Tiểu đường týp 1 là bệnh tự miễn khi hệ miễn dịch phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin trong tuyến tụy. Sau khi có chuẩn đoán tiểu đường týp 1, tuyến tụy vẫn tạo ra một lượng nhỏ insulin. Giai đoạn này có thể kéo dài trong vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm.
Các nhà nghiên cứu tại Yale, phối hợp với Viện Broad của MIT và Đại học Harvard, đã sử dụng mô hình chuột thí nghiệm để khám phá cách mà một số tế bào beta có thể tiếp tục tồn tại sau khi bị hệ miễn dịch phá hủy.
Nhóm nghiên cứu đã xác định được một nhóm tế bào beta có thể chống lại sự tấn công của hệ thống miễn dịch bằng cách sử dụng phương pháp “cúi xuống và che đầu”. Các tế bào bộc lộ phân tử ức chế đáp ứng miễn dịch và ngăn chặn, với khả năng tự phục hồi giống như tế bào gốc trong giai đoạn đầu của phát triển, nhờ vậy chúng có thể tồn tại và phát triển mặc dù bị hệ miễn dịch tấn công.
Tiến sĩ Kevan Herold, giáo sư về sinh học miễn dịch và là tác giả nghiên cứu cho biết: “Những biến đổi của tế bào beta trong quá trình phát triển bệnh tiểu đường sẽ tạo ra hai nhóm tế bào beta. Một nhóm tế bào sẽ bị hệ miễn dịch phá hủy. Nhóm tế bào còn lại ít có khả năng bị phá hủy hơn nhờ những đặc tính đặc biệt”.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism có thể dẫn đến những chiến lược mới trong điều trị tiểu đường týp 1, bao gồm việc thử nghiệm các thuốc có khả năng thay đổi nhóm tế bào beta để tạo ra các tế bào sản xuất insulin.