Tại buổi thảo luận, Giáo sư John D. Sunal, Giám đốc chuyên môn, Trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học hóa sinh Hoa Kỳ (CSRD Hoa kỳ) đã trình bày quy trình chiết xuất hoạt chất Olecanthal, cơ chế tác dụng, các dạng bào chế và hoạt động mang tính chất sinh học nhìn từ khái niệm phân tử của hoạt chất Oleocanthal. Nhiều công trình nghiên cứu đã được các nhà khoa học công bố thấy Oleocanthal là một hoạt chất tự nhiên được tìm thấy trong dầu ô liu nguyên chất với một lượng tương đối nhỏ có tác dụng kháng viêm mạnh. Oleocanthal được coi là một tác nhân đầy hứa hẹn trong việc ngăn ngừa các bệnh liên quan đến phản ứng viêm và oxy hoá, kháng khuẩn, chống ung thư và bảo vệ thần kinh.
Buổi thảo luận đã thu hút được nhiều ý kiến chuyên gia về lĩnh vực phòng chống ung thư
Trong đó, các nghiên cứu về tác dụng chống ung thư chiếm đa số. Theo các nghiên cứu khoa học, Oleocanthal được báo cáo có tác dụng ngăn chặn khối u ác tính, vú, gan, và tế bào ung thư đại tràng. Nghiên cứu về thần kinh tập trung vào những tác dụng của oleocanthal nhằm chống lại bệnh Alzheimer. Oleocanthal cải thiện độ thanh thải của protein amyloid beta từ tế bào thần kinh và giảm viêm của các tế bào hình sao.
Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cho biết để phát triển chất Oleocanthal được cho là có tác dụng ngăn ngừa và điều trị ung thư thành sản phẩm thuốc cần có quá trình nghiên cứu và phát triển thuốc bài bản và khoa học dựa trên các hướng dẫn nghiên cứu phát triển thuốc ICH, WTO mà ASEAN (trong đó có Việt Nam là thành viên) đang áp dụng trong bộ hồ sơ kỹ thuật chung (ACTD,ACTR) nhằm đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của thuốc khi lưu hành.
Hiện nay Oleocanthal mới chỉ là một chất được chiết xuất từ quả Oliu chưa được nghiên cứu phát triển thành thuốc điều trị ung thư. Tác dụng của Oleocanthal đang dựa trên một vài nghiên cứu và chưa được Bộ Y tế công nhận.
Theo số liệu của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của Ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Theo WHO tỷ lệ mắc bệnh ung thư tại Việt nam hiện nay là 87,2/ 100.000 người.
Đây là thách thức cho ngành Y nhưng là cơ hội để ngành Dược phát triển, đặc biệt là sản xuất thuốc trong nước, sản xuất thuốc nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, vắc xin sinh phẩm điều trị ... theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số;68/QĐ –TTg ban hành ngày 10/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ“ Phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Đầu tháng 10 vừa qua, hai nhà khoa học James P.Allison (người Mỹ) và Tasuku Honjo (người Nhật) đã được Ủy ban Giải thưởng Nobel thuộc Viện Karolinska của Thụy Điển trao giải Nobel Y học 2018 ( Nobel Y Sinh) cho công trình nghiên cứu điều trị ung thư bằng cơ chế ức chế miễn dịch âm tính. Hai nhà khoa học đã tìm ra cách lợi dụng hệ thống miễn dịch, giải phóng cơ chế ức chế tế bào miễn dịch để chống lại tế bào ung thư.
Công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học đã mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị căn bệnh thế kỷ này. Đây được coi là một trong phát kiến có tính cách mạng cho cuộc chiến chống ung thư hiện nay. Trước đó cũng có rất nhiều các nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới được công bố khi tìm ra các loại hoạt chất có thể tiêu diệt được tế bào ung thư.
Trước đó, năm 2015 các nhà khoa học của trường Đại học Rutgers và Hunter (Mỹ) công bố trên tạp chí chuyên ngành Molecular & Cellular Oncology (Phân tử & Tế bào ung thư) về kết quả nghiên cứu hoạt chất Oleocanthal trong dầu oliu extra-virgin, có thể diệt được nhiều loại tế bào ung thư ở người mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh.