Hà Nội

Nghĩ trong ngày 27/2

27-02-2018 07:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Một cây cầu, một tòa nhà hay những công trình khác không có ngày “kỷ niệm”, không có “nhân dịp” vẫn xuất hiện không phải vì để “chào mừng” mà vì cuộc sống hàng ngày của nhân dân.

Một cây cầu, một tòa nhà hay những công trình khác không có ngày “kỷ niệm”, không có “nhân dịp” vẫn xuất hiện không phải vì để “chào mừng” mà vì cuộc sống hàng ngày của nhân dân. “Ngày Thầy thuốc Việt Nam” lại đến và xã hội lại vang lên những lời tôn vinh. Rất xúc động, nhưng sao chỉ trong dịp này khi mà hàng ngày, sức khỏe không có “nhân dịp” và “kỷ niệm”. Chuyện kỷ niệm là cần thiết nhưng cần thiết hơn là thái độ công bằng với ngành Y và đội ngũ thầy thuốc trong cách nhìn nhận và đánh giá của cộng đồng.

Dù là ngành nghề mang thiên chức cao cả nhưng thầy thuốc vẫn là một con người trong xã hội như bao người khác. Họ cũng có những lo toan, những khó khăn nhưng sao nhiều người cứ muốn họ thành những thiên thần. Cuộc sống với cơ chế xin cho tạo nên thói quen, cách nghĩ ban phát trong không ít người thực thi công vụ và cái ý nghĩ ấy thành cái “lệ” trong quan niệm những người phụ thuộc, lan cả vào bệnh viện. Xin giấy phép, xin này xin nọ chả phải chuyện chết người, có thể chờ nhưng người ta vẫn phải bôi trơn. Chuyện chữa bệnh, cấp cứu càng hệ trọng hơn nên cái thói quen bôi trơn càng mạnh mẽ và phong bì xuất hiện. Không biếu được thầy thuốc thì người bệnh và thân nhân không yên tâm dù bác sĩ không nhận.

Xã hội có biết ngoài những thầy thuốc ở BV lớn, đội ngũ y tế còn có mặt khắp nơi từ vùng sâu, vùng cao, vùng xa, biên giới hải đảo. Họ là những chiến  sĩ áo trắng đánh: “giặc bệnh” từ xa. Công việc thầy thuốc không chỉ khám chữa bệnh mà còn phòng bệnh và bạn có thấy những bóng áo trắng hàng ngày đến tận từng nhà dân, từng ngõ xom, khu phố để lo chuyện tiêm chủng, phòng muỗi và dịch bệnh. Bên cạnh những thành tựu y học ngang tầm thế giới, chiến công lớn nhất của ngành Y là không có dịch bệnh, dập ngay dịch bệnh để giữ cho dưới mỗi mái nhà vang lên những nụ cười hạnh phúc. Và có ai hỏi thu nhập bình quân của thầy thuốc cả nước là bao nhiêu!

Đi tìm sự công bằng này không phải là chuyện hô hào, ngăn cấm thầy thuốc do “làm thêm, làm dịch vụ” hoặc nâng cao y đức từ chối phong bì. Cái gốc là mức lương cho các thầy thuốc cần đủ sống để giảm khoảng cách chênh lệch thu nhập cá nhân giữa các đối tượng trong cộng đồng để đội ngũ thầy thuốc yên tâm làm việc.

Mức lương ngoài việc thể hiện sự đánh giá đúng giá trị lao động của thầy thuốc còn là một thái độ xã hội. Cuộc sống có hai “thầy” luôn được xã hội kính trọng là thầy thuốc và thầy giáo nhưng thầy cô giáo đứng lớp “gieo chữ” được phụ cấp thêm 50% trong khi thầy thuốc đứng buồng bệnh “gieo sức khỏe” thì không có! Nói rộng ra, lực lượng bộ đội, công an canh giữ sự bình yên của xã hội, của Tổ quốc cần có mức lương cao hơn hiện nay cũng rất xứng đáng nhưng thầy thuốc cũng canh giữ sự bình yên của xã hội từ phòng chống dịch bệnh đến sự bình yên trong mỗi gia đình khi bị bệnh tật tấn công mà sao ít ai để ý đến sự canh giữ và bình yên này?

Lại so sánh việc đào tạo thầy thuốc với đào tạo cán bộ các ngành khác. Sinh viên Trường đại học Y học 6 năm, thời gian gấp rưỡi nhiều trường đào tạo kỹ sư, cán bộ trong 4 năm nhưng mức lương chưa thể hiện sự khác biệt này. Đó là chưa nói chữa bệnh cho người khác hẳn chữa bệnh cho máy.

Khi sự thiếu công bằng tồn tại dễ sinh ra tiêu cực bởi khi lương không đủ sống người ta sẽ tìm mọi cách để tồn tại và yên tâm với việc “bù” vào phần thu nhập chính đáng phải có. Riết rồi thành quen, đủ sống vẫn theo đà tiêu cực.

Khi thiếu sự công bằng trong thu nhập thực tế với bối cảnh mức lương chính thức quá thấp, không tương xứng với giá trị thật của lao động thầy thuốc thì lý tưởng ngành y cũng dễ bị xói mòn. Xói mòn ngay trong tâm thức những người chưa phải là thầy thuốc. Một chứng minh dễ thấy là các trường ĐH Y dù phải học nhiều năm hơn các trường đại học khác, điểm sàn đầu vào cao hơn rất nhiều trường ĐH khác nhưng thí sinh thi vào vẫn liên tục đứng ở tốp đầu các trường ĐH trong khi đó, vẫn là trường đào tạo thầy thuốc nhưng hệ cao đẳng, trung cấp y dù điểm sàn thấp hơn các trường khác nhưng thí sinh thi vào vẫn không nhiều.

Có nhìn nhận công bằng đối với công việc thầy thuốc qua việc đánh giá giá trị lao động bằng mức lương cũng là một thái độ văn hóa chăng?


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn