Nghị quyết của Liên Hợp Quốc được thông qua nhưng xung quanh vấn đề Crimea lại phân chia cộng đồng quốc tế thành hai nửa khác nhau: trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc, có 100 quốc gia bỏ phiếu thông qua nghị quyết.
Khoảng một nửa các thành viên tham gia phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lắng nghe lời kêu gọi không công nhận cuộc trưng cầu dân ý Crimea.
Tài liệu do Ukraine, Đức, Ba Lan, Litva, Canada và Costa Rica phối hợp soạn thảo cho rằng ý nguyện của nhân dân Crimea là không có tính pháp lý.
Các tác giả nghị quyết đã kêu gọi các nước thành viên Liên Hợp Quốc công nhận sự thay đổi tình trạng của nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol là vô căn cứ.
Moscow và những người ủng hộ Nga cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea là hoàn toàn hợp pháp.
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quốc gia có quyền tự quyết. Hơn nữa, cuộc trưng cầu ngày 16 tháng Ba ở Crimea đã được tiến hành vì ban lãnh đạo Ukraine mới, lên nắm quyền ở đất nước bằng vũ lực.
Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin đã tuyên bố quan điểm của Nga như sau:
“Tại Kiev (thủ đô Ukraine) đã không còn tồn tại chính quyền hợp pháp, trong khi đó bạo lực đã trở thành chuẩn mực của đời sống chính trị.
Tại Verkhovna Rada (Quốc hội), đảng chiếm đa số quốc hội và ủng hộ chế độ Tổng thống bị lật đổ Yanukovych đã trở thành tấm bia.
Kết quả là, Quốc hội đã thay đổi, và thay vì một chính phủ đoàn kết dân tộc, đã xuất hiện cái gọi là "chính phủ của những người chiến thắng".
Quyền lực thuộc về những người giành phần thắng trong cuộc đảo chính vũ trang – những kẻ theo dân tộc cực đoan, theo định nghĩa của Nghị viện châu Âu, họ chính là những kẻ phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và có quan điểm bài ngoại.
Những người này căm ghét tất cả mọi thứ của Nga, không che giấu rằng họ coi tay chân của Đức quốc xã Ukraine là các bậc tiền bối ý thức hệ”.
Bình luận về điều này, đài Tiếng nói nước Nga cho rằng việc bỏ phiếu tại cuộc họp của Đại hội đồng là nỗ lực thứ hai đưa ra văn kiện của Liên Hợp Quốc nhằm phủ nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý Crimea hôm 16 tháng Ba.
Trước đó, Nga đã phủ quyết một tài liệu tương tự được đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Đài này cũng nhắc lại rằng, "Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ có tính chất khuyến nghị".
Thành viên Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga Igor Morozov cho biết: “Tôi cho rằng 58 quốc gia bỏ phiếu trắng và 24 nước không tham gia bỏ phiếu thực sự muốn ủng hộ chúng tôi, và họ hiểu rằng trên thực tế Crimea đã tiến hành một cuộc trưng cầu trung thực, cởi mở, khoan dung và đạt kết quả ấn tượng".
Ông nói thêm: "Nhưng họ phải chịu áp lực mạnh mẽ. Bởi vì ngày nay nhiều quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ".
Hoa Kỳ có một mạng lưới rộng lớn gồm các chương trình gây áp lực lên quyết định chính trị của quốc gia khác nhau.
"Vì vậy, chúng tôi tin rằng ngoại giao Nga đã thắng trong cuộc chơi tuyệt vời này và có được 92 quốc gia không thực sự ủng hộ Mỹ trong quyết định này là một thành công ngoại giao tuyệt vời”, ông nhấn mạnh.
Theo Bizlive