40,8 triệu liều vắc xin mỗi ngày
Chưa bao giờ thế giới chứng kiến một chiến dịch tiêm chủng lớn đến như vậy, đã có hơn 3,14 tỷ liều vắc xin COVID-19 được phân phối trên khắp thế giới. Số vắc xin này đủ để tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 20,4% dân số toàn cầu. Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, mỗi ngày có khoảng 40,8 triệu liều vắc xin được tiêm cho người dân.
Riêng tại Mỹ, tính đến nay, có khoảng 329 triệu liều vắc xin đã được tiêm. Mặc dù tốc độ tiêm chủng vắc xin có chậm lại, nhưng số người được chủng ngừa ở Mỹ vẫn thuộc top đầu thế giới. Hiện trung bình mỗi ngày Mỹ tiêm được 1,09 triệu liều vắc xin. Theo tính toán, với tốc độ này, Mỹ phải mất 5 tháng nữa để vắc xin có thể phủ sóng 75% dân số.
Xét nghiệm COVID-19 - một trong những cách thức phòng ngừa dịch bệnh ở tất cả các quốc gia trên thế giới trong khi nguồn cung vắc xin còn hạn chế
Các số liệu ở trên cho thấy một bức tranh không đồng đều ở nhiều quốc gia, châu lục. Điều này cho thấy có sự thiên lệch trong phân phối vắc xin trên toàn cầu. Các quốc gia và khu vực có thu nhập cao nhất đang tiêm chủng nhanh hơn 30 lần so với các nước thu nhập thấp nhất.
Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tiêm trên toàn cầu mỗi ngày 40,8 triệu liều mỗi ngày, thế giới sẽ phải mất 1 năm nữa để đạt được mức độ miễn dịch cao.
Nơi quá thừa, nơi không có vắc xin
Nghịch lý đã xảy ra trong quá trình phân phối vắc xin. Ở giai đoạn đầu, khi thế giới chưa tìm ra vắc xin ngừa COVID-19, các nước chạy đua tìm kiếm giải pháp ngăn chặn đại dịch. Nhiều nước sẵn sàng đặt hàng vắc xin dù chúng đang trong quá trình nghiên cứu. Tới thời điểm WHO phê duyệt khẩn cấp các loại vắc xin ngừa COVID-19, ngoài quốc gia sản xuất vắc xin, họ dành những liều vắc xin đầu tiên cho người dân của mình, trong khi đó, các quốc gia không có tiềm lực tài chính, hay những nước nghèo, đang phát triển cũng xác định “chấp nhận cuộc chơi”, chờ đợi những liều vắc xin tiếp theo được sản xuất.
Theo Bloomberg, kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng toàn cầu, rất nhiều quốc gia gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vắc xin, bởi việc phân phối vắc xin không công bằng. Cung cấp hàng tỷ liều vắc xin để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trên toàn thế giới là một trong những thách thức lớn nhất từng được thực hiện.
Trong khi tại Mỹ, cứ 100 người thì có 99 liều vắc xin ngừa COVID-19 hay Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất dẫn đầu thế giới, với số lượng tiêm chủng đạt cho 71,8% người dân. Nhưng tại một số quốc gia châu Phi vắc xin trở thành loại sản phẩm quý hiếm, thậm chí có quốc gia chưa biết vắc xin là gì. Người dân tử vong vì COVID-19 nhưng vẫn được coi là “bệnh lạ”.
Theo số liệu của Chính phủ, Nam Phi ghi nhận hơn 2 triệu trường hợp mắc COVID-19 và hơn 60.000 trường hợp tử vong trong đại dịch, trong khi quốc gia này mới chỉ tiêm được cho 3,3 triệu người trong số xấp xỉ 60 triệu dân.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng số lượng vắc xin thấp một phần do sự cố ô nhiễm nguồn nước khiến 2 triệu liều vắc xin dự kiến chuyển về Nam Phi bị tiêu hủy. Thậm chí, Tổng thống Nam Phi đã lên tiếng chỉ trích và gọi đây là nạn “phân biệt chủng tộc về vắc xin” trên toàn cầu. Ông kêu gọi các nhà sản xuất thuốc và các chính phủ đồng minh phương Tây từ bỏ các biện pháp bảo vệ bằng sáng chế để cho phép sản xuất vắc xin khẩn cấp ở nhiều quốc gia.
Chính vì thế, các quốc gia có nguồn lực hạn chế hoặc khó khăn khi tìm nguồn cung vắc xin đành chấp nhận chờ đợi trong khi đó, không còn cách nào khác, họ chỉ có thể sử dụng các biện pháp phòng chống dịch truyền thống để giảm áp lực tối đa cho hệ thống y tế như giãn cách xã hội, phong tỏa tầm khu vực hoặc quốc gia.