Hà Nội

Nghĩa tình làng Chăm

19-02-2018 14:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Có hàng chục ngôi làng người Chăm dọc mảnh đất Ninh Thuận-Bình Thuận tôi đã từng đi qua. Dường như ngôi làng nào cũng để lại những dấu ấn riêng. Sâu đậm nhất đó là lòng chân thật, tình nghĩa đậm đầy và cả những khát vọng mãnh liệt để vươn lên trong cuộc sống mới chứ không đơn thuần thụ động.

Làng Chăm đã khang trang, giàu đẹp.

Làng Chăm đã khang trang, giàu đẹp.

Hiện thực hóa những khát vọng

Một trong những ngôi làng Chăm ấy là làng An Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Nhà nhà đều mến khách, xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ông Đạo Thịnh - một trong những người Chăm già nhất của làng khoe: Năm 2018 này có bói cũng không ra một căn nhà tạm bợ nào nữa rồi. Người Chăm mình giờ đây xông xáo làm ăn lắm. Nhà nước hướng dẫn gì là nhiệt liệt thi đua làm theo. Quyết liệt từ bỏ mọi hủ tục lạc hậu. Trước kia, đâu đó trong những con hẻm nhỏ, những quán xá tạm bợ còn tình trạng uống rượu cồn đến mềm môi, đến nhập viện nhưng tình trạng ấy giờ đây không còn nữa.

Nếp sống mới cùng với những quyết sách đúng nên các cánh đồng lúa trải ra bạt ngàn, những trang trại chăn nuôi bò, cừu mọc lên, xen vào đó là những ruộng nho. Cứ thế, chẳng mấy chốc cuộc sống đã khá lên. Ông Thịnh cũng cho biết: Cả thôn có hơn 100 gia đình, toàn người Chăm nhưng nhà nào cũng đạt chuẩn văn hóa hết.

Chỉ 10 năm trước thôi đến An Nhơn thì cái đói, cái nghèo còn đeo bám đầy ám ảnh. Những thành tựu này là sự kết hợp của các chính sách của Nhà nước và từng người Chăm đã biết hiện thực hóa khát vọng của mình bằng cách chăm chỉ làm việc và không ngừng có những sáng tạo riêng. Anh Đạo Huy Tuấn - nông dân sản xuất giỏi của làng cho biết: Không chỉ nuôi cừu đơn thuần mà mình còn kết hợp mô hình nuôi dê lai lấy thịt vì địa hình ở vùng đất Ninh Thuận này rất thích hợp nuôi dê. Vậy là từ nghèo khó giờ mình đã vươn lên khá giả rồi. Trong làng Chăm này còn nhiều người như mình nữa lắm. Mùa xuân Mậu Tuất này không còn sợ thiếu đói như trước kia nữa rồi.

Không chỉ xông xáo làm ăn mà ở An Nhơn còn có một nghề khác, đó là nghề bốc thuốc nam. Cũng như nhiều bài thuốc bí truyền của các dân tộc khác, các bài thuốc và cách bốc thuốc của người Chăm ở làng thuốc An Nhơn cũng lắm công phu. Đến nay, có hơn 20 lương y trong làng này thông thạo các loại thuốc nhưng họ đều có chung một nguyên tắc là không tiết lộ ra bên ngoài, kể cả người quen ở nơi xa tới, nếu ai tiết lộ điều này sẽ bị trưởng làng tước quyền bốc thuốc.

Giữ bí quyết không phải lòng hẹp hòi mà bởi nếu tiết lộ thì cây thuốc quý sẽ có nguy cơ bị tận diệt. Bằng kinh nghiệm của mình, theo các lương y người Chăm, những cây thuốc mọc trong các hẻm đá thường có chất lượng cao hơn mọc ngoài đất thịt. Bởi vậy, công phu đi tìm thuốc cũng vì thế mà gian nan hơn. Khi sắc và bào chế thuốc cũng có nhiều bí quyết riêng.

Ông Đạo Huy Trung thổ lộ: “Cũng có người Kinh từ nơi xa đến học cách sắc thuốc ở làng thuốc bí truyền này, chúng tôi chỉ bảo cho họ một ít phương pháp, ấy thế nhưng khi về nhà, họ tự bào chế thì lại không có công hiệu cao hoặc công hiệu giảm đi rất nhiều. Hiện ở Phú Yên, Bình Định cũng có các loại cây thuốc này nhưng lại không có chất dược liệu như ở núi Cà Đú và Bác Ái.

Lương y Đạo Thị Nữ cùng chồng (bên phải) nói về tình nghĩa và cách bốc thuốc của người Chăm.

Lương y Đạo Thị Nữ cùng chồng (bên phải) nói về tình nghĩa và cách bốc thuốc của người Chăm.

Những nguyên tắc cảm động

Đã nhiều lần ngồi trò chuyện với nhau, lương y Đạo Thị Nữ vẫn nhắc đi nhắc lại với tôi một câu: Làm thầy thuốc phải luôn nghĩ đến sức khỏe người bệnh. Cái đau, cái lo của người bệnh cũng như của mình vậy. Người Chăm mình không chỉ ở làng này mà ở hầu hết làng khác khi thấy có người hoạn nạn sẵn sàng cứu chữa ngay. Và mùa xuân là lúc bài thuốc này được những lương y mang ra truyền đạt lại cho những thành viên của thế hệ sau có tâm tính tốt nhất.

