Nghĩ trong ngày 21/6

19-06-2015 00:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong tiến trình phát triển của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ.

Trong tiến trình phát triển của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ.Khác với trước đây, báo chí hiện nay được ghi nhận là nhanh nhạy, kịp thời đã phản ánh khá đầy đủ mọi mặt của cuộc sống, thực sự là món ăn tinh thần của nhân dân. Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực được báo chí dũng cảm phát hiện và Nhà nước xử lý nghiêm minh đã tạo được niềm tin trong dư luận đối với đội ngũ nhà báo và qua đó, tin yêu hơn Ðảng, Nhà nước và Chính phủ. Những quyết sách mà đại biểu của nhân dân bàn bạc, hỏi và chất vấn tại  “Phòng Diên hồng” của Quốc hội cũng đến với dân nhanh nhất, rộng khắp nhất qua các phương tiện thông tin đại chúng, đã thể hiện tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và thái độ cầu thị, công khai, minh bạch của các cơ quan Nhà nước.

Sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam cả về chất lượng và số lượng quả là điều đáng mừng. Tuy nhiên, sự phát triển của đầu báo và đội ngũ nhà báo, phóng viên chưa theo kịp đòi hỏi của nhân dân về chất lượng, nội dung, trong đó có không ít hiện tượng giả danh nhà báo hoặc chính một số nhà báo lợi dụng báo chí để làm chuyện tiêu cực thật đáng buồn. Bên cạnh đó, dường như trong bối cảnh kinh tế thị trường và sự phát triển nóng của một số tờ báo, cũng không hiếm điều bất cẩn dẫn đến cái sai không đáng có. Một nhà báo lão thành trong một hội thảo đã phải buồn rầu thốt lên:  “Có những cái sai không ngờ. Ví dụ, có nhà báo nghe vợ đi chợ về nói là có tin đồn bố chồng dan díu với con dâu, về cũng làm tin đăng phát trên đài quốc gia”.

Do kinh tế thị trường, nhiều tờ báo khó khăn về tài chính nên sa vào việc in tin bài câu khách trong các ấn phẩm phụ và trang điện tử ra quá nhiều khiến ngay người trong nghề cũng phải chua xót gọi đó là những báo và nhà báo “trồng cải”. Báo chí hay bất kỳ ngành nghề nào cũng bắt đầu từ con người và vì con người. Do phát triển nhanh đội ngũ nên nhiều phóng viên, nhà báo còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kể cả thiếu trách nhiệm rèn luyện đạo đức người làm báo.

Rõ ràng, dù vì nguyên nhân nào thì những sai phạm trên báo chí phần nào mất uy tín trước độc giả, ảnh hưởng tới mục đích nhân văn của báo chí. Ở các ngành khác, cái sai có thể khắc phục nhưng dường như trong lĩnh vực y tế và báo chí thì cái đúng mất đi thật khó tìm lại. Khi người dân sợ báo chí, khi các cơ quan hữu quan không hợp tác với báo chí thì vai trò định hướng dư luận xã hội của báo chí sẽ không còn.

Bên cạnh việc khẳng định những thành tựu của báo chí và đội ngũ báo chí nói chung, thiết nghĩ các cơ quan báo chí từ Hội Nhà báo đến từng đơn vị báo chí cần có những quy định cụ thể về đạo đức nhà báo và uy tín cơ quan báo chí như y tế có những “nguyên tắc y đức” để kịp thời bồi dưỡng kiến thức, đào tạo hoặc đào tạo lại để nâng cao nhận thức cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, từ đó hình thành cơ chế tự điều chỉnh trong việc thực hiện các quy phạm đạo đức nghề báo.

“Một lời nói, một đọi máu” huống là một lời nói, một đoạn chữ, một thông tin sai trên phương tiện truyền thông sẽ tác hại biết nhường nào. Cuộc sống có bao vấn đề và tỉ lệ những vấn đề thông tin trên báo chí thiết nghĩ cũng phải xác lập theo tiêu chí tôn chỉ mục đích của mỗi cơ quan báo chí.

Nhà báo - những người con của nhân dân, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng bao giờ cũng hướng ngòi bút để phản ánh những điều dân nghĩ, dân cần.

Lê Quý Hiền

 

 


Ý kiến của bạn