… Để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, việc tham gia các diễn dàn khoa học về YTCC cũng có thể được thực hiện với sự trợ giúp của công nghệ thông tin như Teleconference, Video conference…

Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và không còn nhiều các nguồn tài trợ không hoàn lại cho các chương trình, dự án YTCC (bao gồm cả tài trợ cho các nghiên cứu) từ các nhà cơ quan tổ chức quốc tế như trước đây. Vì vậy, chủ động tìm kiếm các nguồn kinh phí nghiên cứu được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với việc duy trì và phát triển nghiên cứu YTCC tại Việt nam. Các nhà khoa học cần thành lập các nhóm nghiên cứu, liên hệ và phổi hợp với các nhà khoa học từ các cơ quan tổ chức quốc tế đấu thầu các dự án nghiên cứu quốc tế. Bản thân các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam cũng cần dành ra các khoản kinh phì từ ngân sách của chính cơ quan mình để đầu tư cho nghiên cứu. Như vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguồn kinh phí dành cho các nghiên cứu về YTCC cần phải được đa dạng hóa, kết hợp hiệu quả giữa nội lực với sự hỗ trợ bên ngoài.

Như vậy, có thể thấy, hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra rất nhiều cơ hội để Việt Nam có nâng tầm trình độ khoa học và công nghệ trong nước, trong đó có nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế công cộng. Hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi các nhà khoa học và các nhà quản lý YTCC đổi mới nhận thức và chiến lược phát triển nghiên cứu khoa học. Các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực YTCC cần được phát triển lên một tầm cao mới, cần đặt trọng tâm vào việc xác định và giải quyết các vấn đề sức khỏe toàn cầu, áp dụng các thiết kế nghiên cứu hiện đại, tuân thủ triệt để nguyên tắc đạo đức, đảm bảo các chuẩn mực quốc tế về cách thức triển khai và hình thức báo cáo báo cáo…


PGS.TS Hoàng Văn Minh
Ý kiến của bạn