Nghi rối loạn tiêu hóa người đàn ông tắc động mạch mạc treo tràng trên

31-05-2020 16:01 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mới đây, các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật lấy huyết khối giữ nguyên vẹn ruột cho bệnh nhân 71 tuổi bị tắc động mạch mạc treo tràng trên nguy kịch. Đây là trường hợp tắc mạch mạc treo đầu tiên không phải cắt ruột nhờ sự phối hợp giữa phẫu thuật mạch máu và phẫu thuật tiêu hóa.

Bệnh nhân là Nguyễn Quang B. (71 tuổi) trú tại phường Cao Xanh, TP Hạ Long, có tiền sử bệnh tim mạch, loạn nhịp tim. Sáng ngày 29/5, ông B. xuất hiện đau bụng dữ dội vùng thượng vị kèm chướng bụng tăng dần, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Qua thăm khám ban đầu, đây là các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, các xét nghiệm cận lâm sàng cũng như X-quang không đặc biệt, bệnh nhân không đỡ đau sau khi dùng thuốc. Nghi ngờ bệnh nhân bị rung nhĩ có thể gây nguy cơ tắc mạch do cục máu đông di chuyển từ tim xuống mạch mạc treo ruột nên các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định chụp cắt lớp mạch máu ổ bụng. Kết quả trên phim chụp cắt lớp 512 dãy phát hiện hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch mạc treo tràng trên ở gần gốc do huyết khối.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính dựng hình đoạn mạch mạc treo bị tắc và được lấy huyết khối tái thông sau phẫu thuật.

Các bác sĩ khoa Ngoại, Tim mạch, chẩn đoán hình ảnh và Gây mê - Hồi sức nhanh chóng phối hợp hội chẩn đánh giá: Bệnh nhân tắc mạch mạch treo đã có dấu hiệu bụng ngoại khoa kèm bệnh tim mạch, vì vậy nguy cơ tử vong do hoại tử ruột và tắc mạch các nơi khác rất cao nên quyết định mở bụng xử trí tổn thương ruột và lấy huyết khối.

Kíp phẫu thuật do ThS.BS Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại cùng các phẫu thuật viên ngoại tiêu hóa và mạch máu phối hợp với khoa Gây mê hồi sức tiến hành mở bụng kiểm tra thấy toàn bộ ruột non đã co nhỏ nhợt nhạt, nhiều đoạn đổi màu do thiếu máu tuy nhiên ruột chưa hoại tử, động mạch mạc treo tràng trên bị tắc gần sát gốc do huyết khối.

Phẫu thuật viên tiến hành mở động mạch mạc treo tràng trên dùng dụng cụ lấy ra nhiều đoạn huyết khối, động mạch được bơm rửa sạch máu cục hai đầu và nối lại. Kiểm tra thấy máu lưu thông tốt, toàn bộ ruột non hồng ấm hồi phục trở lại, tĩnh mạch mạc treo không có huyết khối. Sau 2 giờ phẫu thuật căng thẳng, ca mổ diễn ra thành công.

Bác sĩ kiểm tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau phẫu thuật

Sau mổ, bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị chống đông, đến naysức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, các chỉ số ổn định, đã đại tiểu tiện, ngồi dậy đi lại và tập ăn theo chế độ của bác sĩ dinh dưỡng.

ThS.BS Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đánh giá: Tắc mạch mạc treo rất khó chẩn đoán sớm, vì triệu chứng giống như rối loạn tiêu hóa hoặc viêm ruột, các kết quả cận lâm sàng thường không có gì đặc biệt. Khi có chỉ định mổ thường ở giai đoạn muộn, lúc đó ruột đã hoại tử và mổ ra mới biết nguyên nhân là do tắc mạch. Trường hợp bệnh nhân B. có tiền sử bệnh tim rung nhĩ, với kinh nghiệm lâm sàng, chúng tôi lập tức nghĩ đến tắc mạch do cục máu di chuyển từ tim xuống mạch mạc treo, vậy nên đã chỉ định chụp cắt lớp ổ bụng có tiêm thuốc cản quang và phát hiện chính xác vị trí tắc.

Trước đây khi mổ những ca tắc động mạch mạc treo phải cắt ruột do bệnh nhân nhập viện muộn vài tiếng sau khi có biểu hiện, trong khi đó thời gian thiếu máu ruột chỉ khoảng 3 giờ là hoại tử nên khi đó nguy cơ mổ cắt ruột tỷ lệ rất cao, gây nhiều biến chứng sau mổ, thậm chí là tử vong.

Bệnh nhân B. đã được phát hiện sớm khi chưa hoại tử, quá trình mổ có khó khăn cho phẫu thuật viên bởi nếu đánh giá không đúng khả năng phục hồi của đoạn ruột thiếu máu thì nguy cơ mổ lại để cắt đoạn ruột bị hoại tử là không nhỏ.

Hiện nay, chúng tôi thường phối hợp mở mạch trong mổ để lấy huyết khối và ghép mạch, do vậy khi mạch đã thông và tưới máu trở lại thì những đoạn ruột thiếu máu sẽ phục hồi, từ đó hạn chế phải cắt nhiều ruột. Ca bệnh này may mắn vì toàn bộ ruột hồi phục hoàn toàn.

Đây cũng là lần đầu tiên bệnh nhân tắc động mạch mạc treo nguy kịch mà không phải cắt bỏ đoạn ruột nào, trường hợp này hiếm thấy cả với bệnh viện tuyến trung ương.

Tắc động mạch mạc treo là một biến chứng của bệnh tim mạch, khó chẩn đoán sớm do triệu chứng không điển hình và đặc hiệu, tỷ lệ tử vong cao từ 70 – 90% nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi vậy, việc chẩn đoán phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm lâm sàng và kiến thức chuyên môn của đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cũng như các phương tiện chẩn đoán hiện đại.

Các bác sĩ khuyến cáo thêm: Trong trường hợp đau bụng không rõ nguyên nhân, nhất là người có tiền sử bệnh lý tim mạch, bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp…), bệnh nhân không nên tự uống thuốc, điều trị tại nhà mà cần phải đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và phát hiện kịp thời.



Hạ Trang
Ý kiến của bạn