Nghĩa hiệp giữa biển khơi

28-01-2020 14:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Mỗi ngư dân Việt, yêu biển như nhà mình. Quyết liệt phê phán các phần tử xấu, hành động sai trái, nhưng trước những con người gặp hoạn nạn giữa trùng khơi, họ lại sẵn lòng xả thân vượt sóng dữ, gió giật để cứu giúp khi bắt gặp như thể đó là “mệnh lệnh” của trái tim chứa ẩn lòng nhân văn cao cả.

Giản dị, nhân nghĩa

Từ thuở hình thành, yêu thương và niềm tin, đùm bọc đã làm nên sức mạnh vươn lên bền bỉ cho mỗi làng chài. Một ngày không ra với biển, không nghĩ về biển trong lòng mỗi ngư dân lại bồn lên nỗi nhớ cồn cào.

Rạng rỡ niềm hy vọng về những chuyến bám biển đầu xuân 2020, lão ngư Trần Công Trường (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) quả quyết: Ngư dân nước mình vẫn khắc ghi ý nghĩ bao dung và trượng nghĩa. Suốt gần 20 năm vươn khơi, ông Trường không nhớ nổi đã bao lần đích thân băng bó, dìu đỡ những ngư dân nước bạn như: Campuchia, Indonesia... không may bị tai nạn trên biển.

Tàu thuyền tập kết chuẩn bị vươn khơi đầu xuân.

Tàu thuyền tập kết chuẩn bị vươn khơi đầu xuân.

Những giọt nước mắt xúc cảm của người hoạn nạn rớt xuống đôi tay sạm đen bởi nắng gió cùng vài câu tiếng Việt lơ lớ, rằng: “Lòng thương với phận người hoạn nạn của ngư dân Việt Nam thật bao la” đã xua tan đi những nhọc nhằn.

Tất bật chuẩn bị cho những dự định mới nhưng khi nhắc đến chuyện cứu người gặp nạn giữa đại dương, gương mặt thuyền trưởng Bùi Văn Phải (An Hải, Lý Sơn) lại bừng lên niềm tự hào. Tâm tình những lời từ đáy lòng mình, thuyền trưởng Phải bảo rằng: Từ ngàn xưa, người Việt đã có quan niệm “đem đại nghĩa để thắng hung tàn”. Vậy nên, có chuyến đi, đồng hành trên tàu mang ký hiệu QNg 96169 TS do Phải làm chủ là vài chục bạn thuyền nhưng tất cả đều thấm hiểu quan niệm ấy.

Trong trí nghĩ của ngư dân Quảng Ngãi, một trong những mốc thời gian ghim sâu vào họ, biểu thị sâu đậm cho lòng nhân ái của ngư dân Việt đó là sáng ngày 11/7/2019. Gió bỗng xoay chiều, sóng dâng cao hơn đầu, thuyền trưởng Bùi Văn Phải vừa loay hoay đưa các đồng nghiệp đến nơi đánh bắt an toàn thì tại tọa độ 12 độ 24 phút N - 113 độ 58 phút E, về phía bắc đảo Song Tử Tây có những cánh tay nhỏ nhoi cầu cứu trong tuyệt vọng. Bằng kinh nghiệm và dự cảm, Phải biết đã có nhiều ngư rớt xuống biển, sự sống “ngàn cân treo sợi tóc”. Không ngần ngại, thuyền trưởng Phải cùng đồng nghiệp tức tốc chuẩn bị phao, dây, dụng cụ y tế... rẽ sóng đưa tàu đến vớt những người sắp bị “thần chết” kéo đi. Dông gió dịu xuống, 32 ngư dân vượt qua hoạn nạn được xác định là người nước ngoài (Trung Quốc).

