Hội nghị có sự tham gia của hơn 700 điểm cầu truyền hình tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các quận/huyện/thị xã/ thành phố trực thuộc tỉnh; hơn 12.000 đại biểu của cả nước tham dự.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay vẫn tồn tại một thực tế là người dân chưa tin tưởng trạm y tế (TYT) xã nên vượt tuyến không cần thiết. Có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện.
41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã.
"Chúng tôi thị sát tại bệnh viện Bạch Mai, hỏi bệnh nhân bị tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 cũng xếp hàng đổ dồn lên trung ương khám, trong khi tuyến dưới hoàn toàn có thể quản lý, cấp phát thuốc cho bệnh nhân được...
Có bệnh nhân đái tháo đường lại nói ở tuyến dưới không có thuốc này. Tại sao không đưa thuốc bảo hiểm này được xuống tuyến dưới. Đây là một bất cập giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội”- Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mạn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Nhân rộng mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình
Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành y tế phải quyết liệt nhân rộng nhanh mô hình trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình. 10 năm tới sẽ phải hình thành mạng lưới y tế cơ sở phủ gần khắp toàn quốc. Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn dân, chúng ta phải tăng cường y tế cơ sở mà mô hình đơn giản nhất là sẵn có TYT xã/phường.
Bộ trưởng cho biết, để hiện thực hóa Nghị quyết 20, 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, công tác dân số trong tình hình mới, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực để bảo đảm các chỉ tiêu đã giao.
Năm 2017, Bộ Y tế triển khai thí điểm tại 26 TYT thuộc tám tỉnh, thành. Bằng sự đầu tư đồng bộ về trang thiết bị, đào tạo chuyên môn, bổ sung bác sĩ cho TYT xã/phường, bổ sung danh mục kỹ thuật, thuốc… đến nay, nhiều TYT xã/phường điểm đã có những thành quả rất tích cực.
“Với chính sách BHYT, cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị khá đồng bộ, chuyển giao được nhiều kỹ thuật, gắn bảo hiểm thụ hưởng tốt, bước đầu TYT xã/phường cũng đã thu hút được người bệnh đến khám và điều trị. Một số TYT xã tại Ba Vì, Bạc Liêu, Đồng Tháp họ làm xã hội hóa rất tốt, thu hút 100 người khám/ngày”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Cũng theo vị tư lệnh ngành y tế, Việt Nam là một điểm đến của nhiều nước đang phát triển trên thế giới khi được đánh giá sở hữu một hệ thống y tế địa phương bài bản. Với nhiệm vụ trong công tác dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc bà mẹ trẻ em, dinh dưỡng và giờ khám chữa bệnh BHYT, việc lồng ghép nguyên lý y học gia đình với mô hình bác sĩ gia đình rất thuận lợi để triển khai chăm sóc sức khỏe người dân tuyến đầu.
Nhiều trạm y tế đã thu hút được người dân tin tưởng đến khám bệnh. Ảnh minh hoạ.
Tuyến trung ương tập trung làm kỹ thuật cao, tuyến cơ sở cần tăng cường nhân lực
Hiện nay có bệnh viện tuyến Trung ương khám tới 5.000 - 6.000 người/ngày trong khi tuyến xã chỉ khám cho 2-3 người/ngày.
Từ thực tiễn đó, tại hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các cơ sở y tế tuyến Trung ương tập trung làm kỹ thuật cao, phải giảm từ khám 5.000 - 6.000 người/ngày xuống dưới 4.000 người/ngày. Bên cạnh đó, các Sở Y tế cần phải đưa nhân lực xuống TYT xã và Trung tâm y tế huyện, đẩy danh mục kỹ thuật, thuốc xuống TYT xã, phường.
Hiện nay, mới có 36/63 tỉnh, thành có kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo tỉnh, huyện để triển khai Quyết định 2348 của Bộ Y tế về đưa mục tiêu Nghị quyết 20, 21 vào y tế cơ sở. Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế 27 tỉnh/thành còn lại phải tham mưu cho chính quyền địa phương nhanh chóng xây dựng đề án.
Bộ trưởng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn mới của các TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, mạn tính với các bệnh tiểu đường, huyết áp, hen phế quản…
Sở Y tế sớm phê duyệt danh sách danh mục kỹ thuật, thuốc tại TYT xã, làm việc với BHXH tỉnh để thanh toán. Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân hiểu thêm về vai trò của y tế cơ sở…
Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá cao nước ta là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về y tế. Việc quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại YTCS bước đầu có kết quả tích cực, đã quản lý: 13,6% người bệnh tăng huyết áp; 28,9% người bệnh đái tháo đường
Lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã thí điểm và đạt khoảng 80% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe.
Phát triển mô hình phòng khám bác sỹ gia đình ở khu vực đô thị; Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh/TP.
Về khám, chữa bệnh: Đề án 1816, vệ tinh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật Số lượng, chất lượng dịch vụ tăng. Gần 80% người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại YTCS (huyện: 47%, xã: 33%). Khoảng 70% số lượt KCB BHYT tại YTCS (huyện: 50%, xã: 20%). Chỉ số PAPI 2016, 2017: hài lòng của người sử dụng dịch vụ về chất lượng bệnh viện tuyến huyện tăng.