Hà Nội

Nghi viêm gan B, nên làm xét nghiệm gì?

28-04-2014 13:00 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Kể từ khi bị nghi nhiễm virut viêm gan B (lây qua đường máu) thì sau bao nhiều lâu đi xét nghiệm máu sẽ phát hiện được bệnh?

Bác sĩ cho cháu hỏi, kể từ khi bị nghi nhiễm virut viêm gan B (lây qua đường máu) thì sau bao nhiều lâu đi xét nghiệm máu sẽ phát hiện được bệnh?

Trần Thị Thúy  (Lai Châu)

Viêm gan siêu vi B là một dạng bệnh viêm gan do virut viêm gan B (HBV) gây ra. HBV lưu hành trong máu, do đó lây truyền chủ yếu qua đường máu, trong đó, một số đường lây nhiễm quan trọng là: mẹ truyền sang con (đây là đường lây quan trọng nhất); truyền máu hoặc chế phẩm máu nhiễm HBV, tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B; dùng chung kim tiêm có nhiễm siêu vi B.

Ngoài đường máu, HBV có thể lây qua hoạt động tình dục cùng giới hoặc khác giới; lây nhiễm khi xăm người, châm cứu, xỏ lỗ tai với vật dụng không được khử khuẩn tốt. Sau khi HBV xâm nhập cơ thể, hệ miễn nhiễm sẽ tạo kháng thể cho từng kháng nguyên của HBV. Một tuần hay một tháng sau khi nhiễm virut, HBsAg xuất hiện trong máu, tiếp theo là HBeAg và kháng thể IgM và IgG cho HBcAg (anti-HBc). Khi HBsAg biến mất, thì kháng thể chống sAg (anti-HBs) mới xuất hiện.

Một khi anti-HBs xuất hiện, người bệnh được coi như hồi phục, trở thành miễn nhiễm đối với HBV và không lây bệnh qua người khác được. Một số bệnh nhân không tạo được kháng thể này và tiếp tục mang mầm bệnh HBsAg, sẽ có thể lây cho người khác. Vì thế, khi nghi ngờ bị nhiễm HBV, bệnh nhân cần làm 2 xét nghiệm tối thiểu là HBsAg và anti-HBs. HBsAg cho biết có bị nhiễm hay không, còn anti-HBs cho biết cơ thể đã được bảo vệ hay chưa. Khi cả hai xét nghiệm này âm tính thì mới chích ngừa. Còn HBsAg (-), antiHBs ( ), nghĩa là bệnh nhân đã nhiễm nhưng đã khỏi bệnh, cơ thể đủ sức tạo được kháng thể bảo vệ thì không cần thiết phải chích ngừa.

BS. Thanh Xuân


Ý kiến của bạn