Nghị quyết 30 là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam

07-01-2023 15:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Một số ĐBQH cho rằng, Nghị quyết 30 là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 7/1/2023, Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; 

Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Nghị quyết 30 đáp ứng được yêu cầu cấp bách

Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) tán thành và đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 cũng như sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội. Nghị quyết ra đời đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, Nghị quyết 30 là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, cùng với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói đúng hơn là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam.

Nghị quyết 30 là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh: "Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh".

Đại biểu Đoàn tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm, Nghị quyết 30 đã định khung, định hình đi trước mở đường, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả, đã quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch. Hàng loạt chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và cả hỗ trợ bạn bè quốc tế được triển khai, tổ chức thực hiện.

Đặc biệt là chiến lược ngoại giao vaccine, chiến lược tiêm chủng vaccine cùng nhiều biện pháp khác, cùng với sự cống hiến hết mình, quên mình của các lực lượng tham gia chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu, nước ta đã cơ bản khống chế được đại dịch, tạo điều kiện tiên quyết đưa cuộc sống toàn xã hội trở lại bình thường, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, chọn thời điểm thích hợp để mở cửa nền kinh tế, tạo bước đột phá chiến lược cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở vững chắc cho đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội của đất nước.

Nghị quyết 30 là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam - Ảnh 2.

Toàn cảnh Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV chiều 7/1.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện nay, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ cần có giải pháp toàn diện tinh thần, thái độ cầu thị hơn nữa, sớm khắc phục, đặc biệt là cần tổng kết toàn diện thực tiễn chống dịch và những phát sinh trong quá trình chống dịch cả mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, ghi nhận trung thực thực trạng chống dịch với tinh thần khách quan như một chứng cứ lịch sử để làm cẩm nang cho hiện tại và cho con cháu mai sau. Đặc biệt cần phải có cơ chế để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình chống dịch từ các địa phương, các bộ, ngành.; các cơ chế, chính sách và các giải pháp phải như một liệu pháp đủ mạnh để xốc lại tinh thần hăng say, nhiệt huyết, tinh thần xả thân vì cộng đồng của tất cả các lực lượng tham gia chống dịch để chúng ta có đủ lực lượng để dự phòng, đối phó, ứng phó kịp thời với những vấn đề tương tự trong tương lai.

Là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đã gợi nhắc về bối cảnh ra đời của Nghị quyết khi đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, tại thời điểm đó, dịch bệnh COVID - 19 đang diễn ra hết sức phức tạp trên thế giới, đặc biệt là với biến chủng Delta đã gây những tác hại nghiêm trọng tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Mỗi ngày thì số ca nhiễm tăng rất là nhanh, từ 100 ca/ngày lên tới 1000 ca - 5000 ca/ngày. Thuốc điều trị, phác đồ điều trị chưa có, vật tư y tế, máy móc, thiết bị, giường bệnh không đáp ứng đủ nhân lực y tế quá tải. Do đó đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tổn thương rất lớn đến sức khỏe, tính mạng người dân, ảnh hưởng đến kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội, UBTVQH đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ làm việc ngày đêm để kịp thời đưa vào nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV với những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID -19 trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Nghị quyết 30 là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam - Ảnh 3.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định đây là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ, đã tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ban hành các quyết định quan trọng, giải pháp sáng tạo, giúp công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả.

Cho rằng trong tình hình hiện nay dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, biến thể mới lại tiếp tục phát sinh, đại biểu Trần Hoàng Ngân bày tỏ thống nhất hoàn toàn tất cả các kiến nghị của Chính phủ. Đồng thời lưu ý thêm cho phép thực hiện chuyển tiếp một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, các hoạt động phòng chống dịch của cơ sở y tế và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng chống dịch.

Trong đó, việc thanh toán chi phí phòng chống dịch COVID - 19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID -19, đại biểu đề nghị quy định trong dự thảo Nghị quyết yêu cầu các thủ tục phải đơn giản, rút gọn. Mặt khác, việc chậm thanh toán cho các chiến sĩ, cho các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch.

Đại biểu cũng cho rằng nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng chống các dịch bệnh.

Giải quyết khó khăn trong chi trả cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19Giải quyết khó khăn trong chi trả cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19

SKĐS - Nhiều ĐBQH đề nghị cần khẩn trương giải quyết các khó khăn, hạn chế trong việc chi trả cho lực lượng được điều động, huy động tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn