Hà Nội

Nghĩa Lộ - Yên Bái: Chật vật duy trì xã “trắng” ma túy

13-10-2014 11:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thị xã Nghĩa Lộ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 80/100 tổ dân phố thôn bản không ma túy.

Thị xã Nghĩa Lộ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 80/100 tổ dân phố thôn bản không ma túy. Để thực hiện mục tiêu này, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng tổ dân phố, thôn bản không tệ nạn ma túy trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2012 – 2015”. Thực tế, để duy trì các xã “trắng” về ma tuý được như hiện nay đã là khá khó khăn với địa phương bởi những điều kiện cả khách quan lẫn chủ quan...

Phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc

Xã Nghĩa Phúc có 5 thôn bản với tổng số 495 hộ dân và 1.916 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Thái và Mường sinh sống (chiếm gần 90%), đã 3 năm liền không có ma túy. Ông Đặng Ngọc Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết: “Là một xã thuần nông và địa bàn cũng có nhiều thuận lợi như dân cư ít, sống tập trung nhưng xã Nghĩa Phúc cũng gặp không ít khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức, hiểu biết của nhân dân, nhất là về pháp luật còn hạn chế”.

Một buổi xét xử vụ án mua bán ma túy ở thị xã Nghĩa Lộ.

Thôn Ả Hạ hơn 10 năm nay không có tệ nạn ma túy. Ông Đinh Công Ích - Trưởng thôn Ả Hạ cho biết thêm: Để giữ vững kết quả này, thôn đã tổ chức phát động tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, tổ chức ký cam kết giữa thôn bản với gia đình cam kết không có người nghiện, mắc vào tệ nạn ma túy; thôn bản tổ chức ký cam kết với xã xây dựng và duy trì thôn bản không ma túy; Đưa tiêu chí không có người nghiện, người mắc tệ nạn ma túy thành 1 tiêu chí xét gia đình văn hóa... Thường xuyên phối hợp với công an xã nắm bắt tình hình thanh niên đi làm ăn xa, nắm bắt nhân khẩu của các gia đình, các đối tượng đến và đi.

Cùng với việc xây dựng các thôn bản không ma túy, xã Nghĩa Phúc đã phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hàng năm, xã đã tổ chức phát động tập trung tại 2 thôn bản và phát động thường xuyên ở các thôn bản. Phát phiếu cho hộ dân kê khai từng hộ gia đình không có người nghiện ma túy. Đội ngũ công an viên tại thôn bản thường xuyên nắm tình hình và quản lý sát sao những đối tượng sau cai nghiện trở về. Đến nay, 5/5 thôn bản của xã Nghĩa Phúc đều không có ma túy.

Xã bên cạnh là xã Nghĩa Lợi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 48,46%. Trong đó, dân tộc Thái chiếm 87,6%. Nghề nghiệp chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, ngoài ra còn đi làm thuê ở khắp các nơi trong và ngoài tỉnh. Ông Lò Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết: Do giáp ranh với nhiều địa bàn khác nên hoạt động về ma túy của các đối tượng ở nơi khác rất dễ xâm nhập địa bàn để mua bán, vận chuyển, tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy. Đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của nhân dân còn nhiều mặt hạn chế, rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo dẫn đến vi phạm. Một bộ phận thanh niên do cuộc sống khó khăn phải đi làm ăn xa với thời gian dài ở khắp các nơi trong và ngoài tỉnh, do đó chịu sự tác động ảnh hưởng từ bên ngoài rất lớn.

Hiệu quả nhưng chưa bền

Theo đánh giá của Công an thị xã Nghĩa Lộ, đến thời điểm này, chỉ có 75/100 tổ dân phố hiện duy trì là tổ dân phố không có ma túy. Tuy nhiên, để duy trì bền vững những kết quả 75/100 tổ dân phố, thôn bản không có ma túy cũng đã là rất khó, bởi tình hình tội phạm ma túy được kiềm chế nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy và tổ dân phố thôn bản đã giảm đạt mục tiêu theo lộ trình của đề án đề ra nhưng tính ổn định, bền vững không cao. Công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện đạt hiệu quả thấp, tỷ lệ tái nghiện cao trên 90%. Số người nghiện phát sinh trong năm cũng tăng, mà nguyên nhân là do sự kỳ thị của một bộ phận cộng đồng xã hội với người nghiện ma túy. Tình hình kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn, do đó chưa giải quyết được việc làm cho người sau cai nghiện trở về cộng đồng. Giải quyết vấn đề này, thị xã Nghĩa Lộ đã tập trung vào công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Các cơ quan đoàn thể của thị xã đã chỉ đạo đoàn thể các cấp tổ chức cho hội viên ký cam kết xây dựng mô hình tự quản cụ thể thiết thực phù hợp với cơ sở như mô hình 3 không: không có tụ điểm ma túy, mại dâm; không vi phạm pháp luật; không vi phạm hành lang an toàn giao thông. Mô hình 4 giữ: giữ không có tội phạm; giữ không có tệ nạn xã hội; giữ đoàn kết tình làng nghĩa xóm, phát huy bản sắc tốt đẹp của dân tộc; giữ không có mê tín dị đoan, không có đạo trái phép. Để hướng đến mục tiêu 80% xã, phường không có tệ nạn ma túy một cách bền vững vào năm 2015 thì cùng với việc hạn chế tối đa phát sinh đối tượng nghiện mới, chính quyền địa phương cần phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hiệu quả quản lý giải quyết việc làm sau cai cho đối tượng nghiện, đưa các vụ án về buôn bán và sử dụng ma túy ra truy tố, xét xử nghiêm khắc để răn đe.

Bài, ảnh: Nguyễn Nhật Thanh

 


Ý kiến của bạn