Nghĩ về sự copy ý tưởng

18-10-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khó có thể phủ nhận những thành công của nền điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) với những tác phẩm đã đi cùng năm tháng, bên cạnh đó cũng không thể không nhìn thấy...

Khó có thể phủ nhận những thành công của nền điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) với những tác phẩm đã đi cùng năm tháng, bên cạnh đó cũng không thể không nhìn thấy những ảnh hưởng tích cục của nền ĐAVN trước di sản khổng lồ của điện ảnh thế giới. Trong đó, là người xem trung thành của điện ảnh nội, đôi khi tôi băn khoăn nghĩ đến vài ba sự cố được cho là một nét “tương đồng” đến ngạc nhiên của phim Việt với thế giới, rõ nhất là với văn học Pháp. Đó là ở hai bộ phim đã chiếu của ĐAVN và một bộ phim khác, đang chiếu.

Nghĩ về sự copy ý tưởng

Phim đầu tiên khiến chúng ta nghĩ ngay tới truyện ngắn nổi danh “Bí mật chiếc cối xay gió của ông cả Coorni” của Alphonse Daudet (1840-1897). Nhà văn thiên tài Pháp đã mô tả cuộc chia tay đầy nước mắt nhưng thấm đẫm tình thương của người Pháp trước sự rút lui vào quá khứ của những chiếc cối xay gió để nhường chỗ cho những chiếc máy hơi nước, ra đời cùng với nền công nghiệp mới. Không chịu thua trận, ông cả đã đổ đầy đất sét vào lòng cối để vận hành và từ xa người ta vẫn thấy những chiếc cánh của cối xay gió vẫn tiếp tục quay một cách dũng cảm. Nhưng rồi mọi sự đã bị lộ và cái kết thúc của câu chuyện là bà con quanh vùng đã huy động hết số lúa mì còn lại trên lưng những con lừa và đến trước cửa ngôi nhà của chiếc cối xay gió rồi gọi to tên ông Coorni như ngày nào...Và Việt Nam đã ra đời bộ phim ca ngợi sự vững bền của nghệ thuật tranh Đông Hồ trước sức tấn công của tranh Tàu. Người nghệ sĩ dân gian Việt Nam không còn có đủ giấy dó để vẽ nên những bức tranh xưa, nhưng mỗi phiên chợ huyện, ông vẫn hiên ngang đeo tay nải lên đường như ngày nào cho đến khi bị phát hiện bên trong tay nải chỉ là những mảnh giấy lộn. Và thương ông, nói khác đi, tình yêu với nghệ thuật dân gian đã khiến đêm ấy, cả làng vang lên tiếng giã cối thình thịch, thình thịch, người ta cố gắng tìm kiếm nốt số nguyên liệu để giã thành bột, mong góp một chút gì cho nghệ nhân tội nghiệp kia.

Phim thứ hai kể về kí ức Điện Biên với nhiều câu chuyện đan xen. Trong đó có tình tiết một anh cán bộ, trong thời gian ngắn ngủi lên xứ Thái công tác đã thiếu kiềm chế và để lại một giọt máu của mình. Mấy chục năm sau, khi trở lại Tây Bắc và đến địa điểm năm xưa, cô gái Thái xinh xắn năm nào đã chết và chỉ để lại đứa con trai. Câu chuyện này khiến nhiều người lập tức nhớ đến một truyện ngắn của  Guy de Maupassant (1850-1893). Truyện ngắn kia kể lại câu chuyện có một viên quan kinh lí trẻ tuổi, khi tới một khách sạn ở một thành phố xa đã gặp và cảm mến cô hầu phòng trẻ xinh đẹp. Thế rồi anh ta đã cưỡng hiếp cô gái, ngay trên sàn nhà, sau đó ra đi không hẹn ngày về. Hơn hai chục năm sau, ông ta đã trở nên một quan lớn và lại có dịp trở về khách sạn  năm xưa và có ý hỏi thăm cô hầu bàn nọ. Ông được nghe rằng bà hầu phòng đã chết vì bệnh thương hàn và cậu con trai của bà này hiện là xà ích của khách sạn này. Đó là một thanh niên chột một mắt song có khuôn mặt rất giống cô hầu phòng xấu số và theo thông tin thu được thì anh ta chính là con trai của ông...

Nghĩ về sự copy ý tưởng

“Những người khốn khổ” từ văn học đến điện ảnh đều là tác phẩm nghệ thuật xuất sắc.

Sự giống nhau này là ngẫu nhiên?  Tuần này, chúng ta lại đang xem một bộ phim truyền hình mang tên cuốn sách của cố nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884-1958). Mạch phim đã đi được hơn nửa. Đó là câu chuyện của một làng quê đồng bằng sông Cửu Long thời mồ ma phong kiến thực dân. Lê Văn Đó bị chính quyền xem là tên tướng cướp, bị tù nơi đảo xa, sau này đã cùng một số bạn tù vượt ngục thành công, tuy nhiên anh không tiếp tục sống cùng giới giang hồ mà về một ngôi làng làm ăn, tích tụ công đức đến độ được mang tên một người giàu có khác và có thân phận cao trong xã hội. Nhưng kẻ ác luôn rình rập, chẳng ai muốn cho cuộc sống mới của Lê Văn Đó được yên và chúng đã nghi ngờ thân phận của anh. Bộ phim còn nhiều tuyến nhân vật song hiện nay đang dẫn đến khả năng Lê Văn Đó muốn xuất đầu lộ diện để nhận mình là “gã tướng cướp”, thay cho một tử tù sắp bị đem ra xử và mang tên là Lê Văn Đó...

Và tôi đã nhớ ngay tới thiên tài Pháp Victor Hugo (1802-1885), tiểu thuyết Những người khốn khổ của ông có nhân vật Jean Valjean, từng bị đi tù khổ sai chỉ vì đi ăn trộm cái bánh mì. Sau khi vượt ngục, ông đã lột xác hoàn toàn, đã làm ăn lương thiện và tu nhân tích đức rồi trở thành ngài Thị trưởng Madeleine. Bộ sách trứ danh ấy còn có Cosette, con gái của Fantine khốn khổ, được Jean Valjean nuôi dưỡng sau khi mẹ chết và “cha con” ông phải chịu nhiều đắng cay trước. Hai vợ chồng gã chủ quán tàn ác Thénardier cùng cặp mắt soi mói ngờ vực của thanh tra Javert: Những liên hệ theo chiều ngang của các nhân vật ở hai câu chuyện rất chi tương đồng: Jean Valjean và Lê Văn Đó, vợ chồng Thénardier và vợ chồng Đồ Cẩm, Javert và Đội Kì, rồi Fantine và Ánh Nguyệt, Cosette và bé Vân. Victor Hugo để thanh tra Javert tự còng tay và nhảy xuống sông Sen tự tử, khi gã thanh tra không sao hiểu nổi sự cao quý của kè tù tội năm nào, còn bộ phim Việt chưa đi tới cái kết cuối cùng, dù Lê Văn Đó còn đang lưỡng lự và Đội Kì đã có dấu hiệu hoàn lương, tuy nhiên những nét tương đồng  của hai tác phẩm là khó phủ nhận.

Bạn hãy cùng tôi xem phim và thử nêu một dự báo về diễn biến, liệu cái hiện tượng coppy ý tưởng ấy là có thực?

Ama Lâm

 


Ý kiến của bạn