Nghịch cảnh phim truyền hình

28-01-2011 09:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhìn lại toàn cảnh phim truyền hình (PTH) VN năm qua, bên cạnh sự phong phú về đề tài, có nhiều phim hay về mảng đề tài chính luận, dàn diễn viên với nhiều gương mặt mới, xuất hiện nhiều nhà sản xuất mới, một số đài truyền hình tỉnh lẻ phía Nam mạnh dạn đầu tư cho phim Việt… thì kèm theo đó cũng nảy sinh không ít bất cập…

Nhìn lại toàn cảnh phim truyền hình (PTH) VN năm qua, bên cạnh sự phong phú về đề tài, có nhiều phim hay về mảng đề tài chính luận, dàn diễn viên với nhiều gương mặt mới, xuất hiện nhiều nhà sản xuất mới, một số đài truyền hình tỉnh lẻ phía Nam mạnh dạn đầu tư cho phim Việt… thì kèm theo đó cũng nảy sinh không ít bất cập…

Phim cả trăm tỷ đồng bị hoãn chiếu

Cho tới lúc này, hai bộ phim dài tập có thể đầu tư kinh phí vào hàng bậc nhất là Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long và Thái sư Trần Thủ Độ đều chưa có lịch lên sóng, dù cả hai phim hoàn thành từ trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long sau khi nhận những chỉ trích mạnh mẽ vì lai nhiều, xuất phát từ trailer, cùng với những ý kiến của hội đồng duyệt phim khiến nhà sản xuất hết sức cay đắng. Bỏ ra cả trăm tỷ đồng, lặn lội bầu đoàn sang Trung Quốc quay suốt mấy tháng, nguy hiểm suýt mất mạng, về VN quay tiếp rồi đến lúc bị… dư luận “quay”. Kỳ vọng “xuất khẩu” bộ phim này, nhưng ngay cả việc phát hành trong nước cũng chưa được phép, liệu Công ty Trường Thành năm nay có “cải số” được cho bộ phim này?

Một cảnh trong bộ phim Nếp nhà.

Thái sư Trần Thủ Độ do TP. Hà Nội đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, kế hoạch phát sóng vào dịp Đại lễ nhưng đến giờ vẫn chưa ra mắt. Nhiều ý kiến không đồng tình phát phim về Trần Thủ Độ trong dịp Đại lễ tôn vinh Vua đời Lý… có lẽ khiến Hà Nội nghĩ lại.

Hình thức thể hiện mới nhưng… nhiều cái cũ

Bí mật Eva được coi là bộ phim chick flick đầu tiên lên sóng. Đây là thể loại phổ biến ở các nước phát triển: những nhân vật trung tâm là phụ nữ, truyện phim xoay quanh cuộc sống của họ, đề cập đến những vấn đề phụ nữ quan tâm như tình yêu, gia đình, làm đẹp, thời trang… Bộ phim tạo được sức hút đáng kể, không chỉ với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, diễn viên trong phim lại nhàm chán khi có đến hai người thủ vai nhân vật chính (Thu Hạnh và Nguyệt Hằng) vừa xuất hiện ở một phim ngay sát trước đó và đều cùng phát sóng trên VTV3.

Nếp nhà lại theo dạng truyện tư liệu với một số địa danh có thật, con người có thật… Đây là bộ phim truyện duy nhất mang “hồn” Hà Nội phát sóng trên VTV nhân dịp Đại lễ, an ủi phần nào sự thiếu vắng phim truyện về đề tài này trên sóng VTV. Thể loại mới với những khai thác khá tỉ mỉ về nếp ăn ở, phong tục tập quán của những gia đình Hà Nội truyền thống nhưng câu chuyện phim không mới, dàn diễn viên chủ chốt là những gương mặt quá quen thuộc…

 Phim của đạo diễn tên tuổi bị đẩy tới, đẩy lui

Những thiên thần áo trắng do Lê Hoàng làm đạo diễn ban đầu nghe thông báo sẽ lên sóng Đài Truyền hình TP.HCM, sau phát trên Đài THVN và vấp phải những ý kiến trái chiều… Xem ra đạo diễn nổi tiếng với Gái nhảy bao nhiêu thì đến lúc làm phim truyền hình lại bị phản ứng bấy nhiêu.

Cũng là đạo diễn ghi tên tuổi với phim nhựa (Chuyện của Pao), lần đầu làm phim truyền hình với cương vị tổng đạo diễn, Ngô Quang Hải chắc đã… dài cổ chờ trông bộ phim Chít và Pi lên sóng sau 3 năm sản xuất. Đây là dự án hợp tác giữa công ty của anh (Vimax Film) và hãng phim của FPT. Khi sản xuất, nghe nói phim phát sóng trên VTC, sau chuyển đến HTV và rốt cục lên sóng VTV3. Mà cũng chính ở VTV, bộ phim này trước đó đã bị từ chối…

Phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” chưa được duyệt.

Phim gốc nổi tiếng nhưng phim phiên bản “chìm”

Ngôi nhà hạnh phúc của Hàn Quốc khi chiếu tại VN gây “sốt” nhưng phiên bản Việt của bộ phim này gây phản ứng trái chiều, trong đó đa phần ý kiến tỏ ra không thích các nhân vật khi so sánh với phiên bản gốc, cả những thay đổi của đạo diễn cũng bị đem ra so sánh với nhiều bình luận không thiện chí…

Anh em nhà bác sĩ trong tình trạng tương tự, khi diễn viên nước ngoài được yêu thích thì một số diễn viên Việt thủ vai chính trong phiên bản bị… ghét. Bộ phim phát sóng trên đài tỉnh nên hiệu ứng khán giả cũng không mạnh bằng phim gốc.

Còn nhiều những nghịch lý truyền kỳ tồn tại dai dẳng trong phim truyền hình Việt: Phim thu hút quảng cáo nhiều bao nhiêu thì “nhà đài” được hưởng bấy nhiêu chứ nhà sản xuất không được “chia phần” ngoài tỷ lệ quảng cáo đã được thoả thuận từ trước hay khoản tiền được trả theo tập phim; Diễn viên nổi tiếng sau một bộ phim không có nghĩa phim sau sẽ nhận cát-xê cao hơn; Đầu tư làm phim cả trăm tỷ nhưng phim cứ bị “ủ” hết năm này qua năm khác… Những chuyện “biết rồi, nói mãi” này cùng những nghịch lý ở trên hy vọng sẽ thay đổi trong năm 2011 để phim truyền hình Việt Nam được khán giả đón nhận nhiều hơn.          

Mai Chi


Ý kiến của bạn