Hà Nội

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao

20-04-2024 16:00 | Y tế
google news

SKĐS - Điều trị bệnh lao đòi hỏi một quá trình lâu dài, bền bỉ và vô cùng tốn kém, những người nghèo, người thu nhập thấp khó có thể theo đuổi quá trình điều trị nếu không có sự hỗ trợ của BHYT. Việc chi trả chi phí xét nghiệm phát hiện bệnh lao sẽ góp phần hỗ trợ người bệnh, tiến tới chấm dứt bệnh lao.

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Từ ngày 1/7/2022, bệnh nhân lao có thẻ bảo hiểm y tế được nhận thuốc điều trị từ nguồn Quỹ bảo hiểm y tế thay vì được ngân sách nhà nước cấp miễn phí như trước. Tuy nhiên có một thực tế đã và đang diễn ra tại các cơ sở y tế là không ít người bệnh đến khám lao không có bảo hiểm y tế. Thậm chí khi đã được xác định mắc bệnh lao, quá trình điều trị kéo dài hàng năm. Mỗi khi đến bệnh viện khám định kỳ, người bệnh phải tốn một khoản tài chính không nhỏ từ xét nghiệm, chẩn đoán, chụp chiếu và thuốc để điều trị bệnh lao.

Trong khi đó, khoảng 70% bệnh nhân mắc lao là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên việc thanh toán tiền thuốc cũng như các chi phí khám, chữa bệnh lao là một "gánh nặng" với người bệnh.

Đây thực sự là một khó khăn rất lớn không chỉ cho người mắc bệnh lao, cơ sở y tế và cả mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại  VIệt Nam vào năm 2030.

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao- Ảnh 2.

Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Vẫn còn 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng

Báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, năm 2022 Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất phức tạp, nhất là sau khi kết thúc đại dịch COVID-19. Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hằng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Tỉ lệ bệnh nhân lao được chữa khỏi hoàn toàn là trên 90%, lao kháng thuốc là 75%.

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Đáng chú ý, hiện có khoảng 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc, là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng. Gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn lao.

Hiện nay, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đang triển khai các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm, nhất là trong những nhóm có nguy cơ cao (phạm nhân, người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV); áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, phác đồ điều trị, thuốc mới nhất.

Về một số khó khăn trong công tác phòng, chống lao, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cho biết, 12/63 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên trách để triển khai các can thiệp phòng chống lao. Trong khi đó, mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất tại 63 địa phương gây ra các khó khăn khi thực hiện thanh toán thuốc lao và các dịch vụ khám bệnh lao từ bảo hiểm y tế.

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao- Ảnh 4.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia Đinh Văn Lượng (bên phải).

Cán bộ y tế chuyên ngành phòng, chống lao rất thiếu, chế độ chính sách hạn chế. Nguồn kinh phí viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống lao có xu hướng giảm dần trong khi ngân sách địa phương cho hoạt động này còn hạn chế.

Nhận thức của người dân về bệnh lao đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn sai lệch, chưa đầy đủ. Đa số bệnh nhân là người nghèo, còn tồn tại sự kỳ thị và mặc cảm…

Cần sự tham gia của mọi người dân để chấm dứt bệnh lao

Tại cuộc họp, GS.TS Trần Văn Sáng (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lao - bệnh phổi, Đại học Y Hà Nội) cho rằng, bệnh lao là vấn đề sức khoẻ cộng đồng nên cùng với hệ thống bệnh viện bệnh phổi và bệnh lao, cần có sự tham gia của mọi người dân để chấm dứt căn bệnh này. Theo đó, yêu cầu quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị ngoại trú tại cơ sở và có mạng lưới giám sát để bệnh nhân lao điều trị khỏi hoàn toàn.

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao- Ảnh 5.

Các chuyên gia nêu ý kiến tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

"Đây cũng là lợi thế của Việt Nam khi có mạng lưới phòng chống lao đến tận cơ sở cùng cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ", ông Trần Văn Sáng nhấn mạnh.

GS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, nếu chỉ tối ưu hóa các hoạt động phòng, chống lao hiện nay, thực hiện bao phủ y tế toàn dân và bảo trợ xã hội, tỉ lệ mắc lao mới sẽ giảm nhưng không thể đạt mục tiêu đặt ra trong kiểm soát, tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao

Hiện nay, Việt Nam vẫn nằm trong số 30 nước chịu gánh nặng chi phí bệnh lao cao nhất thế giới. Các khó khăn, thách thức, nguy cơ bùng phát bệnh lao cũng như gánh nặng điều trị vẫn còn nếu không có giải pháp kiểm soát và đẩy lùi hữu hiệu bệnh lao.

Nghiên cứu bao phủ BHYT cho bệnh nhân lao- Ảnh 6.

Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Uỷ ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với các địa phương.

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu phương pháp, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá phát hiện, xét nghiệm, phác đồ điều trị… để làm căn cứ thanh toán bảo hiểm y tế, hoặc bố trí từ ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội dành cho các hoạt động thuộc chương trình phòng, chống lao; nghiên cứu bao phủ bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân lao. 

"Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ LĐTB&XH nghiên cứu phương án chi trả chi phí xét nghiệm phát hiện bệnh lao cũng như bao phủ bảo hiểm y tế cho mọi bệnh nhân lao", Phó Thủ tướng chỉ đạo và lưu ý phải thực hiện đấu thầu tập trung để bảo đảm có đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống lao.

Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035Việt Nam cam kết cùng thế giới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

SKĐS - Với mục tiêu chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam vào năm 2030 và thế giới vào năm 2035, còn rất nhiều khó khăn, thách thức, cần có một quyết tâm chính trị lớn, một hệ thống giải pháp tổng thể...


Trần Hải
Ý kiến của bạn