Xem mỗi hoạn nạn giữa trùng khơi được khắc phục, cứu vớt là một niềm hạnh phúc, ông Nguyễn Đoàn (Phụ trách đấu nối liên lạc đài, điện đàm giữa đất liền với các ngư dân ngoài khơi của Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải) bộc bạch: Ngày 11/7 là lần cứu được nhiều người nhất chứ ngư dân Lý Sơn nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung cứu ngư dân nước ngoài gặp nạn nhiều lắm rồi. Khi cứu xong các nạn nhân, ngư dân nước mình còn ân cần chăm sóc, nấu cho từng bát cháo, bón cho từng viên thuốc... Hành động ân nghĩa ấy đã khiến nhiều người rưng rưng xúc động.

Sống ở làng chài nức tiếng miền Trung, trước mỗi lằn ranh sinh tử của người khác mình bắt gặp, trong ý nghĩ của ngư dân Huỳnh Hậu (Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa) sục sôi một thôi thúc duy nhất là giúp người khác sống sót. Ông Hậu trải lòng: Tính đến hết năm 2019, ngư dân Hòn Rớ cứu giúp được nhiều người lắm. Những khoảnh khắc hiểm nguy ấy mình chỉ nghĩ đều là phận người với nhau chứ không có bất cứ phân biệt nào cả. Có ngư dân nước bạn vừa tranh cãi nảy lửa trong việc men vào lãnh hải nước ta xong thì vài hôm sau gặp nạn, chúng tôi vẫn đưa phao và các dụng cụ ra cứu vớt ngay, chẳng ngần ngại gì.

Phận nữ nhi, sát cánh cùng cánh mày râu trong nhiều chuyến vươn khơi xa, chị Trần Thị Thảo (Hòn Rớ, Phước Đồng) vẫn nhớ như in những lần chăm sóc người gặp nạn như thân nhân của mình.

Rút ra được nhiều kinh nghiệm, chị Thảo chia sẻ: Có lần áp Tết Nguyên đán chúng tôi còn bắt gặp mấy người nước ngoài bị ngã, đá đâm toác tay. Tàu họ thiếu thuốc men, chúng tôi san sẻ cho họ ngay. Bên cạnh đó còn tận tay chỉ dẫn họ cách nấu cháo lỏng cho người gặp nạn ăn. Mới bị dầm nước xong, nếu ăn đồ cứng sẽ nguy hiểm. Có người chưa biết tiếng Việt nào, phải làm mẫu từng động tác chăm sóc để họ bắt trước còn xử lý cho nhau về sau này.

Ngư dân giản dị nhưng luôn kiên cường, nghĩa hiệp.

Ngư dân giản dị nhưng luôn kiên cường, nghĩa hiệp.

Luôn giữ bản lĩnh

Mỗi trận bão tố, tai ương, đều không làm nhụt trí các ngư dân. Từ khó khăn lóe lên các ý nghĩ sáng tạo và đúc rút kinh nghiệm. Lăn lộn qua nhiều vùng biển, tiếp xúc, đối mặt, đối thoại với ngư dân hàng chục nước khác nhau như Campuchia, Philippines, Đài Loan, Thái Lan... ai cũng thán phục “tinh thần thép” của ngư dân Việt Nam.

Thuyền trưởng Lê Công Phong (ở Phước Đồng, Nha Trang) luôn tâm niệm rằng: Mình sẵn lòng cứu bất cứ ai khi họ đối diện với cái chết giữa đại dương nhưng cũng luôn thể hiện khí phách yêu biển, đảo như máu thịt. Đồng thời truyền nhắn thông điệp cho bất kể ngư dân nước ngoài nào mình gặp rằng, đừng bao giờ phá hoại biển, hãy một lòng biết ơn biển, chỉ đánh bắt loại cá trưởng thành. Và điều quan trọng nhất phải tôn trọng chủ quyền lãnh hải của mỗi quốc gia.

Đi qua nhiều gian lao, gặt hái được không ít thành quả nhưng cũng nhiều lần thất bát, lão ngư Đặng Phong (Phước Đồng, Nha Trang) vẫn luôn cháy bỏng niềm tin về những mùa xuân rực rỡ, ấm cúng, đủ đầy ở phía trước.

