Nghịch lý EVN báo công xả nước, vô can xả lũ

18-02-2014 09:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Câu chuyện gần đây nhất người dân chờ đợi thủy điện bồi thường vì xả lũ lên đầu thì Bộ Công Thương lại ra công văn trả lời khẳng định thủy điện “vô can” trong việc thiệt hại các trận đại hồng thủy năm 2013.

Câu chuyện gần đây nhất người dân chờ đợi thủy điện bồi thường vì xả lũ lên đầu thì Bộ Công Thương lại ra công văn trả lời khẳng định thủy điện “vô can” trong việc thiệt hại các trận đại hồng thủy năm 2013.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thực hiện ba đợt xả nước từ các hồ thủy điện Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2013-2014 ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Dòng Vu Gia trơ đáy vào mùa khô khi thủy điện ĐắkMi 4 tích nước.

Dòng Vu Gia trơ đáy vào mùa khô khi thủy điện ĐắkMi 4 tích nước.

Tờ Vietnam đưa tin, đó có gần 5,8 tỷ m3 nước đã được xả qua cả ba đợt; trong đó từ hồ Hòa Bình là 3,86 tỷ m3 , từ hồ Tuyên Quang là 1,17 tỷ m3 và từ hồ Thác Bà là 0,74 tỷ m3.

Đánh giá của EVN cũng cho thấy sau ba đợt xả, về cơ bản các địa phương đã lấy đủ nước, phần diện tích chưa có nước đều không phụ thuộc vào xả nước của hồ thủy điện hoặc đã có phương án giải quyết.

Tuy nhiên, do thời tiết khô hanh vào khoảng thời gian trước xả nước đợt một nên diện tích có nước trước xả nước đợt một rất thấp (8,7% so với 26,8% năm 2013). Theo đó, kết quả lấy nước sau mỗi đợt xả năm 2014 đều thấp hơn năm 2013 mặc dù lưu lượng xả trung bình của các hồ thủy điện cao hơn năm 2013.

Liên quan đến câu chuyện thủy điện xả nước mùa cạn, mới đây khi góp ý về quy trình vận hành liên hồ chứa, trong đó có liên quan đến thủy điện Đăk Mi 4,Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa lại các thông số để tránh việc khi mùa cạn người dân ở hạ du không có nước để sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên góp ý này đã không được tiếp nhận và ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Trưởng ban PCLB&TKCN TP Đà Nẵng tỏ ra vô cùng bức xúc. Ông cho biết, nếu vẫn cứ giữ quy định này thì chắc chắn vào mùa cạn người dân hạ du sẽ bị thiếu nước. Khi đó Đà Nẵng sẽ kiện người đặt ra quy định và kiện cả người gây thiếu nước cho người dân hạ du.

Lý giải về phát biểu của mình, ông Thắng cho biết vốn dĩ từ trước tới nay thủy điện luôn được ưu tiên thay vì phải lưu tâm tới người dân hạ du.

Minh chứng cho điều này chính là câu chuyện gần đây nhất người dân chờ đợi thủy điện bồi thường vì xả lũ lên đầu thì Bộ Công Thương lại ra công văn trả lời khẳng định thủy điện “vô can” trong việc thiệt hại các trận đại hồng thủy năm 2013.

Cụ thể, Bộ Công Thương gửi công văn trả lời cử tri Quảng Nam, cho rằng “việc xem xét trách nhiệm của các nhà máy thủy điện trong việc bồi thường thiệt hại do lũ lụt là chưa có cơ sở”.

Bộ Công Thương cho rằng, các hồ chứa thủy điện lớn ở Quảng Nam đã thực hiện đúng theo Quy trình vận hành liên hồ chứa (hồ A Vương, Sông Tranh 2 và hồ Đắk Mi 4) và Quy trình của từng hồ đã được phê duyệt, không gây thêm lũ cho hạ du, đã góp phần cắt giảm đỉnh lũ và lượng nước lũ về hạ du trên các sông, mặc dù các hồ chứa này không có nhiệm vụ chống lũ.

Do vậy, ông Thắng cũng lo ngại nếu quy trình mùa cạn được duyệt thì sau người dân hạ du có bị thiếu nước thì thủy điện vẫn là đúng quy trình.

 

 


Ý kiến của bạn