Vòng loại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay vừa bắt đầu và ngày 1/7 đã có một chuyện buồn: con trâu chọi húc chết chủ là ông Đinh Xuân Hướng. Người ta phải lập tức cho dừng ngay lại để kiểm tra. Cũng thấy hàng loạt sơ hở về khâu tổ chức cần phải chấn chỉnh và nghiêm túc nhìn nhận về giá trị văn hóa của lễ hội này.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn - Hải Phòng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là vinh dự cho thành phố này có lễ hội rất xứng đáng để tôn vinh về truyền thống khai khẩn, canh tác và ngư nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử 4000 năm lúa nước của dân tộc. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là nghi lễ tưởng nhớ đến một nhân vật thần thoại tên là bà Đế. Bà này lỡ có thai với vua thủy tề nên bị dân làng dìm chết ngoài biển. Bà hiển linh khiến cho tôm cá tụ tập về vùng biển này rất nhiều. Dân chúng vì thế đánh bắt được nhiều, đời sống no đủ. Họ lập đền thờ bà và lấy ngày 9/8 hàng năm mở hội chọi trâu. Con trâu thắng sẽ được mang ra biển làm lễ cúng Bà.
Thực ra thì không chỉ Đồ Sơn có tục cúng thần linh bằng trâu. Khắp nơi trên dải đất Việt này từ Bắc chí Nam đều có tục lệ tế trâu. Đơn giản vì “con trâu là đầu cơ nghiệp” gắn bó đã nghìn đời với mảnh đất trồng lúa nước này. Và suốt trên dải đất miền Trung, Tây Nguyên, nhiều nơi có tập tục lễ hội đâm trâu cúng bái trời đất. Hơn nữa, trong vòng mươi năm trở lại đây, lễ hội chọi trâu được mở ra trên nhiều tỉnh của nước ta.
Sau sự cố trâu húc chết chủ vừa xảy ra, người ta phải lập tức cho dừng ngay lễ hội chọi trâu Đồ Sơn để kiểm tra. Hàng loạt sơ hở về khâu tổ chức được phái đoàn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vạch ra. Chủ yếu do mải mê đến công việc chính là chọn những “ông trâu” vào chung kết mà người ta quên đi yếu tố an toàn. Đã không có bất kì một chuẩn bị nào khi một con trâu nổi điên lên húc chết chính người chủ của nó. Và cũng rất may, cơn thịnh nộ trâu chỉ hướng đến một người. Vậy thì ban tổ chức đã chuẩn bị gì cho an toàn của vòng chung kết chọi trâu hay chưa?
Lễ hội chọi trâu không chỉ đem lại sự phấn khởi, vui vẻ mà còn là thú chơi công phu. Nói là công phu vì từ việc chọn trâu, mua trâu, chăm nuôi và huấn luyện trâu đều phải kỹ lưỡng. Trâu muốn tham gia hội phải được chọn lựa kỹ mới mua về, rồi huấn luyện, chăm nuôi trước trận đấu hàng năm. Các chủ trâu tham gia lễ hội là vì đam mê, vì tâm linh… Để có được trâu chọi tham dự các trận đấu không đơn giản, ngoài tiền bạc lên tới vài trăm triệu thì công chăm sóc, huấn luyện cũng rất lớn. Vì vậy, rất nhiều ý kiến người dân mong muốn nên để lễ hội được tiếp tục. Nhiều khách du lịch cũng cùng một quan điểm như trên, họ còn cho biết, năm nào họ cũng đến Đồ Sơn vào dịp lễ hội chọi trâu để được chứng kiến, thưởng thức những kháp đấu hay của các “ông trâu”.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng: Lễ hội chọi trâu truyền thống thật sự rất đẹp, giàu giá trị nhưng người thực hiện lễ hội ngày nay lại đang không hiểu về giá trị lễ hội, chỉ giữ lại tính hội (chọi trâu) chứ không giữ gìn phát huy giá trị tinh thần tốt đẹp. Phần chọi trâu chỉ thúc đẩy tính hiếu kỳ, núp bóng là tinh thần thượng võ, nhưng lại có hiện tượng lợi dụng, bóp méo văn hóa truyền thống, văn hóa lễ hội để kiếm tiền. Thời gian qua, phần quảng bá lễ hội tại địa phương vẫn chỉ chú trọng phần chọi trâu, ít đề cập phần giá trị thiêng liêng, cốt lõi di sản.
Lễ hội chọi trâu những năm gần đây đã có những “bước tiến” hết sức quy mô về mọi mặt. Cúng bái, rước sách rườm rà. Con trâu thắng cuộc có năm mổ bán đến hàng triệu đồng một cân thịt mà không phải ai cũng mua được. Con trâu thắng ấy nếu chỉ dành cho người Đồ Sơn mỗi người cũng chưa chắc được một miếng. Nhưng sau ngày 9/8 chọi trâu, nhiều người í ới gọi nhau đến nhà uống rượu thịt trâu thắng trận mới mua ở Đồ Sơn về. Bữa tiệc ấy bao giờ cũng phải độn thêm dăm món nữa bao gồm gà, ngỗng, lợn quay, cá bỏ lò. Đĩa thịt trâu xào rau muống để giữa bàn trang trọng chỉ đủ cho mỗi người một gắp. Nó cũng chẳng ngon lành gì… Nếu hiểu giá trị lễ hội chọi trâu với tính thiêng liêng, ý nghĩa tốt đẹp của nó thì mới là văn hóa. Nếu không, chỉ là sự hiếu kỳ và tính tàn bạo, lợi dụng truyền thống, làm méo mó bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc UBND TP. Hải Phòng quyết định tạm dừng Lễ hội chọi trâu 2017 có thể coi là động thái mạnh để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, điều này lại khiến không ít người dân Đồ Sơn và những người quan tâm đến lễ hội này còn băn khoăn. Thậm chí có người còn cho rằng, một sự cố không thể làm ảnh hưởng đến cả một lễ hội truyền thống có từ nhiều thế kỷ trước. Có chăng nên rà soát lại quy trình tổ chức sao cho chặt chẽ và an toàn đồng thời có cách tổ chức khác sao cho phù hợp hơn, cần khôi phục giá trị tinh thần và trả lại lễ hội về đúng không gian văn hóa của nó. Để đạt được điều này thì còn rất nhiều việc phải làm cho các nhà quản lý văn hóa và ban tổ chức của lễ hội này.