Chỉ vào những chiếc tàu công suất lớn, lừng lững như những ngôi nhà, ông Phong khẳng định: Những chiếc tàu ấy không chỉ chứa cá, thủy hải sản mà còn giúp đỡ cho hàng trăm người trên biển khi hoạn nạn, bão tố. Với tinh thần nghĩa tình không vùng miền, biên giới nên tinh thần như được tiếp thêm sức mạnh từ sự nể phục của người khác. Có lần ngư dân Philippines rách tay, được chúng tôi băng cho xong họ còn hỏi: “Ngư dân nước ông lạ thế. Bảo chưa hẳn đã giàu có mà sao không vét sạch đi, không lấy mìn mà nổ nữa cho nhanh. Có người cho không thuốc nổ cũng không lấy”. Những lúc như vậy, ông Phong thường đáp lại rằng: Đó là bản lĩnh, cách sống của ngư dân Việt Nam.

Luôn dành cho biển, đảo một tình yêu thiêng liêng, vừa trở về từ Ngư trường Trường Sa, lão ngư Nguyễn Văn Tám (Phước Đồng, Nha Trang) ước vọng: Chỉ mong yên ổn luôn hiện hữu trên biển Đông và bạn bè thế giới thấu rõ tính nhân văn, lòng yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam mình. Với mỗi ngư dân từ trẻ đến già ở đây luôn quán triệt tinh thần vừa làm kinh tế vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giàu lên từ biển, những gia đình có thế hệ này nối tiếp thế hệ khác làm nghề đánh bắt xa bờ ở An Hải (huyện Lý Sơn) cũng xem những ngày đầu xuân là lúc quần tụ truyền cho nhau những câu chuyện đầy tự hào về khí phách người Việt.

Thuyền trưởng Dương Bảy, chủ tàu QNg 96197 TS thổ lộ: Sát cánh giúp đỡ chúng tôi hay những người hoạn nạn còn có nhiều lực lượng như: Các chiến sĩ hải quân, kiểm ngư... Thường, sau ngày mùng 2 Tết, nhà nhà lại náo nức chuẩn bị vươn khơi bám biển Hoàng Sa - Trường Sa.

Tuyệt đối không run sợ trước bất cứ kẻ xấu nào nhưng bắt đầu một mùa xuân mới, ai cũng cầu mong thiên tai không có nhiều bất ổn. Riêng tại Lý Sơn có hơn 200 tàu vươn khơi xa, mỗi năm thu về trên 30.000 tấn cá các loại không chỉ phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Tràn đầy tự tin trước mùa đánh bắt mới, lão ngư Dương Thu, chủ tàu cá QNg 96179 TS phân tích và đúc rút: Ngành nghề nào cũng có lúc không suôn sẻ như mong muốn. Vậy nhưng, tâm thế kiên cường, hào sảng của mỗi người khi vươn khơi luôn được biểu hiện rõ thì những khoang tàu đầy ắp sản lượng lại đua nhau cập bến. Không ít lần, ngày xuân còn bắt gặp ngư dân nơi khác gặp nạn, chúng tôi hỗ trợ tối đa họ mọi thứ cần thiết.

Trong niềm hân hoan, ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải bảo: Việc nghĩa chả nên tính toán, cần làm. Mỗi lần thấy các tàu từ khơi xa báo về gặp người bị nạn, trong đất liền chúng tôi luôn hướng dẫn tận tình và giữ vững đường dây liên lạc. Ngư dân nước ngoài sau khi được cứu vớt, trước khi bàn giao về nước còn được hỗ trợ thuốc men, quần áo. Không chỉ dũng cảm, nhân nghĩa, ngư dân Việt còn rất cẩn thận. Trước mỗi chuyến đi đều chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, ngư cụ và nhu yếu phẩm.


Bài và ảnh: Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn