Nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’, chủ đầu tư nói gì?

01-07-2022 11:49 | Xã hội

SKĐS - Theo cam kết, Công ty Vinasing sẽ đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng để được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt ở Hà Nội thế nhưng đến nay số lượng công trình được đưa vào sử dụng là… 87.

Sau khi Báo Sức khỏe & Đời sống đăng tải bài viết: Nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô "cửa đóng, then cài" (ngày 28/6/2022), phía chủ đầu tư dự án "hệ thống Nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội" là Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) đã phối hợp với đơn vị quản lý là Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Công ty URENCO) thực hiện kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh.

Theo đó, liên tiếp vào hai ngày 29 và 30/6, Công ty Vinasing đã tiến hành khảo sát tất cả hệ thống nhà vệ sinh công cộng nằm trong dự án được phía đơn vị thực hiện từ năm 2017. 

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 1.

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 2.

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 3.

Sau khi Báo Sức khoẻ & Đời sống phản ánh, trong ngày 30/6, nhiều nhà vệ sinh tại các khu vực phố Xã Đàn, Kim Mã, Hàm Nghi, đường Hoàng Hoa Thám... (Hà Nội) đã được mở cửa để phục vụ người dân.

Cụ thể, cuối năm 2016 Công ty Vinasing được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư 1.000 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc hoặc inox phục vụ cộng đồng. Đổi lại, Công ty Vinasing được phép khai thác quảng cáo trên hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ. 

Thế nhưng trên thực tế, công ty này đã khai thác quảng cáo, thu lợi nhiều năm qua nhưng tiến độ xây dựng nhà vệ sinh công cộng thì ì ạch. Tính đến thời điểm ngày 1/7/2022, sau 5 năm triển khai, Công ty Vinasing mới xây dựng và đưa vào hoạt động 87 nhà vệ sinh công cộng.

UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu Công ty Vinasing hoàn thiện lắp đặt nhà vệ sinh công cộng, xe bồn chuyên dụng, cây lọc nước uống trực tiếp và ghế gang đúc theo đúng cam kết nhưng công ty này chỉ khất lần là liên tục xin… giảm bớt số lượng.

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 4.

Nhà vệ sinh thông minh vì nhiều lý do vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Theo phía công ty Vinasing, dù không hoạt động nhưng nhà vệ sinh vẫn được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Đảm bảo tình trạng tốt nhất để đưa vào sử dụng bất cứ lúc nào.

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 5.

Hệ thống đường ống thoát nước của nhà vệ sinh công cộng trên đường Lê Duẩn, gần công viên Thống Nhất đang được sửa chữa sau một thời gian gặp trục trặc. Bên ngoài nhà vệ sinh cũng đã được sơn mới, sẵn sàng để tiếp tục được sử dụng.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Lê Quý Hòa, Giám đốc Công ty Vinasing cho biết: "Sau khi nhận được thông tin phản ánh và có ý kiến của Sở Xây dựng Hà Nội, chúng tôi đã kiểm tra và sẽ sơn lại đối với những nhà vệ sinh công cộng có tình trạng bong tróc lớp sơn phủ. Còn đối với những công trình bị ảnh hưởng do hệ thống điện, nước thì cần phải có thời gian để nghiên cứu, khắc phục".

"Về việc một số nhà vệ sinh bị khóa cửa theo như báo chí phản ánh, phía công ty Vinasing đã giao toàn bộ quyền quản lý cho Công ty URENCO. Nên việc đóng, mở và vận hành nhà vệ sinh như thế nào là trách nhiệm của Công ty URENCO. Vinasing sau khi bàn giao nhà vệ sinh chỉ thực hiện các đợt kiểm tra định kỳ hoặc sửa chữa lớn", ông Hòa lý giải.

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 6.

Giám đốc công ty Vinasing cho biết: “Hệ thống nhà vệ sinh công cộng sau khi đã được bàn giao cho công ty URENCO thì việc có hoạt động hay không do đơn vị này chịu trách nhiệm”.

Nói về hệ thống nhà vệ sinh thông minh (ToiletSmartPublic) đã xây dựng nhưng không hoạt động, ông Hòa cho hay - đến thời điểm hiện tại mẫu nhà vệ sinh này vẫn chưa được các cấp có thẩm quyền của Hà Nội thông qua nên chưa thể đưa vào sử dụng.

Cũng theo ông Hoà, dự kiến ban đầu, Công ty Vinasing sẽ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa nhằm phục vụ nhu cầu người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị tuy nhiên đến nay Sở Xây dựng TP Hà Nội đã đồng ý cho chủ đầu tư rút xuống còn… 300 nhà vệ sinh công cộng.

Lý giải về việc sau 5 năm triển khai mới xây dựng được 87 nhà vệ sinh công cộng, Giám đốc Công ty Vinasing nói rằng: Do dịch COVID-19 bùng phát; Do nhiều thiết kế nhà vệ sinh mà công ty trình lên Sở Xây dựng TP Hà Nội không được thông qua; Do nhiều khu vực áp lực nước rất kém nên không thể lắp đặt…

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 7.

Chủ đầu tư nói về nghịch lý nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô ‘cửa đóng, then cài’ - Ảnh 8.

Đơn vị quản lý cho rằng việc không mở cửa 24/24 để bảo vệ tài sản bên trong các nhà vệ sinh công cộng?.

Trong khi đó, lãnh đạo Công ty URENCO thông tin, theo quy định của công ty, nhà vệ sinh công cộng sẽ được mở cửa từ 6 giờ sáng và luôn có một nhân viên túc trực gần khu vực đó. Công ty sẽ nhắc nhở những nhân viên có nhiệm vụ túc trực tại khu vực mà báo chí phản ánh luôn "cửa đóng, then cài" để khắc phục. Trước mắt, URENCO đã kiểm tra và cho mở cửa lại toàn bộ những nhà vệ sinh công cộng đã lắp đặt, đủ điều kiện sử dụng để phục vụ người dân.

Theo quy định, chủ đầu tư phải bàn giao 2/3 (70%) số nhà vệ sinh mới được phép quảng cáo nhưng thực tế suốt nhiều năm qua Công ty Vinasing chưa hoàn thành cam kết với TP Hà Nội nhưng đã khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới.

Năm 2019, trong quá trình kiểm tra, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã phát hiện một số vi phạm khi Công ty Vinasing lắp đặt biển và quảng cáo trên cầu vượt như thực hiện nội dung khi chưa được chấp thuận, hết thời hạn thực hiện chưa kịp thời tháo dỡ nội dung quảng cáo...

Theo quy định, chủ đầu tư phải bàn giao 2/3 (70%) số nhà vệ sinh mới được phép quảng cáo nhưng thực tế suốt nhiều năm qua Công ty Vinasing chưa hoàn thành cam kết với TP Hà Nội nhưng đã khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới. Ảnh chụp ngày 1/7/2022.

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Công ty Vinasing nghiêm túc thực hiện đúng quy định; cùng với đó Thanh tra Sở đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư với tổng số tiền 70 triệu đồng.

Theo đánh giá, với số lượng mặt cầu vượt đi bộ Công ty Vinasing được thực hiện dịch vụ quảng cáo như hiện nay thì chỉ cần khoảng 1-3 năm là thu đủ vốn chứ không phải đến 10 năm như kế hoạch ban đầu.

Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


Thành Long
Ý kiến của bạn