Nghiêm khắc và khoan dung

22-07-2016 07:27 | Thời sự

SKĐS - Dư luận xôn xao trước vụ án 2 thanh niên ở quận Thủ Đức (TP.HCM) đang đói, trong túi không có tiền đã vào tiệm bánh mỳ hỏi mua mấy thứ đồ ăn trị giá 45 ngàn đồng rồi cướp đồ bỏ chạy bị dân bắt được giao cho cơ quan chức năng.

Dư luận xôn xao trước vụ án 2 thanh niên ở quận Thủ Đức (TP.HCM) đang đói, trong túi không có tiền đã vào tiệm bánh mỳ hỏi mua mấy thứ đồ ăn trị giá 45 ngàn đồng rồi cướp đồ bỏ chạy bị dân bắt được giao cho cơ quan chức năng. Cơ quan chức năng lập án và chuyển Viện Kiểm sát ra cáo trạng truy tố với mức án từ 3 - 7 năm tù giam. Tòa trả hồ sơ đề nghị bổ sung và khung hình phạt hạ xuống từ 1 - 3 năm.

Không riêng vụ án trên, ở Quảng Nam có kẻ trộm chim chào mào của vị Giám đốc Sở KH&ĐT trẻ nhất nước cũng bị truy tố và tống vào trại giam với án vài năm tù. Lâu hơn, tại một tỉnh miền núi, 2 anh nông dân trộm vịt cũng dính 36 tháng tù giam...

Không ai đồng tình với thói trộm cắp và phải nghiêm trị kẻ cắp, kẻ cướp luôn được dư luận ủng hộ và hoan nghênh. Nhưng mức án dành cho kẻ phạm tội quá nặng không tương xứng với hành vi phạm tội, lý do phạm tội lại khiến dư luận trăn trở. “Nghiêm khắc” quá biết đâu chính những người dân bắt 2 thanh niên cướp giật ở tiệm bánh mỳ với trị giá tài sản 45 ngàn đồng giao nộp công an lại “ân hận” như chính mình gây ra cho các cháu cái bản án không tương xứng này. Và hệ lụy quan trọng hơn là không ai tham gia bắt trộm, cướp giật vặt, không hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật vì một trật tự xã hội.

cuop banh mi

Chuyện cướp bánh mỳ trên khiến tôi nhớ đến một vở kịch trong đó quan tòa vì công lý quyết không tha kẻ nghèo đói cũng cướp giật bánh mỳ đang đứng trước vành móng ngựa. Ông tuyên phạt bị cáo 1 roi và tuyên tiếp: “Kẻ cướp giật đã bị nghiêm trị và tất cả chúng ta ngồi đây bị phạt 5 roi vì để cho bị cáo đói đến mức này, phải đi cướp giật”.

Thấy những vụ án trên, chắc chắn ai cũng thấy luật nước ta nghiêm khắc nhất thế giới! Nhưng ở góc độ khác, luật nước ta cũng bao dung nhất thế giới.

Trên báo chí, cùng với án cướp giật bánh mỳ trị giá 45 ngàn đồng bị truy tố là chuyện miễn truy tố các quan chức liên quan tới đường ống Sông Đà 18 lần vỡ chỉ vì... phạm tội lần đầu! Không biết 18 lần vỡ ống Sông Đà thiệt hại là bao nhiêu lần 45 ngàn đồng kia nhưng chắc chắn 2 thanh niên cướp giật bánh mỳ cũng phạm tội lần đầu. Một bên vì đói nên sinh liều còn bên kia không biết vì lý do gì!

Cũng cùng thời gian này, Formosa Hà Tĩnh xả thải gây cá chết hàng loạt, môi trường bị tàn phá không biết thiệt hại lớn gấp bao lần nửa tỷ USD đền bù nhưng rất tiếc, không thấy nói chuyện khởi tố để tính đúng, tính đủ những thiệt hại. Chuyện chưa dứt thì hàng loạt vụ chôn lậu chất thải cũng từ Formosa dúi xuống trang trại vị quan chức ở Kỳ Anh, chôn ở khu nghỉ Thiêm Cầm và chở ra cả Phú Thọ để chôn nhưng cũng chưa thấy luật nghiêm khắc với tội danh nghiêm trọng có trong Bộ luật Hình sự qua thông báo khởi tố vụ án.

Lòng khoan dung là rất cần trong một xã hội. Không hiếm chuyện gia đình bị hại xin miễn tội cho bị can như vụ bà con có người thân bị lật đò ở xã nọ xin tha tội cho anh em lái đò gây ra những cái chết thương tâm chỉ vì họ không cố tình và nạn nhân (tức những người đã mất có thân nhân đang ngồi tại tòa) cũng có lỗi khi cố tình lên đò đã chật chỗ. Không chỉ xin, thân nhân người đã mất còn dúi bánh mỳ, xôi, nước cho bị can ngay tại tòa.

Tất nhiên, những vị liên quan đến đường ống 18 lần vỡ hay Công ty Formosa không phải là 2 anh lái đò nghèo khổ, trót dại nể tình làng nghĩa xóm đã cho bà con lên con đò quá tải! Bao dung kiểu này khiến dư luận dễ thắc mắc và suy diễn!

Nghiêm khắc và bao dung là hai vế cần có trong mọi vụ án nhưng nghiêm khắc với ai, bao dung với ai lại là vấn đề quan trọng hơn để thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.


LÊ QUÝ HIỀN
Ý kiến của bạn