Nghĩ xanh và sống xanh

20-01-2018 09:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Nghĩ xanh và sống xanh là xu hướng của không ít bạn trẻ. Hơn thế, nhiều bạn trẻ đã bắt tay vào khởi nghiệp, xây dựng những mô hình trang trại, sản xuất thực phẩm an toàn. Điều đó đang tạo thành một trào lưu tích cực, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, phân phối thực phẩm an toàn.

Những nỗ lực của tuổi trẻ

Trang trại rau an toàn của anh Huỳnh Hải Thiên ở xã Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng) khá nổi tiếng bởi những năm qua đã trở thành một địa chỉ cung cấp rau sạch cho Đà Nẵng. Đứng trước những dãy rau được sản xuất theo công nghệ, anh Thiên vui mừng cho hay, để có được thành quả này, bản thân anh và các cộng sự đã cật lực làm việc, cật lực ước mơ. Thiên nhấn mạnh: “Tôi quay về làm nông nghiệp là một cái duyên, như nhiều bạn trẻ khác, chúng tôi hướng về việc làm ra sau sạch, an toàn”.

Nhiều bạn trẻ có ước mơ về nông nghiệp sạch.

Nhiều bạn trẻ có ước mơ về nông nghiệp sạch.

Cái duyên đó là gì khi Thiên nghỉ việc ở Tập đoàn xây dựng danh tiếng Nhật Bản Tokyu Land? Thiên chia sẻ: “Tôi đi qua nhiều nông trại xanh, sạch và hiện đại, thấy người Nhật an tâm sử dụng nông sản do chính tay mình trồng ra. Tôi thực sự bị mê hoặc và muốn những người thân của mình cũng được thụ hưởng thực phẩm an toàn. Song ngay cả người thân của tôi cũng có phản ứng và buộc phải thuyết phục”.

Có ý tưởng, Thiên bắt tay vào viết dự án, rồi đi tìm cộng sự và đã gặp anh Trần Khắc Hạnh - kỹ sư nông nghiệp và Trần Văn Bảy là một người nông dân thực thụ. Ba người đã tạo thành thế kiềng 3 chân gồm nhà nông, người kinh doanh, người cung cấp kỹ thuật và khởi nghiệp bằng niềm tin sẽ đưa nông sản sạch đến tận tay người dùng. Đặt mục tiêu cung ứng rau sạch trong ngày cho người tiêu dùng, 3 anh nông dân bắt đầu bằng những loại rau củ truyền thống, sản xuất gối đầu trên diện tích gần 4 ha.

Nói đến nông nghiệp xanh, sạch, Thái Nguyên là một tỉnh khá phát triển, trong đó có nhiều mô hình của các bạn trẻ. Tiêu biểu như trang trại của anh Đỗ Xuân Đại, xã Vạn Thọ (huyện Đại Từ). Đại là người tiên phong trong việc chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp và giúp đỡ người dân phát triển kinh tế gia đình, thanh niên không phải thoát ly đi làm ăn xa.

Hay chàng trai sinh năm 1991 Nguyễn Minh Tài ở xã Vinh Sơn, TP. Sông Công đã khiến gia đình và bè bạn sửng sốt khi quyết định xin thôi việc ở một công ty có mức lương khá cao để làm trang trại. Tài kể, sau khi tốt nghiệp Khoa Lâm nghiệp, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, năm 2013, Tài cùng với một số tân cử nhân của trường được tuyển cử đi Israel thực tập theo hình thức vừa học vừa làm của Chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Israel trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nông - lâm Việt Nam. Nền nông nghiệp của nước bạn cũng khiến Tài bị mê hoặc.