Mới ngoài 40 tuổi nhưng chị Đạo Thị Nữ không nhớ nổi bàn chân mình đã đi qua bao nhiêu bản nghèo để giúp bà con cách uống thuốc, cách đi lên rừng tìm cây thuốc. “Trên núi Cà Đú cũng như núi Bác Ái này có rất nhiều loại cây thuốc quý mà đôi khi mình không biết. Chúng tôi đi bán thuốc nếu thấy bệnh không giảm hoặc không ngăn chặn được thì không bao giờ dám lấy tiền. Có lấy thì cũng lấy tiền công thôi chứ không phải mục đích kinh doanh làm giàu. Có những ngày chật vật với nắng hạn, đồng ruộng khô khốc nhưng ai đến An Nhơn bốc thuốc cũng không có bất kỳ lương y nào dám lấy giá cao. Đây là nguyên tắc mà khi đi học nghề đông y, các thầy thuốc phải cam kết thực hiện”, chị Nữ tâm sự.

Kéo tôi xuống kho chứa thuốc của gia đình mình, chị Nữ bảo hiện chị có đầy đủ các loại thuốc nam hỗ trợ chữa bệnh viêm gan, loét dạ dày, viêm tá tràng… Thuốc được xắt ra thành lát, phơi khô hiện nay chỉ bán với giá 100 - 120 ngàn đồng/kg. Nếu những người bệnh tìm đến trong các ngày xuân thì được bốc giảm giá, người nghèo khó cũng vậy. Nhớ lại đầu xuân năm 2016, chị Lê Bảo Phúc - đường Hùng Vương, Cam Ranh, Khánh Hòa phát hiện mình bị bệnh viêm gan B, các bác sĩ cho lời khuyên có thể kết hợp cả Tây y lẫn Đông y để điều trị. Sau nhiều lần tìm đến Hội Đông y Ninh Thuận tham khảo ý kiến các lương y, chị Phúc đến làng An Nhơn bốc thuốc. Ban đầu được  uống miễn phí, đến khi thấy có tác dụng hỗ trợ làm thuyên giảm bệnh thì những lương y Chăm mới tính tiền. Nhiều người khác cũng tìm lại được hy vọng về sức khỏe của mình như chị Phúc vậy.

Những ngày này, không khí chuẩn bị đón xuân Mậu Tuất tràn về từng hẻm nhỏ trong làng Chăm. Ai ai cũng khoe với nhau về việc đã giúp được bao nhiêu người trong năm cũ. Có lẽ đó cũng là điều làm nhiều người cảm động khi đến An Nhơn. Lấy cuốn sổ ghi chi chít địa chỉ, lương y Đạo Thị Nữ chia sẻ: Năm 2017, mình đi qua nhiều tỉnh, mang thuốc nam đến cho hàng trăm người và thường xuyên liên lạc với họ. Niềm vui lớn nhất là thấy thuốc có tác dụng. Có người tận ở Quảng Ngãi, Quảng Nam khi khỏi bệnh cũng thường xuyên đến thăm làng thuốc của người Chăm chúng tôi. Tất cả những lương y ở làng Chăm này muốn bốc thuốc, dù là cho người thân hay người bệnh từ nơi khác đến cũng phải học qua hai lớp nâng cao về y dược học cổ truyền do Hội Đông y tỉnh tổ chức. Nếu phát hiện có người chưa học, chưa được sát hạch mà vẫn bốc thuốc sẽ bị người làng bêu tên, kiểm điểm.

Người Chăm chuẩn bị cho lễ hội.

Người Chăm chuẩn bị cho lễ hội.

Tạo dựng thương hiệu

Theo UBND xã Ninh Hải thì: Người dân ngôi làng An Nhơn không chỉ tích cực xây dựng nông thôn mới để vươn lên làm giàu mà các điệu múa, điệu hát đặc trưng của người Chăm cũng được họ giữ gìn như máu thịt của mình vậy. Cứ dịp Tết đến hay dịp lễ Ka-tê, họ lại quây quần bên nhau để hát-múa. Những điều này địa phương rất khuyến khích. Chính quyền địa phương cũng hết sức ủng hộ, tạo mọi điều kiện để An Nhơn nhanh chóng được công nhận là thương hiệu làng nghề thuốc Nam truyền thống độc đáo của Việt Nam. Các lương y ở làng đều được đào tạo chuyên môn kỹ càng, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp do các cơ quan chức năng quy định. Khi làng thuốc Nam này có thương hiệu thì bà con chẳng cần đi xa, mà người ta sẽ tìm đến. Hiện nay, cũng có rất nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu nguồn dược liệu ở An Nhơn. Cũng theo UBND xã Ninh Hải, vài năm trở lại đây, dự án về bảo tồn cây thuốc, bảo tồn nghề thuốc của người Chăm được thúc đẩy ráo riết. Đây là chủ trương của nhiều cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận. Nếu dự án thành công thì đây là mô hình trình diễn bảo tồn và phát triển bền vững nghề thuốc Nam truyền thống của người Chăm Ninh Thuận.

Mùa xuân đang về, những điệu múa, điệu hát của người Chăm cất lên, tiếng hát cũng là một cách gửi đến các vị thần linh lời ước nguyện, gửi đến cho nhau (người còn sống) điều tốt đẹp nhất. Những truyện cổ tích, những câu tục ngữ, ca dao phản ánh đời sống lao động nương rẫy, phong tục tập quán, đấu tranh chống thiên tai thú dữ, về tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu lứa đôi cũng sống động trong những đêm xuân để rồi từ đó, tình nghĩa bền chặt hơn.


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn