Hà Nội

Nghịch lý trong tiêu thụ nông sản: Nội địa mua giá đắt biên giới tắc đầu ra

15-04-2015 10:45 | Tin nóng y tế
google news

Năm nay dưa hấu ùn tắc, nhiều cá nhân, hội, nhóm, Bộ Công Thương tổ chức bán dưa hấu giúp nông dân, vậy khi thanh long, vải thiều… ùn tắc thì sao?

GS. Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển - Đại học Kinh tế quốc dân đã trao đổi với phóng viên ANTĐ xung quanh vấn đề này.

- PV: Thưa GS, dưa hấu ùn tắc dẫn đến hư hỏng, phải đổ bỏ một phần do hoạt động xuất khẩu mặt hàng này với phía Trung Quốc được thực hiện chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Đã đến lúc cần tìm con đường chính ngạch cho dưa hấu sang thị trường Trung Quốc?

- GS. Đặng Đình Đào: Mấy năm gần đây, cứ đến mùa thu hoạch, dưa hấu lại ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Các mặt hàng nông sản này vừa mang tính thời vụ, vừa là hàng tươi sống, không thể kéo dài tình trạng này được. Các bộ, ngành liên quan cần làm việc với phía Trung Quốc để đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông.

- Có ý kiến cho rằng nên thuê nhà tư vấn “ăn ngủ” tại Trung Quốc để tìm cách xâm nhập bài bản vào thị trường này. GS có đồng tình với đề xuất?

- Đã đến lúc phải tìm hiểu để có giải pháp phù hợp, chấm dứt việc ách tắc nông sản ở cửa khẩu như những năm qua. Để xuất khẩu chính ngạch thì vướng mắc nằm ở phía Việt Nam hay Trung Quốc? Bộ Công Thương phải chủ trì, chỉ đạo, tư vấn Sở Công Thương các địa phương để vừa có quy hoạch cây trồng hợp lý, vừa chủ động làm việc với các thị trường xuất khẩu để đưa nông sản chính ngạch sang. Xa hơn nữa là tìm hiểu các thị trường xuất khẩu khác, không phải năm nào cũng đưa dưa hấu lên biên giới rồi đổ bỏ, trong khi nội địa nhiều vùng không có dưa để ăn.

- Ùn tắc xảy ra một phần do quy hoạch nông sản bị phá vỡ. Quy hoạch nông sản cần được tổ chức lại, thưa GS?

- Tôi không đồng tình với quan điểm “quy hoạch vỡ”, đổ trách nhiệm lên vai người nông dân. Vùng nào có lợi thế gieo trồng loại cây nào thì cần được tạo điều kiện phát triển. Trách nhiệm của ngành công thương là phải tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm. Công tác thị trường còn quá kém, để người dân ùn ùn mang dưa hấu, thanh long, vải thiều lên biên giới bán, bị ép giá nhưng trong nội địa nhiều nơi người dân còn không có để ăn.

- Như vậy có nghĩa công tác điều phối thị trường chưa tốt, thưa GS?

- Ngay tại thị trường Hà Nội, giá dưa hấu vẫn rất cao. Hay như với quả bơ, người tiêu dùng rất thích. Tại Tây Nguyên và Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, giá bán bơ loại 1 chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, ra tới miền Bắc lại rất cao, 40.000 - 60.000 đồng/kg, đi sâu vào nhiều vùng dân cư không có bơ để mua. Đây là lỗ hổng của lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” rất tốt, nhưng mới chỉ dừng lại ở hàng công nghiệp, chưa thấy vận động đến hàng nông sản. Điều này là bất hợp lý.

- Theo GS, phát triển thị trường trong nước là giải pháp quan trọng giúp giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản khi thông quan như hiện nay?

- Thị trường trong nước có hơn 90 triệu dân, nông sản rất cần cho những người tiêu dùng này. Hoa quả vào mùa nóng càng cần thiết và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, tôi cho rằng Bộ Công Thương chưa chú ý đến thị trường nội địa. Việt Nam có thế mạnh về trồng các loại nông sản này nên cần làm tốt khâu phân phối trong nước trước, để người tiêu dùng trong nước được mua nông sản với giá hợp lý thay vì dồn vào xuất khẩu. Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trước hết là ở những chỗ như thế này.

- Xin cảm ơn GS!

Theo An ninh Thủ đô

 


Ý kiến của bạn