Nghịch lý

27-07-2014 19:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang lo cho dân đi xuất khẩu lao động. Chuyện rất bình thường khi công nhân ta ra nước ngoài để tìm công ăn việc làm bởi tại địa phương họ không thể có công việc.

Nhiều tỉnh thành trên cả nước đang lo cho dân đi xuất khẩu lao động. Chuyện rất bình thường khi công nhân ta ra nước ngoài để tìm công ăn việc làm bởi tại địa phương họ không thể có công việc. “Sểnh nhà ra thất nghiệp”, phải xuất ngoại để tìm việc là chuyện chẳng đừng khi mà người lao động được làm việc tại quê nhà, gần gia đình chắc chắn là tốt hơn cả về tình cảm lẫn tiết kiệm tiền nong. Thế nhưng lại có nghịch lý đến khó hiểu là người Việt ra nước ngoài tìm việc còn người Trung Quốc lại ồ ạt vào ta để kiếm việc!

Ở Hà Tĩnh, theo thống kê, trong năm 2013, cơ quan hữu quan trong tỉnh đã hết sức cố gắng đưa được  5.300 người đi làm việc ở nước ngoài nhưng người nước ngoài, cụ thể là lao động “chui” lẫn có đăng ký từ Trung Quốc tràn vào tỉnh này lại tìm việc ở đây với con số 3.250! Trong tổng số công nhân Trung Quốc đang làm việc tại tỉnh thì có tới 1.910 là lao động “chui”!

Ở Trà Vinh đang phải chi 10,6 tỉ đồng trả trợ cấp thất nghiệp cho 1.749 người địa phương thì UBND tỉnh lại cấp phép cho một doanh nghiệp Trung Quốc đưa tới hơn 2.100 công nhân nước họ vào làm việc tại một nhà máy điện! Mà 2.100 công nhân Trung Quốc này cũng hầu hết là lao động phổ thông!

Bộ luật Lao động được sửa đổi, Nghị định 102/2013/NĐ-CP, rồi Thông tư 03/2014/TT-BLĐTBXH ra đời (có hiệu lực từ 10/3/2014) nhưng việc quản lý đối với lao động nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc vẫn không sáng sủa hơn. Rõ ràng chuyện dư luận băn khoăn việc hàng nghìn lao động không phép làm việc trong các dự án trọng điểm, các khu kinh tế lớn là có thật. Nhưng nguyên nhân không phải không có những quy định luật pháp cụ thể mà phải chăng những bất cập, lộn xộn trong quản lý lao động người nước ngoài này không nằm ở các quy định luật pháp mà ở ý chí của chính quyền địa phương, của những người nắm quyền quản lý trực tiếp?

Ví dụ nghịch lý vừa dẫn trên ở Trà Vinh được chính quyền tỉnh cho rằng phải cấp phép cho lao động Trung Quốc là do không tuyển được lao động địa phương! Cách giải thích này khó thuyết phục được công luận, tuyển được vài nghìn lao động người địa phương (kể cả lao động đơn giản và lao động có tay nghề) cho một nhà máy điện lại khó đến thế sao. Khó là do thiếu lao động thực sự, do thiếu hệ thống các trường nghề và trung tâm giới thiệu việc làm của địa phương, hay do cơ quan tham mưu về lao động của tỉnh cũng như các cơ quan hữu quan làm chưa hết trách nhiệm?

Ở một góc độ khác, chuyện cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đôi khi không sẵn sàng cho nhập khẩu lao động trình độ cao, nhưng lại “vô tư” tạo điều kiện cho lao động phổ thông nước ngoài thoải mái cạnh tranh với lao động trong nước cũng là một nghịch lý. Không ít doanh nghiệp công nghệ cao hoặc các cơ sở đào tạo bị gây khó dễ trong việc tiếp nhận lao động trình độ cao người nước ngoài do địa phương vận dụng các quy định hành chính cứng nhắc về kinh nghiệm công tác, lý lịch tư pháp trong khi lao động phổ thông Trung Quốc chui và không chui cứ ồ ạt nhập vào có điều gì đó không bình thường nếu không muốn nói là bất thường.

Trách địa phương nhưng cũng nên trách cả cơ quan quản lý cấp cao hơn! Theo luật pháp hiện hành, việc quản lý, cấp phép cho lao động nước ngoài được phân cấp cho các địa phương. Nhưng không lẽ cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về lao động là Bộ LĐ-TB&XH lại không chịu trách nhiệm gì về những lộn xộn, bất cập trên? Với cương vị quản lý của mình, Bộ LĐ-TB&XH nếu phát hiện những quy định của pháp luật còn thiếu hoặc chưa rõ thì bổ sung. Sự điều hành từ Bộ đến Sở chưa tốt thì phối hợp và giám sát, phát hiện sự khuất tất, vi phạm pháp luật nếu có để  bảo đảm chế tài.

Những nghịch lý trong quản lý lao động nước ngoài vẫn đang tồn tại. Xóa nghịch lý này thiết nghĩ phải đặt trách nhiệm cá nhân trong từng khâu, cấp quản lý sẽ là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết mọi nghịch lý đầy lộn xộn hiện nay.

Lưu Thủy


Ý kiến của bạn