PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh thông tin này tại hội thảo triển khai công tác khoa học và công nghệ ngành y tế năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức hôm nay, 16/3.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, một số phương pháp chẩn đoán và điều trị đã đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận và được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất được 10 loại vaccine trong số 11 loại vaccine sử dụng cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Chúng ta đã tiếp nhận và làm chủ được một số công nghệ sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme. Phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền. Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả liên quan đến ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm.
"Các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội" - Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Có được những kết quả trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, trong thời gian qua, trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, sự nỗ lực của ngành y tế, sự phối hợp tích cực của các bộ, ban, ngành; đặc biệt là sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương biểu dương những thành công của đội ngũ các nhà khoa học ngành y tế thời gian qua. Thứ trưởng mong muốn các đơn vị, nhà khoa học ngành y tế sẽ tiếp tục tham gia tích cực, nỗ lực hơn nữa để hoạt động khoa học và công nghệ ngành y tế ngày càng phát triển, ứng dụng hiệu quả cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngành y tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn, chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, khả năng và mới chỉ tập trung ở các trung tâm lớn. Việc phổ biến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Các nghiên cứu còn nhỏ lẻ do trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn thiếu, không đồng bộ và chưa được đầu tư thỏa đáng. Thiếu nhân lực là các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh...
Các nghiên cứu có tính dự báo, đo lường khả năng và diễn biến của các bệnh dịch mới nổi, bệnh dịch tái diễn còn chưa được chú trọng. Ít nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, những tồn tại, khó khăn trên do nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính như do nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học trong lĩnh vực y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân và là vấn đề khó, nhạy cảm. Cơ chế, chính sách và đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa có cơ chế cho nghiên cứu rủi ro, mạo hiểm. Sự phối hợp thực thi giữa Luật khoa học công nghệ và các Luật chuyên ngành còn chưa đồng bộ nên khó đưa ra sản phẩm cuối cùng phục vụ xã hội.
Để tiếp tục tăng cường công tác khoa học và công nghệ ngành y tế, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận góp ý sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực y tế đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các Luật chuyên ngành như Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... và phù hợp thực tiễn hiện nay.
Phổ biến, triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (nội dung về thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thiết bị y tế trong khám bệnh, chữa bệnh). Hướng dẫn triển khai Kế hoạch khoa học công nghệ ngành y tế năm 2024-2025 bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, khả thi và kịp thời.
"Tôi tin tưởng với sự tâm huyết, sáng tạo của toàn ngành và với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ về hành lang pháp lý, cơ chế tổ chức, quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, tài chính khoa học công nghệ, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ngành y tế sẽ có bước phát triển vững chắc, hội nhập bền vững với khu vực và thế giới, đem lại nhiều kết quả thiết thực hơn nữa để phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân" - Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Tổng quan về khung pháp lý, định hướng, giải pháp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành y tế, TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, giải pháp chủ yếu để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành y tế có nhiều nội dung. Trong đó, tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý. Đổi mới quản lý tài chính khoa học công nghệ, chấp nhận nguyên tắc rủi ro. Tháo gỡ khó khăn trong chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ.
Cùng đó, đổi mới cơ chế hoạt động, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành y tế. Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo ngành y tế, trong đó tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với các chuỗi giá trị, tạo môi trường, thể chế, chính sách thuận lợi, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức hỗ trợ trong nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo...
"Thành lập mạng lưới nghiên cứu trọng điểm/mạnh ngành y tế (viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ khác) và phát triển các nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành y tế. Tăng cường các hoạt động truyền thông về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo y tế" - TS Nguyễn Ngô Quang nói.