Về nước, Tài được vào làm việc trong một công ty hạt giống ở TP. Hồ Chí Minh (có chi nhánh tại Thái Nguyên). Ngoài thời gian làm việc, Tài còn chăm chăm vào cuốc đất, trồng dưa kim Hoàng hậu. Đây chính là giống dưa mà anh đã ấp ủ sẽ trồng theo đúng quy trình đã học được từ khi còn ở Israel. Dưa ra quả đảm bảo chất lượng, năng suất đạt khoảng 7 - 8 tạ/sào. Cầm chắc kỹ thuật, năm 2015, Tài xin nghỉ việc về nhà làm trang trại. Anh bỏ ra 20 triệu đồng mỗi năm, thuê lại hơn 11 sào đất của một hộ nông dân khác không có đủ nhân lực để cải tạo đất, trồng dưa. Sau 2 vụ, hơn 1 mẫu dưa kim Hoàng hậu của Tài thu hoạch đến đâu bán hết ngay đến đó. Mỗi vụ dưa trừ đi tiền đầu tư, anh có lãi xấp xỉ 100 triệu. Không giấu giếm kỹ thuật, mà ngược lại, Tài sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tạo công ăn việc làm cho thanh niên trong xã và tích cực nhân rộng mô hình ở các địa phương lân cận.

Tuổi trẻ và ước mơ nông nghiệp xanh.

Tuổi trẻ và ước mơ nông nghiệp xanh.

Vì sự an toàn của cộng đồng

Đi nhiều nơi, tiếp xúc với các người bạn trẻ làm nông nghiệp sạch, tôi đã nghe được những điều thật thú vị như “trồng trọt bằng yêu thương”, “tìm nông dân có tâm”, “sửa chữa những điều thế hệ trước đã làm đối với môi trường”… Vâng, xin nhấn mạnh, vì sao phải trồng trọt bằng yêu thương? Phải chăng nhiều bạn trẻ đã không chỉ làm chọn cách sản xuất thông thường mà qua đó còn gửi cả tấm lòng của mình vào đó. Việc trồng cây, chăn nuôi sẽ không chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận mà còn tạo cho con người một niềm an vui. Như bạn Nguyễn Thùy Linh từng 3 năm làm việc ở Singapore với mức lương khá đã về Hà Nội làm nông nghiệp sạch vì bố bị ung thư. Cô gái trẻ cho rằng chính các sản phẩm nông nghiệp thiếu an toàn đã khiến cuộc sống nhiều bất trắc hơn, nhiều người mắc bệnh tật, bệnh ung thư ngày càng gia tăng số lượng khi môi trường ô nhiễm, con người sử dụng thực phẩm thiếu an toàn. Nói là làm, cô gái 32 tuổi chia sẻ quyết định này với chồng và được ủng hộ. Nhưng mẹ và người thân của Thùy Linh thì phản đối dữ dội. Ai cũng muốn cô con gái nhỏ tiếp tục trở lại Singapore sống cuộc sống vốn an nhàn và bình yên của mình. Mặc dù vậy, Thùy Linh vẫn không mất thêm một giờ suy nghĩ để quyết định trở về Việt Nam sản xuất thực phẩm sạch. Đầu năm 2016, cửa hàng thực phẩm hữu cơ đầu tiên của Thùy Linh ra đời ở Hà Nội. Hiện tại, cô đã lập được thương hiệu rau sạch trên thị trường và cung ứng bằng nhiều kênh khác nhau để đưa rau sạch đến với nhiều người nhất.

Nguyễn Đông Hải trong trang trại công nghệ cao.

Nguyễn Đông Hải trong trang trại công nghệ cao.

Một tấm gương khác là chủ của trang trại hơn 20ha tại Đà Lạt (Lâm Đồng) - anh Nguyễn Đông Hải khiến người khác phải nể phục vì sự tháo vát và tấm lòng kiên định thực hiện ước mơ. Tìm hiểu, được biết năm 2005, Hải rời vùng quê nghèo ở Hà Tĩnh vào Đà Lạt theo học tại Khoa Môi trường - Trường ĐH Đà Lạt. Sau những lần làm thuê kiếm sống và đóng tiền học phí, chàng sinh viên trẻ này bắt đầu bén duyên với nghề làm nông. Sau những giờ trên giảng đường, bạn bè lại thấy Hải đến những vườn sản xuất nông nghiệp học hỏi thêm kỹ thuật trồng các loại rau. Không lâu sau, Nguyễn Đông Hải nhờ chị gái (lập gia đình tại Đà Lạt) thuê 3ha đất hoang để anh chàng này thử sức. Có đất nhưng không một đồng vốn, Hải mượn sổ đỏ của gia đình chị gái thế chấp ngân hàng vay được 300 triệu đồng làm vốn. Song mọi chuyện không đơn giản. Mấy năm liên tục, công việc không thuận lợi dù đã cố gắng hết sức. Sản phẩm phụ thuộc tất cả vào thương lái nên đầu ra rất bấp bênh. Chuyện được mùa nhưng thương lái không mua hoặc bị ép giá xảy ra nhiều lần, có lúc tưởng chừng Hải lâm vào đường cùng.

Không chịu bó tay, anh đã quyết định nghỉ học giữa chừng để toàn tâm làm trang trại. Anh đã tìm hiểu về cách làm nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn Globoal-Gap, VietGAP… với mục đích để sản phẩm có thể thâm nhập được vào chuỗi các siêu thị, tạo sự ổn định cho đầu ra. Hải tiếp tục vay tiền người thân đầu tư. Lúc bấy giờ, việc sản xuất nông sản đạt được các tiêu chuẩn này tại Đà Lạt vẫn còn rất ít. Vì thế, sản phẩm nông nghiệp của Hải đã nhanh chóng được đối tác lựa chọn, đưa vào kênh phân phối chính thức của siêu thị. Từ đây, công việc làm ăn từng bước vượt qua khó khăn. Hải chia sẻ: “Bây giờ thì tôi đã trả hết nợ nần. Phải nói là nếu tập trung sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, chú trọng tới chất lượng sản phẩm thì sẽ được các đối tác chấp nhận. Hiện 10ha trang trại đã chuyển vào sản xuất trong nhà kính với các loại sản phẩm chủ lực như dưa leo, cà chua các loại, củ cải, cải ngũ sắc, ớt chuông…”.

Nói về phong trào làm nông nghiệp sạch của giới trẻ, GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nhu cầu sử dụng rau an toàn là vô cùng thiết yếu và đó là quyền của mỗi người. Trong khi đó, ngoài thị trường, rau thiếu an toàn, không rõ nguồn gốc, bị phun nhiều thuốc bảo vệ, thuốc kích thích rất khó kiểm soát, len lỏi vào bữa cơm của người dân. GS. Dũng nhấn mạnh: “Cần phải bảo đảm những bữa ăn ngon cho người dân và đó là minh chứng rõ nhất khi đời sống đi lên. Bởi vậy, cần có cơ chế khuyến khích phát triển đối với các dự án, mô hình nông nghiệp xanh, sạch”.

Đồng quan điểm ấy, anh Phạm Thế Tư - chủ trang trại Ước Mơ xanh ở Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết thêm rằng, các cấp đoàn, cơ quan chức năng nên khuyến khích mô hình nông nghiệp xanh, thực tế nhiều bạn trẻ lập nghiệp rất có tâm, làm trang trại bằng uy tín và khẳng định giá trị của mỗi sản phẩm làm ra. Việc làm của các mô hình chính là việc làm nhân văn và nhiều bạn trẻ đã nghĩ tới việc phải sửa chữa sai lầm khi quá nhiều người trồng rau không an toàn.

Hiện nay, các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đã giúp sức cho nhiều mô hình. Nhiều ý kiến đề nghị cần nhiều chính sách có giá trị như thế, chạm được vào vấn đề trọng tâm của nhu cầu về phát triển nông nghiệp.

Một năm nữa qua đi với nhiều bề bộn. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều điều để nói. Đời sống vật chất, văn hóa của người dân đã phát triển, nhưng yên bình hơn chưa, xanh hơn chưa? Điều đó chưa chắc và cần lắm hành động của mỗi người. Phải biến việc sản xuất nông nghiệp thành văn hóa. Nền văn hóa nông nghiệp ở tầm cao hơn, là bảo đảm cho người dân được hưởng những thành quả của việc sản xuất hài hòa cộng sinh với tự nhiên.


Ngô Hải Miên
Ý kiến của bạn
Tags: