“Nghịch cảnh”

31-03-2012 8:15 AM | Văn hóa – Giải trí

Trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới Lễ hội Đền Hùng 2012, Lễ hội chọi trâu, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã kết thúc sáng 9/3. Ban tổ chức cho rằng

Trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới Lễ hội Đền Hùng 2012, Lễ hội chọi trâu, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã kết thúc sáng 9/3. Ban tổ chức cho rằng, lễ hội này mang đậm nét văn hóa dân gian thời đại Hùng Vương, đồng thời mang tính tâm linh sâu sắc. Trâu chọi được tế trời, đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân giàu, nước thịnh. Nhưng để làm được điều đó, khi lễ hội kết thúc, cả trâu thắng và thua đều chung số phận là bị chọc tiết, lột da, xẻ thịt để cúng tế. Chưa hết, các con trâu không được chọn để chọi cũng bị chết chung số phận với trâu chọi. Vì người ta ăn theo lễ hội chọi trâu để bán thịt trâu. Nhiều khi trâu chọi chưa kịp vào sới thì cơ man nào là thịt trâu cùng hàng xe tải rau cần đã được bán tràn ngập tại đường vào lễ hội. Xem cảnh xẻ thịt “ông Cầu” (dân gian gọi trâu chọi là ông Cầu) để bày bán “kiếm lời” khiến những nét đẹp truyền thống của lễ hội chọi trâu lâu nay xem ra không còn mấy đẹp mắt.

Từ việc trâu bị giết lại nhớ: Đầu xuân Nhâm Thìn vừa rồi, tại tỉnh Hưng Yên, một số hình ảnh được tung lên mạng internet với nghịch cảnh: người con kéo bừa cho người cha; ba cô con gái kéo bừa cho mẹ. Lý do thật đơn giản, bây giờ người ta không nuôi trâu nữa nên không mượn được trâu để cày bừa. Thứ nữa, vì mảnh ruộng quá nhỏ nên máy cày không vào được, vậy chỉ dùng người thay trâu mà thôi.

Dẫu cách giải thích có hợp lý tới đâu thì nghịch cảnh người làm thay trâu nếu không gây sự phản cảm cũng gây sự đồng cảm thương tình. Thế mà những lễ hội chọi trâu như Phù Ninh, Đồ Sơn,… người ta vẫn cứ chọn những con trâu tốt nhất để mua vui, cuối cùng tất cả đều bị ăn thịt. Thịt trâu tại đây hầu hết được dùng vào mục đích thương mại, bán cho những du khách lắm tiền. Dù muốn lấy một ít lộc của “ông Cầu” để làm may, người nông dân nghèo cũng rất đắn đo khi ăn thịt ông, đặc biệt trong thời lạm phát thì sự “thắt lưng buộc bụng” trên tinh thần nghèo khó lại càng triệt để với họ.

Hằng năm chúng ta vẫn tổ chức lại lễ cày Tịch điền. Từ lễ nghi đó, người cày (Chủ tịch nước) và nông dân hy vọng có một mùa màng tươi tốt. Nhưng hơn thế, người nông dân còn mong có một chính sách “cởi trói” cho họ bớt việc lao động cơ bắp cực nhọc, đặc biệt là tránh cảnh người phải làm hùng hục như trâu.

Khi nông nghiệp của nước nhà còn manh mún, khi máy móc còn chưa thay thế hoàn toàn cơ học và phù hợp với điều kiện canh tác thì có lẽ con trâu vẫn còn là một sức kéo quan trọng, chứ không chỉ đơn thuần làm thú vui và thịt nhậu. Nhớ lại các cụ xưa dạy: Được mùa chớ phụ ngô khoai/ Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng. Âu cũng là lời khuyên với con cháu thời hiện đại, chớ làm giàu từ bán ruộng và giết trâu, bài học về an ninh lương thực toàn cầu vẫn còn sờ sờ ra đấy!

ThS.Ngô Đồng


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH