Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của ĐBQH về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Buổi chiều, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình ý kiến của ĐBQH về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Trước đó, ngày 14/11, các đại biểu đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP. Hồ Chí Minh (TP); thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết và dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đọc Tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.
Tạo động lực cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh
Theo Tờ trình, thời gian qua, TP đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển KT-XH, đóng góp lớn cho sự phát triển KT-XH và thu ngân sách nhà nước (NSNN)của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên tinh thần TP vì cả nước. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển KT-XH của TP đang chậm lại. TP đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm, cản trở sự phát triển bền vững của TP. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của TP trong giai đoạn phát triển mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Cần Thơ) và đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) phát biểu trong phiên thảo luận.
Thảo luận về vấn đề này, nhiều đại biểu QH cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho TP phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần TP vì cả nước và cả nước vì TP phát triển ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng KT-XH, từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của TP.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhấn mạnh việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP phải bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối, vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo kiểm soát mức tăng bội chi NSNN và trần nợ công đã được QH quyết định. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự ổn định tương đối và tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của TP; không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh, chỉ số cạnh tranh của TP; góp phần tăng mức độ đóng góp của TP đến sự phát triển của cả nước nói chung.
Đầu tàu kinh tế có ý nghĩa với cả nước
Thảo luận tại tổ về nội dung trên, nhiều đại biểu nhận định, TP là đầu tàu kinh tế của cả nước cho nên việc trao cơ chế đặc thù không chỉ có ý nghĩa cho riêng TP mà còn đối với cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Cần Thơ) cho rằng cần nhận thức rõ được sự cần thiết ban hành cơ chế đặc thù cho TP, bởi TP là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nếu đầu tàu kinh tế, vùng động lực đi chậm, có nghĩa là các toa tàu phía sau sẽ chậm theo. Quy định cơ chế đặc thù này không phải cho riêng TP mà là cho cả nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù phải thực sự tạo động lực, đột phá nhưng không được làm giảm sức hút cạnh tranh của TP, đồng thời phải đặt trong tổng thể của cả nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng cần thiết phải ban hành một cơ chế đặc thù đột phá để khai thác các tiềm năng, lợi thế của TP. Khó khăn lớn nhất là nguồn lực để cho phát triển, chúng ta đang thiếu và giải pháp đặt ra là phải đưa ra các cơ chế, chính sách đột phá để tạo động lực cho sự phát triển của TP.
Liên quan đến các nội dung cụ thể của cơ chế đặc thù cho TP, xung quanh quy định về việc thí điểm xây dựng, thực hiện chính sách thuế tài sản và thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định hiện hành, qua thảo luận, có ý kiến đề nghị chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế mà việc tăng đó thực sự tạo động lực, đột phá cho TP phát triển hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và có tính đến mức thu nhập của người dân đô thị…
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến đại biểu cho rằng không nên tăng tất cả các loại thuế sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của TP.