Nghịch lý chương trình truyền hình

24-07-2020 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong khi không ít chương trình, gameshow giải trí dính sạn lên sóng truyền hình khiến khán giả ngán ngẩm, thì các chương trình đầy tính nhân văn, truyền năng lượng tích cực lại “giữa đường đứt gánh”. Nghịch lý này khiến công chúng không khỏi hụt hẫng...

Trên truyền hình hiện có nhiều gameshow, chương trình truyền hình thực tế gồm ca nhạc, hài, se duyên, thử thách... làm khán giả bị nghẹn vì để lại sạn. Những Kèo này ai thắng, Lựa chọn trái tim, Nữ hoàng quyến rũ, Ơn giời cậu đây rồi, Ngôi sao tình yêu, Người giấu mặt, Giải mã kỳ tài, Vợ chồng son... “câu” người xem bằng những hình ảnh hở hang, khoe thân phản cảm hoặc chi tiết gợi dục, chuyện đời tư của người tham gia. Trong cuộc đua chương trình giải trí đang bão hòa, có nhà sản xuất đã sáng tạo hoặc mua bản quyền nhiều chương trình không phù hợp với văn hóa người Việt để câu view, lôi kéo khán giả tăng rating (tỷ suất người xem).

Gần đây, VTV thông báo dừng chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly sau 13 năm lên sóng. Theo nhà báo Thu Uyên - người đồng hành với chương trình từ những ngày đầu tiên, lý do Như chưa hề có cuộc chia ly phải dừng lại vì cạn nguồn tài trợ. Công chúng đã rất tiếc nuối khi đón nhận thông tin này, vì 13 năm qua, chương trình đã trở thành điểm hẹn của nhiều khán giả. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi vì xúc động khi những mảnh đời bất hạnh tìm lại được máu mủ tình thân, tìm lại được quê hương nguồn cội.

Theo ca sĩ Hà Anh Tuấn, Như chưa hề có cuộc chia ly không phải là show, mà là một câu chuyện văn hóa đại diện cho bản sắc hướng thiện của người Việt Nam. Tất cả những cuộc đoàn tụ ở 134 số đã phát sóng là cái kết có hậu cho biết bao nhiêu số phận buồn của đồng bào, mà phần lớn do chiến tranh gây ra. Và để chung sức giữ lại chương trình, Hà Anh Tuấn là người đầu tiên ủng hộ cho Như chưa hề có cuộc chia ly 3 tỷ đồng.

chương trình truyền hìnhNhư chưa hề có cuộc chia ly với những cuộc đoàn tụ đậm tính nhân văn vừa thông báo dừng lại sau 13 năm lên sóng.

Chương trình Trở về từ ký ức, bao gồm các phần: Phóng sự - Trò chuyện - Thông báo và Tư vấn/Tương tác, sau 3 năm với 39 số phát sóng, chương trình ngưng, để lại nhiều tiếc nuối trong lòng khán giả. Qua chương trình, những cựu chiến binh có thể tìm thấy gia đình của liệt sĩ để thông báo thông tin. Những người dân, nhân chứng có thể gọi đến chương trình để cho biết họ đã tình cờ phát hiện hài cốt, kỷ vật của liệt sĩ mà chưa biết danh tính hoặc chưa biết cách nào để báo cho thân nhân... Điểm độc đáo nhất của Trở về từ ký ức là sự tương tác với khán giả trực tiếp trong thời gian phát sóng, từ đó sẽ có những liệt sĩ “vô danh” được trả lại tên ngay trong chương trình truyền hình trực tiếp.

Sau 11 năm lên sóng, chương trình Ngôi nhà mơ ước cũng đã dừng lại. Chương trình đã đem đến 541 ngôi nhà mơ ước được xây dựng. Chủ nhân của những ngôi nhà mới khang trang có khi là những người lính kháng chiến giờ sức khỏe suy yếu, là những người lao động lam lũ quanh năm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau,... Cũng có khi là người bị tâm thần, hoặc lụi tàn với một cơ thể đang yếu dần trong cơn suy thận, suy tim...

Khán giả cũng không khỏi tiếc nuối khi Vượt lên chính mình - chương trình với những vòng xóa nợ cho người nghèo, Lục lạc vàng giúp nhiều hộ gia đình trên khắp mọi miền đất nước có được những cặp bò đáng quý để tăng gia sản xuất... đến nay đã không còn trên truyền hình và trở thành hoài niệm.

Cảm xúc tiếc nuối, xót xa cho những chương trình mang tính nhân văn, gây rung động trong xã hội là điều không thể phủ nhận với nhiều người. Tuy không mang lại lợi nhuận như các show giải trí nhưng Trở về từ ký ức, Như chưa hề có cuộc chia ly, Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình rất có ích, giá trị sâu xa cho người xem. Vậy tại sao chúng ta, mà đại diện là Đài truyền hình Việt Nam - không duy trì và có nhiều hơn những chương trình này, giúp mọi người biết yêu, biết cảm thông, chia sẻ với nhau?!


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn