Nghịch lý đầu tư của cầu lông Việt Nam kinh phí cho cả bộ môn chỉ bằng Tiến Minh

06-05-2016 16:57 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Rất bi hài vì tổng đầu tư của ngành thể thao cho môn cầu lông trong năm 2016 chỉ là 50.000 USD, ngang khoản tài trợ 1 tỷ đồng ngôi sao Tiến Minh mới nhận được.

Cả môn cũng chỉ 50 nghìn USD

Tại buổi công bố tài trợ trị giá 1 tỷ đồng của thương hiệu thể thao Mizuno hàng đầu Nhật Bản cho Tiến Minh, khi được hỏi về mức đầu tư cho ngành thể thao, ông Trưởng bộ môn Lê Thanh Hà đã phải ngập ngừng mãi mới đưa ra con số 50.000 USD. Đơn giản vì nó quá thấp, đặc biệt với một môn có phong trào phát triển bậc nhất, sở hữu 2 gương mặt sáng giá Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang. Càng đáng nói hơn khi ông Hà cũng phải phân trần rằng, đó cũng đã là một ưu tiên của ngành thể thao từ nguồn kinh phí chung eo hẹp. Cầu lông dù sao cũng chỉ xếp nhóm 2, sau 5 môn thế mạnh hàng đầu của thể thao Việt Nam.

Kể từ khi Minh vươn tới đỉnh cao thế giới và sau đó là Trang, cầu lông đã trở thành môn đại chúng bậc nhất, nổi bật cả về nền tảng lẫn mũi nhọn. Tuy nhiên, môn này chưa bao giờ nhận được đầu tư vượt mức 50.000 - 60.000 USD mỗi năm. Khoản kinh phí này gần như được “mặc định” cho bộ môn cầu lông. Dù biết rằng môn mình chịu nhiều thua thiệt so với mặt bằng chung, song bộ môn luôn xác định phải tìm mọi cách để khắc phục, sử dụng khoản tiền khiêm tốn sao cho hiệu quả nhất.

Hiện tại, cầu lông nước ta sở hữu hai gương mặt sáng giá là Tiến Minh và Vũ Thị Trang.

Bằng một hợp đồng tài trợ của Tiến Minh

Có thể thấy chuyện tổng đầu tư từ Nhà nước cho một môn hàng đầu về nhiều mặt như cầu lông chỉ 50.000 USD, ngang với khoản tài trợ 1 tỷ đồng của Tiến Minh thực sự vẫn là một nghịch cảnh. Khoản kinh phí tương ứng trên 1,2 tỷ đồng đó mới đáp ứng được phân nửa nhu cầu tập huấn, thi đấu của ĐT Trẻ và ĐTQG. Chính xác hơn, nó chưa đủ cho 2 tay vợt trọng điểm Minh và Trang.

Nếu chỉ dựa vào nguồn bao cấp, có lẽ các mục tiêu đào tạo VĐV, vươn ra quốc tế, mở rộng và nâng chất các giải đấu của cầu lông Việt Nam đã bế tắc từ lâu. Rất may, một vài tài năng như bộ đôi Minh, Trang có sự hậu thuẫn đắc lực từ các nhà tài trợ, đơn vị chủ quản nên có sự đảm bảo tương đối tốt cho phát triển. Trong mảng quan trọng bậc nhất này, ngành thể thao chỉ cố gắng hỗ trợ một phần. Cũng nhờ Liên đoàn Cầu lông Việt Nam đã có thể tự chủ nên cơ quan quản lý nhà nước gần như không phải lo kinh phí tổ chức các giải đấu.

Ngay như năm 2016, với 50.000 USD, các nhà quản lý cầu lông xác định dành một nửa để tập trung cao độ cho 2 tuyển thủ giành suất Olympic Minh - Trang thi đấu quốc tế nhằm tích lũy điểm và cọ sát đỉnh cao. Phần còn lại chỉ đủ để ĐTQG dự tranh 2-3 cuộc đấu quốc tế chính thức khác với số lượng tuyển thủ khiêm tốn. Bộ môn cầu lông không còn nguồn nào để hỗ trợ việc tập huấn, thi đấu cho nhiều tay vợt trẻ tuyến dưới. Họ có đủ tiềm năng và sức vươn, song gần như đang phải tập “chay” quanh năm suốt tháng.

Từ cách làm hiện tại gắn với sự bó buộc về kinh phí ngay từ ngành thể thao, có thể thấy, cầu lông Việt Nam rơi vào một vòng luẩn quẩn ở mảng thành tích cao. Phía sau Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang, chưa thấy tay vợt trẻ nào có đủ khả năng, điều kiện để lọt được vào Top 50 chứ chưa nói đến đẳng cấp hàng đầu thế giới như Minh.

Kinh phí cả môn thua một bản hợp đồng tài trợ của 1 VĐV - đó có thể là một điều đáng mừng cho cá nhân cụ thể, nhưng lại là nỗi đau của cả một môn thể thao.

“Mất” Tiến Minh, cầu lông chẳng còn gì

Tiến Minh đã chắc một suất chính thức tới Olympic 2016, trở thành tuyển thủ Việt Nam duy nhất 3 lần dự tranh đấu trường quốc tế đỉnh cao. Tuy nhiên, tay vợt 33 tuổi này đang ở sườn dốc của sự nghiệp, với phong độ ngày càng sa sút. Theo kế hoạch, Minh sẽ chia tay nghiệp đấu từ năm sau.

“Mất” Tiến Minh, cầu lông Việt Nam chẳng còn gì để thi thố với quốc tế. Qua những gì đã thể hiện, có thể khẳng định tay vợt nữ đang đứng trong Top 50 thế giới Vũ Thị Trang sẽ không bao giờ đạt tới đẳng cấp của đàn anh. Mà bản thân Trang cũng đã là một ngoại lệ của môn này, nhất là trong tình cảnh các tài năng trẻ Cao Cường, Hà Anh, Thu Huyền “lớn” quá chậm.

Xét trong cách nghĩ cách làm hiện tại của ngành thể thao, để có được thêm một tài năng đặc biệt như Liêm hay Minh thực sự rất khó, nếu không muốn nói là không thể trong nhiều năm tới. Cả một quy trình từ phát hiện, đào tạo, đãi ngộ VĐV đều giống như “lúa trời”, chỉ trông chờ vào sự may rủi. Ngay Tiến Minh, khi đã bước ra thế giới cũng chưa hề được chăm lo, đầu tư đến nơi đến chốn, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Phải thừa nhận một thực tế, với TTVN sự xuất hiện của một vài “con độc” như Tiến Minh cũng đã quá may mắn.


Xuyến Chi
Ý kiến của bạn