Theo lời giới thiệu của ông Hoàng Ngọc Khánh - Thư ký Chương trình phòng, chống HIV/AIDS huyện Kỳ Anh. Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ 2 gian nằm chênh vênh bên bờ Sông Trí, thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Đó là tổ ấm của chị Đào Thị An - người mang trong mình căn bệnh HIV.
Số phận trớ trêu
Có thể nói rằng trong số gần 1.700 người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, những người dám đối diện với sự thật và vượt qua sóng gió cuộc đời như chị An là không nhiều. Câu chuyện về chị là tấm gương cho những người đồng cảnh ngộ khác về nghị lực sống, dù trong hoàn cảnh éo le tột cùng nhất. Mỗi ngày trôi qua, chị đã sống trong niềm vui vì được giúp đỡ mọi người cùng cảnh ngộ, được chia sẻ, được cho và nhận. Riêng chị, chỉ thế thôi cũng đủ đầy để nuôi dưỡng cuộc sống.
Nhiễm HIV nhưng chị An vẫn sống lạc quan và làm nhiều việc có ích.
Được sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, trong đó chị Đào Thị An là con thứ 6, bố mẹ làm nông nghiệp, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Chị không được may mắn như những người bạn cùng trang lứa, học xong chương trình cấp III, thi vào đại học không đậu, chị xác định gia đình còn nhiều khó khăn nên tính chuyện đi học nghề cắt tóc, gội đầu rồi ở nhà phụ giúp bố mẹ. Ngày đó cũng đã đến tuổi trưởng thành, chị phải tính chuyện xây dựng gia đình, một hôm tình cờ gặp người cùng quê, sau 2 năm hò hẹn chị đem lòng yêu anh say đắm. Tháng 2/2005, chị tổ chức đám cưới trong sự vui mừng của gia đình, hai họ và anh em bạn bè gần xa. Một tháng sau khi cưới, chị đã có bầu. Khi thai đến tháng thứ năm thì chị mới đi khám thai lần đầu được biết qua siêu âm một cháu gái. Niềm vui lại nối tiếp niềm vui, khi hạnh phúc đang ngập tràn thì bất hạnh đổ ập xuống, bởi người chồng bỗng dưng xuất hiện căn bệnh với những cơn đau khó tả, đi điều trị hết Bệnh viện huyện Kỳ Anh, rồi vào Bệnh viện Trung ương Huế nhưng không đỡ, sau tiếp tục về điều trị tại Bệnh viện huyện Kỳ Anh thì bác sĩ cho biết chồng chị bị nhiễm HIV đang chuyển sang giai đoạn AIDS.
“Nhận được tin dữ, đầu óc tôi choáng váng, toàn thân run lên. Lúc đó, tôi đang mang bầu đứa con gái đầu lòng tháng thứ 6, không khóc được, thay vào đó là một cảm giác đau đớn tột cùng. Có lẽ đó là cú sốc lớn nhất trong đời mà tôi từng gặp. Rồi, ngày tiếp ngày trong nỗi đau đớn, buồn rầu. Cố gượng dậy nghĩ lại, dù thế nào thì vợ chồng một ngày cũng nên nghĩa, biết rất giận chồng, nhưng tôi vẫn dùng lời lẽ yêu thương, chăm sóc chồng để trấn an anh ấy”, chị tâm sự.
Lúc đó khái niệm về HIV còn quá xa lạ đối với những người thôn quê như chị, chị chỉ biết lo lắng cho chồng, còn mình thì không nghĩ đến. Trong thời gian chăm sóc chồng tại bệnh viện, chị được bác sĩ tư vấn đi khám và xét nghiệm ngay xem có nhiễm HIV không để có biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang đứa con sắp chào đời. Chị kể tiếp: “Khi cầm kết quả “dương tính” về đưa cho chồng tôi xem, anh ấy ôm tôi khóc ròng và nói trong tiếng nấc nghẹn ngào “anh làm hại em rồi...”. Còn tôi như cái xác vô hồn, đứng im bặt như trời trồng trong vòng tay run rẩy của chồng. Đúng là hạnh phúc đến với tôi thật là ngắn ngủi. Kể từ khi phát hiện chồng tôi bị nhiễm HIV/AIDS, mặc dù được gia đình và các y, bác sĩ bệnh viện hết sức chăm sóc, cứu chữa nhưng không thể vượt qua được căn bệnh quái ác này. Chỉ sau 2 tháng là chồng tôi qua đời.
Nhiều lúc nghĩ quẩn, tôi muốn tìm đến cái chết song nghĩ đến đứa con gái nhỏ chưa chào đời đã mồ côi bố, tôi lại tiếp tục gồng mình để sống dậy và luôn cầu mong sao mai mốt sinh nở được mẹ tròn con vuông mà con mình sinh ra không mang căn bệnh thế kỷ như bố mẹ nó nữa. Thế rồi, cháu bé được sinh ra và rất may cho cháu là không bị nhiễm HIV từ mẹ. Bây giờ cháu rất chăm ngoan, học giỏi và biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mẹ rồi”.
Như cánh chim không mỏi
Với những năm, tháng “giông bão” gần như nguôi dần đi, bây giờ sáng lên chợ, chiều tối chị lại say mê đến các nhà hàng, khách sạn và các cơ sở dịch vụ giải trí đóng trên địa bàn để phát miễn phí bao cao su cho phụ nữ bán dâm, bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy để mong sao giảm bớt đi một phần nguy cơ lây nhiễm HIV cho những người lầm lỡ như họ. Những nơi nguy hiểm nhất, những chốn tệ nạn nhất đều có mặt chị.
Anh Hoàng Ngọc Khánh - Chuyên trách phòng chống HIV huyện Kỳ Anh cho biết: Với nghị lực và lòng bao dung, chị không ngại ngần thường xuyên tiếp xúc với người nghiện ma túy, gái mại dâm. Chị không dám và không thể ngăn cấm họ nhưng chị đã và đang giúp đỡ họ bằng việc tư vấn về hiểm họa, tư vấn về các phương pháp bảo vệ để phòng tránh. Trong số các cô gái hoạt động mại dâm trên địa bàn huyện Kỳ Anh đã từng có một số người tìm đến chị để được chia sẻ. Điển hình như cô H.T.M., là một người làm nghề mại dâm nhiều năm nay, là người đã từng trải, có kinh nghiệm trong nghề nên cô M. rất hiểu sự nguy hiểm của bệnh lây qua đường tình dục. Đã nhiều lần cô đến với chị An để xin bao cao su. “Chị An không chỉ là người chỉ phát bao cao su mà mỗi lần tiếp xúc với chị ấy bọn em cảm thấy như tăng lên nghị lực sống. Làm cái nghề này chỉ có đau khổ mà không có niềm vui. Rất nhục nhã nên chị ấy cũng khuyên em bỏ nghề nhưng... vì cuộc sống. Chị An là điểm tựa cho em mỗi khi em tuyệt vọng”. Cô M. chia sẻ.
Cảm phục, mến mộ của người phụ nữ đầy nghị lực đáng kính trọng nhưng không may vướng vào hoàn cảnh éo le với tuổi đời 30 mà đã góa phụ một mình nuôi con nhỏ, không ít người cùng cảnh ngộ ngỏ lời muốn cùng chị bầu bạn cho bớt quạnh hiu trong những ngày chống chọi với bệnh tật nhưng chị đều từ chối. Bởi hơn ai hết, chị hiểu nỗi đau mình đang gánh chịu không dễ gì dung hòa, không dễ gì nguôi ngoai và quan trọng hơn, chị muốn dành thời gian chăm sóc con gái và tiếp tục sống lạc quan, yêu đời, kéo dài sự sống, với niềm ước ao một ngày nào đó, y học hiện đại sẽ tìm ra thuốc chữa được bệnh AIDS cho chị và những người cùng mắc bệnh như chị, chị tâm sự: “Bây giờ thì em đã chiêm nghiệm được nhiều thứ ở đời rồi, vui cũng có, buồn cũng nhiều, nhưng mình phải biết gạt bỏ tất cả, vượt qua giông bão để nuôi con khôn lớn. Quan trọng mình phải biết vươn lên trong cuộc sống để làm chủ bản thân. Tôi chỉ biết trách sao anh không nói mình mắc bệnh trước để vợ phòng bệnh”.
Con gái chị hiện nay đã học lớp 4, từ lớp 1 đến nay cháu đều đạt học sinh giỏi của trường và đã có trong danh sách đội tuyển học sinh giỏi huyện trong thời gian tới. Niềm vui mừng nhất của chị bây giờ là thấy sức khỏe được ổn định, con gái chăm ngoan học giỏi được các thầy cô giáo thương yêu, nhà trường tuyên dương tấm gương nghèo vượt khó.
BS. Phùng Bình Văn - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Tĩnh cho biết: “Kỳ Anh là một điểm nóng về mại dâm và ma túy. Ngoài công tác phòng chống HIV/AIDS của ngành y tế thì rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Chị An đã có thành tích lớn trong công tác phòng chống HIV. Nghị lực của chị An rất đáng nể phục, chị đã chiến thắng chính mình, đã góp phần làm giảm lây truyền HIV trong cộng đồng. Đồng thời, chị cũng đang làm cho cộng đồng, xã hội thay đổi hành vi kỳ thị với bệnh nhân HIV/AIDS”.
Bài, ảnh: Hồ Nam - Thanh Nga