Nghiên cứu các quốc gia mới nhất của Credendo cho biết Việt Nam là một trong số ít quốc gia cho thấy khả năng phục hồi rõ rệt khi đối mặt với cú sốc của đại dịch COVID-19. Sự phát triển tích cực mà Việt Nam có được chủ yếu nhờ ngăn chặn virus SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, nhất quán và cực kỳ hiệu quả sau khi dịch bùng phát ở nước láng giềng Trung Quốc.
Trong số các biện pháp kiềm chế dịch bệnh, Việt Nam đã sớm áp đặt lệnh hạn chế đi lại, tiến hành xét nghiệm và truy vết tiếp xúc trên diện rộng nhằm giúp kiểm soát dịch bệnh. Trong khi hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải vật lộn với những tác động kinh tế do đại dịch gây ra, thì hoạt động kinh tế của Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành dù ban đầu có những gián đoạn và suy giảm nhẹ.
Nghiên cứu của Credeno chỉ rõ trong năm 2020, Việt Nam đã có thành tích kinh tế xuất sắc trong khi các nước công nghiệp phát triển và các nước mới nổi ở khắp nơi trên thế giới đều phải hứng chịu một cuộc suy thoái toàn cầu chưa từng có. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng trong năm ngoái, trong khi quốc gia này cũng được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đầu tư cũng như xu hướng xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, việc Chính phủ Việt Nam đầu tư mạnh cho phát triển cơ sở hạ tầng cũng góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó, một chính sách tiền tệ thích ứng mạnh - bao gồm việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất từ 6% xuống 4% - đã tạo thêm động lực cho hoạt động kinh tế.
Theo đánh giá của Credendo, Việt Nam vẫn miễn nhiễm với những làn sóng dịch bệnh tiếp theo vốn đang hoành hành khắp thế giới. Do vậy, giới chức Việt Nam sẽ có thời gian để thực hiện công tác tiêm chủng cho người dân, đồng nghĩa với việc các biện pháp chống COVID-19 có thể được duy trì trong nhiều tháng nữa. Việt Nam đang tự tin theo đuổi mục tiêu tiếp tục câu chuyện thành công của đất nước, vốn đã tạo ra mức tăng trưởng trung bình 6,8% trong hai thập kỷ qua.
Một thành công đáng chú ý trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay là rủi ro kinh tế và tài chính của Việt Nam không tăng thêm. Mặc dù tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980 của thế kỷ trước, song không giống như hầu hết các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương trong năm 2020 và kỳ vọng sẽ đạt từ 6,5%-7% trong năm 2021 và 2022. Trong khi đó, nợ nước ngoài vẫn ở mức thấp, mức chi trả nợ (Debt Service) hầu như không tăng, tài khoản vãng lai vẫn thặng dư mặc dù có giảm nhẹ. Dự kiến sau dịch COVID-19, những nhân tố mang tính rủi ro này sẽ vẫn có sự phát triển tích cực nhờ sự tương hỗ từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Credendo nhận định rằng, nền kinh tế mở và định hướng xuất khẩu của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động từ các cú sốc bên ngoài. Trong ngắn hạn, đại dịch COVID-19 tiếp diễn sẽ làm suy yếu hơn nữa hoạt động kinh tế, trong khi về lâu dài, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã và đang được hưởng lợi từ sự thay đổi của môi trường thương mại và việc tổ chức lại chuỗi cung ứng đang diễn ra.
Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị rung chuyển do đại dịch sẽ mang lại lợi thế cho Việt Nam trong dài hạn vì Việt Nam được xem là địa điểm đầu tư ổn định cho việc chuyển dịch đầu tư tại Đông Nam Á. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký trong giai đoạn 2019-2020 (như Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu - EVFTA hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP) sẽ giúp thúc đẩy thương mại và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành "thanh nam châm" hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung và Apple - những tập đoàn vốn chịu sức hút từ triển vọng tăng trưởng mạnh, lao động chi phí thấp, môi trường đầu tư thân thiện và các khu công nghiệp lớn được xây dựng ở Việt Nam.
Credendo là tập đoàn bảo hiểm tín dụng châu Âu có đại diện trên khắp các lục địa. Tập đoàn này hoạt động trong tất cả các lĩnh vực bảo hiểm tín dụng thương mại và bảo hiểm rủi ro chính trị cũng như cung cấp các sản phẩm bảo hiểm rủi ro trên toàn thế giới.